Từ cậu bé mồ côi đến tân bác sĩ

07:01, 23/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau 13 năm tự nuôi bản thân và em trai, Lê Thanh Truyền (25 tuổi), quê ở phường Phổ Ninh (TX.Đức Phổ), nguyên là học sinh Trường THPT số 1 Đức Phổ, đã trở thành bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh. Tấm gương của bác sĩ Lê Thanh Truyền đã lan tỏa nghị lực sống đến các bạn trẻ.
 
 Trở về quê lần này, Truyền tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, ấm áp của ông Bùi Đình Sâm và bà Nguyễn Thị Phượng Linh, ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành). Ông Sâm, bà Linh là ba, mẹ nuôi của Truyền. Hình ảnh của Truyền được ba Sâm, mẹ Linh treo trang trọng trên tường nhà cùng hình ảnh của đại gia đình. 
 
Sống trong yêu thương của cộng đồng
 
Mẹ của Truyền lặng lẽ bỏ đi khi em lên 2 tuổi, còn em trai của Truyền vừa tròn 2 tháng tuổi. Lên lớp 6, cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, Truyền trở thành trụ cột trong gia đình, cáng đáng mọi việc, gồng gánh nuôi cha, nuôi bản thân và nuôi em vì cha bị bệnh phong, nằm liệt giường rồi qua đời sau một cơn tai biến. Sau giờ học, Truyền xoay vòng như chong chóng, cắt cỏ nuôi bò, làm ruộng, nuôi heo, đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy. Mùa hè, em đi làm gia sư, phụ bán sách, phụ các tiểu thương ngoài chợ huyện để có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Quanh năm suốt tháng, bữa ăn của hai đứa trẻ chỉ là nồi cơm độn củ khoai và nồi canh chua 8.000 đồng cho hai bữa. Một ngày Truyền chỉ dành 5 tiếng để ngủ, còn 19 tiếng học tập, làm việc.
 
Lê Thanh Truyền trong ngày tốt nghiệp đại học bên anh Bùi Đình Vương Quốc (con ruột của ông Bùi Đình Sâm và bà Nguyễn Thị Phượng Linh).    Ảnh: NVCC
Lê Thanh Truyền trong ngày tốt nghiệp đại học bên anh Bùi Đình Vương Quốc (con ruột của ông Bùi Đình Sâm và bà Nguyễn Thị Phượng Linh). Ảnh: NVCC
Đối với Truyền, những ngôi trường đã học đều là gia đình của mình. Mỗi cái Tết, Truyền được các thầy, cô giáo chăm lo từ hộp bánh, túi kẹo, túi bột ngọt... Có lần em ngất xỉu vì đói phải nhập viện, các thầy, cô giáo thay phiên nhau nghỉ dạy chăm sóc em. Thầy, cô chắt chiu cho em từng vỉ thuốc, chục trứng gà, bó cải, rau muống... Các thầy, cô giáo đã cưu mang giúp em trưởng thành hơn trong suy nghĩ và vững vàng đi qua bão tố của cuộc đời. Truyền bảo, em rất may mắn khi được rất nhiều thầy, cô giáo, nhiều gia đình giúp đỡ, nhận đỡ đầu. Đặc biệt là ba Sâm, mẹ Linh, một trong những người ba, mẹ mà Truyền may mắn được nhận làm con nuôi, đã cưu mang và giúp đỡ em trên hành trình vượt khó. Truyền cũng không bao giờ quên học bổng “Chân trời ước mơ” do Thiên Tân Group tài trợ cùng tấm chân tình, cái xoa đầu, cái ôm vỗ về, động viên của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thiên Tân Group Huỳnh Kim Lập dành cho em.
 
"Mọi người không thể chọn nơi mình sinh ra, chọn hoàn cảnh cho mình, nhưng có thể phấn đấu vượt qua khó khăn. Nếu không bỏ cuộc, dù chậm hay nhanh một ngày chúng ta cũng sẽ đến đích. Cánh cửa này khép lại, cuộc sống sẽ mở ra nhiều cánh cửa khác. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải có niềm tin, nỗ lực thì những cánh cửa còn lại sẽ luôn mở ra và chào đón”. 
Bác sĩ LÊ THANH TRUYỀN

Cuộc sống cơ cực là thế, nhưng điều phi thường là Truyền đã vượt qua nghịch cảnh, là học sinh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, đỗ vào ngành Y học dự phòng của Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ như ước vọng của người cha quá cố, và để tri ân tấm lòng của các nhà hảo tâm đã giúp đỡ mình trong những năm tháng khốn khó.

 
Nhìn lại chặng đường đã qua, Truyền tâm sự rằng, em có được thành công hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân là hơi ấm của bao người mang đến cho em. Mỗi khi nhận được sự cưu mang, dìu dắt của mọi người thôi thúc em kiên trì, bền bỉ vượt qua nghịch cảnh, vươn tới thành công. 
 
Lúc Truyền nhận giấy báo đỗ đại học, em nghẹn ngào không biết cuộc sống sắp tới sẽ ra sao, tiền đâu ăn học, lo cho em trai bị trầm cảm? Ông Sâm bảo với Truyền rằng, ba mẹ lo cho các anh chị ăn học được thì cũng lo được cho con. Rồi từ ngày vào đại học, ba Sâm, mẹ Linh tiếp tục làm chỗ dựa cho Truyền cả về vật chất lẫn tinh thần cho đến tận bây giờ. “Gia đình tôi coi Truyền như con ruột. Tôi hãnh diện vì con đã gặt được quả ngọt, không phụ lòng mong mỏi của mọi người và gia đình có thêm đứa con ngoan ngoãn, học giỏi, hiếu thảo”, ông Sâm bộc bạch.
 
Ước nguyện của ba 
 
Truyền tâm sự, ba của em lúc còn nhỏ ước mơ làm bác sĩ nhưng không thực hiện được rồi lại mất vì bệnh, nên em muốn viết tiếp ước mơ của ba, muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cứu người. Mang theo hoài bão bước vào đại học, Truyền làm mọi công việc từ dạy kèm, phục vụ tiệc cưới, chạy xe ôm... để trang trải cuộc sống và nuôi em ăn học. Dẫu thế, Truyền luôn hoàn thành tốt việc học tập, nhận được nhiều học bổng, tham gia nhiều hoạt động như hiến máu tình nguyện, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tham gia vào Mạng lưới y học dự phòng trẻ Việt Nam.
 
Lê Thanh Truyền hiện là bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh.                                                             Ảnh: NVCC
Lê Thanh Truyền hiện là bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Truyền tham gia chống dịch tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hồ Chí Minh. Truyền còn đảm nhận công việc đưa thuốc tới tận nhà bệnh nhân. Đầu năm 2022, Truyền nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ Y học dự phòng. Sau thời gian thử việc tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, Truyền đã chính thức trở thành bác sĩ của bệnh viện này. Truyền còn mở cửa hàng thời trang y tế mang tên YoungMed. Còn em trai của Truyền là Lê Phù Sa đã đi làm và tự lo được cho bản thân.
 
Với Truyền, chặng đường đã qua dù đầy chông gai nhưng đáng tự hào và chàng bác sĩ trẻ sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện trọn vẹn ước nguyện của ba mình.
 
KIỀU TRẦN
 

.