(Baoquangngai.vn)- Tham gia công tác từ thiện xã hội là công việc nhiều vất vả. Nếu không có tấm lòng và sự nhiệt huyết thì sẽ không thể làm được. Đó là chia sẻ của anh Huỳnh Văn Thương – Phóng viên, Bí thư Đoàn Thanh niên Đài PTTH Quảng Ngãi, người tham gia điều hành nhiều phong trào từ thiện xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Theo anh Huỳnh Văn Thương tham gia công tác từ thiện, nó rèn tính cách cho mình, như sự kiên nhẫn, sự công tâm, trách nhiệm, kỹ năng tổ chức, sắp xếp công việc. Vì vậy, những bạn trẻ muốn trao dồi kỹ năng mềm, thì hoạt động xã hội là một cách để thấm dần kỹ năng.
Anh Huỳnh Văn Thương tặng quà cho trẻ em nghèo miền núi trong hoạt động thiện nguyện của mình và cộng sự. |
Dù phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của một người làm báo, nhưng anh đã dành nhiều tâm huyết cho công tác xã hội từ thiện. Chuyên mục góc bạn trẻ của Báo Quảng Ngãi điện tử có cuộc trò chuyện với anh Thương về những câu chuyện vui buồn từ mỗi chương trình mà anh tham gia.
PV: Anh có ý tưởng tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện từ khi nào? Hiện nay anh tham gia và điều hành những hoạt động từ thiện xã hội nào?
Anh Huỳnh Văn Thương: Ngay từ thời sinh viên, mình có điều kiện để tham gia những hoạt động xã hội của trường và phong trào đoàn. Mình đã “thấm” hoạt động thiện nguyện từ Chiến dịch tình nguyện Mùa Hè Xanh, Tiếp sức mùa thi. Hơn nữa, sinh viên báo chí có điều kiện đi thực tế nhiều, va chạm nhiều với cuộc sống. Năm từ năm học thứ 2 tại TP. Hồ CHí Minh, mình có cơ hội tham gia Câu lạc bộ Phóng viên trẻ, Nhà Văn hóa Thanh Niên Thành phố tổ chức đi thực tế tại Trung tâm Nhân đạo Quê Hương ở tỉnh Bình Dương, đây là chuyến đi tạo nhiều xúc cảm, ý tưởng tổ chức các hoạn động xã hộ từ thiện có lẽ xuất phát từ đó.
Sau khi ra trường gắn bó với nghề báo. Công việc chuyên môn và những hoạt động xã hội trước đó đã giữ chân mình vào những hoạt động từ thiện. Về công tác chuyên môn, mình làm đầu mối để kết nối những nhà hảo tâm với các hoàn cảnh gia đình nghèo được kể trong chuyên mục truyền hình nhân đạo Kết nối những tấm lòng.
Về hoạt động xã hội, mình có thời gian là quản trị viên của Nhóm FQng Quảng Ngãi, nên đã hơn 8 năm tổ chức đều đặn 3 chương trình từ thiện định kỳ là “Đồng hành cùng em đến trường”, “Vui trung thu” và “Ấm áp mùa xuân. Nhóm còn có chương trình “Chợ phiên FQng Quảng Ngãi” tổ chức hàng tháng, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn có điều kiện thực hiện ước mơ.
PV: Động lực nào để bạn tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện cùng lúc?
Anh Huỳnh Văn Thương: Vai trò của mình là người khởi xướng, tổ chức và kết nối, cho nên động lực để hoạt động chính là uy tín của chương trình, sự tham gia đông đảo của mọi đối tượng xã hội và tình cảm đón nhận của nơi mình đến, của gia đình, cá nhân mình giúp đỡ. Mọi hoạt động từ thiện mà mình tham gia đều không đơn lẻ, tự phát, nên lấy niềm vui, niềm hạnh phúc của số đông để làm động lực cho mình.
Hoạt động từ thiện nó biểu hiện muôn hình vạn trạng. Có những cá nhân, tổ chức âm thầm hoạt động. Còn với những chương trình mình tham gia, phương châm hướng đến là công khai, minh bạch và thiết thực. Hoạt động mình tổ chức phải được xã hội ghi nhận, nhiều người biết đến, việc huy động và quản lý quỹ minh bạch.
PV: Anh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm ấn tượng trong quá trình tham gia hoạt động từ thiện xã hội mà mình tham gia?
Anh Huỳnh Văn Thương: Mỗi chương trình mình thực hiện, ít nhiều đều để lại những ấn tượng và kỉ niệm khó quên, bởi mỗi nơi mình đến đều là địa chỉ mới, không lặp lại. Năm 2013, Nhóm FQng Quảng Ngãi tổ chức chương trình “Vui trung thu” tại điểm trường thôn Nước Nia, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà. Chương trình càng lúc về khuya nhưng các em học sinh đồng bào Hrê nhất quyết không chịu về, mặc cho phụ huynh sốt ruột đứng đợi ở ngoài. Các em bảo chưa bao giờ được ai đó tổ chức một đêm rước đèn, phá cổ trung thu vui như thế.
Năm 2010, cộng đồng Blogger 3 tỉnh gồm TP. Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi tổ chức chương trình “Thắp lửa Trung thu” tại thôn Trũng Kè, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành. Tại chương trình này, đối tượng hướng đến là trẻ em. Tuy nhiên, khi chương trình diễn ra, đã thu hút nhân dân cả thôn đến cùng nhảy sạp, nhảy lửa. Qua đó mới thấy, ở những vùng sâu, vùng xa, trẻ em và người dân khao khát được tổ chức các chương trình văn nghệ vào các dịp trung thu, mừng năm mới như thế nào.
PV: Được biết, công tác chuyên môn của anh cũng rất vất vả, bận rộn, vậy, anh sắp xếp thời gian như thế nào để hoàn thành tất cả các công việc?
Anh Huỳnh Văn Thương: Mỗi lần tham gia tổ chức một chương trình từ thiện, mình sẽ “lận lưng” một vài kinh nghiệm. Dần dần, mình sẽ tích lũy được nhiều kỹ năng, mối quan hệ, nó hỗ trợ rất nhiều trong việc tổ chức chương trình. Có kinh nghiệm mình sẽ không bị rối, luôn chủ động trong mọi công việc. Và đặc biệt là biết “lượng sức mình”, cái gì trong tầm tay thì làm, nếu vượt khả năng thì nhất quyết không làm.
Theo thời gian, tần số hoạt động các chương trình từ thiện sẽ giảm dần, mình nghĩ ai cũng vậy. Bởi thời sinh viên, hay lúc chưa có gia đình, mình có quĩ thời gian nhiều hơn. Ngày cuối tuần có thể dành trọn 100% thời gian để hoạt động xã hội. Nhưng đến lúc, ai rồi cũng lập gia đình, cần thời gian chăm sóc con cái, lo việc hiếu hỉ hai bên nội ngoại, cho nên hoạt động từ thiện thưa dần đi. Bây giờ, công tác từ thiện mình làm, nó gắn bó mật thiết với công tác chuyên môn, đó là một thuận lợi, cho nên bổ trợ nhau trong công việc.
PV: Trong quá trình tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện, anh có gặp trở ngại gì không?
Anh Huỳnh Văn Thương: Theo tôi, uy tín là thước đo sự tin cậy của cộng đồng đối với mỗi chương trình từ thiện. Cho nên, mỗi khi có một chương trình tổ chức, mình liên hệ với các nhà tài trợ, các mạnh thường quân, đều nhận được sự “gật đầu” rất chân tình. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, cũng gặp không ít những rắc rối. Nó xuất phát từ cách nhìn nhận và suy nghĩ của mỗi người.
Ví dụ, nhiều đơn vị, cá nhân liên hệ với mình tìm địa chỉ thực hiện chương trình từ thiện. Trong tình huống này, mình là người cung cấp thông tin, nhưng đến lúc gặp nhau, “đối tác” lại đặt mình vào vị trí của người đi xin, muốn giao toàn bộ quà tặng cho mình đi trao cho người dân. Mình không thể đồng ý, thứ nhất là bị động trong khâu tổ chức, thứ hai là vị trí của mình bị thay đổi. Làm gì thì làm, không thể mình tự biến mình thành người bị sai vặt của cá nhân, hay tổ chức nào đó.
Riêng với công việc thực hiện chuyên mục Kết nối những tấm lòng, vì là người tiếp nhận thông tin, rồi đi xác minh, cho nên nhiều người đã tìm số điện thoại cá nhân của mình gọi điện bất kể giờ nào trong ngày. Thậm chí là năn nỉ, có khi là dọa chết, nếu mình không giúp họ. Mình hiểu và hết sức chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của những mảnh đời ở bước đường cùng.
PV: Anh có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về công tác từ thiện?
Anh Huỳnh Văn Thương: Ranh giới giữa ‘tình nguyện” và “từ thiện” nó rất gần. Xã hội có những phân định rạch ròi giữa tình nguyện và từ thiện, theo cách nghĩ của mỗi người. Theo tôi, tình nguyện là mình tham gia tổ chức, hoặc mình trực tiếp tham gia các hoạt động xã hội, hoặc giữ vai trò người kết nối những hoạt động với các địa điểm, cá nhân thụ hưởng. Vai trò của mình lúc này thiên về sự tự nguyện nhiều hơn. Còn từ thiện là một phạm trù khác, lớn hơn, thiên về vật chất nhiều hơn. Không phải ai cũng làm từ thiện được, phải có điều kiện và hội đủ nhiều yếu tố. Với riêng mình, chỉ dừng lại là một cá nhân tình nguyện.
Anh Huỳnh văn Thương (thứ 3 từ phải qua) cùng với cộng sự tổ chức chương trình ấm áp mùa xuân tặng quà Tết cho đồng bào nghèo miền núi Trà Bồng. |
Tuy nhiên, tình nguyện hay từ thiện thì mục đích chung vẫn là làm việc tốt từ tâm. Mọi người thường gọi ngắn gọn “làm từ thiện” để gộp chung nhiều hoạt động tình nguyện, nhân đạo từ thiện lại cho dễ gọi, hiểu và gọi tên thế nào cũng được, nhưng về cách nghĩ, từ thiện không phải là khoa trương, là lấy tiếng, là gây sự chú ý, là chiến dịch PR, mình đã tự đặt ra ranh giới của cách nghĩ, mỗi khi hoạt động của mình “vượt qua bản chất của từ thiện” thì tự mình điều chỉnh để không sa đà, làm mất đi ý nghĩa vốn có của nó.
PV: Xin được hỏi câu cuối cùng, anh có lời khuyên gì các bạn trẻ, để họ mạnh dạn tham gia nhiều hơn các hoạt đồng vì cộng đồng?
Anh Huỳnh Văn Thương: Hoạt động cộng đồng đến với mỗi người như một cơ duyên, cho nên mình không có lời khuyên nào cho các bạn trẻ cả. Tùy sở thích, công việc, quĩ thời gian, điều kiện kinh tế, mà mỗi người có thể dấn thân vào công tác từ thiện. Tham gia công tác từ thiện, nó rèn tính cách cho mình, như sự kiên nhẫn, sự công tâm, trách nhiệm, kỹ năng tổ chức, sắp xếp công việc. Vì vậy, những bạn trẻ muốn trao dồi kỹ năng mềm, thì hoạt động xã hội là một cách để thấm dần kỹ năng.
Làm từ thiện, không chỉ đơn giản là mang một món quà đến trao cho cá nhân nào đó là xong. Quá trình xác minh, tổ chức chương trình, theo dõi sự thay đổi của nhân vật tốn khá nhiều thời gian, nhưng ít người để ý đến.
Ngoài ra, không phải mình thích tặng cho ai cũng được mà cá nhân hay đơn vị đón nhận cũng phải thể hiện thiện chí của mình. Quảng Ngãi hiện giờ có nhiều đội, nhóm, câu lạc bộ… tổ chức các chương trình từ thiện. Bản thân chỉ là một phần rất nhỏ trong những phong trào ấy. Mong rằng những hoạt động từ thiện sẽ đi vào nền nếp, minh bạch, thiết thực thì người nghèo, trẻ em nghèo sẽ được thụ hưởng nhiều hơn.
PV: Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị này!
X.THIÊN
(thực hiện)