Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh: Hạn chế rác thải nhựa

09:11, 28/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sử dụng chai uống nước bằng thủy tinh, thu gom và phân loại rác thải nhựa, cam kết sẽ giảm dần, tiến tới không sử dụng bao bì, túi ni lông và các sản phẩm làm từ nhựa khó phân hủy... Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đang hưởng ứng chỉ thị giảm rác thải nhựa của Bộ Y tế bằng những việc làm cụ thể.
Những tháng gần đây, trong các cuộc họp, lãnh đạo và nhân viên Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã sử dụng nước sôi để nguội trong các chai thủy tinh thay vì dùng nước khoáng đóng chai nhựa như trước đây. Thay đổi này được nhiều nhân viên y tế hưởng ứng.  
 
Đoàn viên thanh niên Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh tham gia dọn rác thải nhựa.
Đoàn viên thanh niên Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh tham gia dọn rác thải nhựa.
Chị Bùi Thị Ngọc Hân, nhân viên Phòng Hành chính của bệnh viện chia sẻ: "Thông thường, mỗi tuần bệnh viện có ít nhất từ 3 - 4 cuộc họp và sử dụng khoảng 30 chai nhựa đựng nước. Lượng chai nhựa này thải ra môi trường là không hề nhỏ. Vì thế, việc thay chai thủy tinh đựng nước nhằm góp phần bảo vệ môi trường”.
 
Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, TS.BS Nguyễn Đình Tuyến cho biết: Bệnh viện đã yêu cầu hạn chế và tiến tới không sử dụng nước uống đóng chai một lần và các loại ống hút nhựa trong tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện tổ chức tại đơn vị. Lãnh đạo bệnh viện và các khoa, phòng đã ký cam kết hạn chế rác thải nhựa tại bệnh viện.
 
Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở nhân viên y tế giảm và loại bỏ túi đựng nilon ở các khoa phòng. Nhân viên y tế của bệnh viện được khuyến khích ăn, uống ngay tại căn tin, hạn chế bao bì nhựa, hộp xốp mang về. Bệnh viện cũng triển khai hoạt động tuyên truyền, vận động cho nhân viên bệnh viện, người bệnh hưởng ứng phong trào hạn chế rác thải nhựa với slogan: “Thói quen nhỏ - thay đổi lớn”. 
 
Ngoài ra, việc phân loại triệt để chất thải nhựa, nilon khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định được bệnh viện thực hiện đều đặn. “Điều khó khăn nhất để hạn chế rác thải nhựa tại bệnh viện vẫn là thay đổi thói quen của người dân. Người bệnh và người nhà của họ có thể mang theo đủ thứ bao bì, chai nhựa đựng nước, đồ ăn, nhưng bệnh viện chỉ có thể tuyên truyền, vận động, chứ không thể nghiêm cấm họ sử dụng. Do đó, việc này muốn thay đổi ngay là chưa thể được, mà cần tuyên truyền lâu dài”, TS.BS Tuyến cho biết thêm.
 
Theo thống kê, hiện tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh có lượng rác thải phát sinh khoảng 600 tấn/năm, trong đó 7% là rác thải nhựa (khoảng 4,2 tấn). Để việc giảm thiểu lượng rác thải nhựa trong bệnh viện hiệu quả lâu dài, nhân viên bệnh viện và người dân phải hình thành và xây dựng ý thức "nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần" và quan tâm sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; có những hành động thiết thực khác để bảo vệ môi trường bệnh viện nói riêng và môi trường sống của bản thân nói chung.
 
Bài ảnh: BÌNH MINH
 
 
 

.