Trào lưu "phượt" trong giới trẻ

07:05, 21/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, “phượt” hay còn gọi là du lịch bụi được nhiều người ưa chuộng, nhất là giới trẻ. Những chuyến du lịch bằng xe máy sẽ giúp họ trải nghiệm trên những cung đường, khám phá nhiều cảnh đẹp của quê hương, đất nước... Dẫu vậy, trong trào lưu này cũng còn nhiều điều đáng suy ngẫm.

Thỏa mãn đam mê khám phá và chinh phục

Là một trong những người trẻ tham gia đi phượt đầu tiên ở Quảng Ngãi, cũng là thành viên của nhóm phượt Quảng Ngãi trên facebook với hơn 1.500 thành viên, anh Phan Thanh Phong (kỹ thuật bếp tại khách sạn Mỹ Trà) có niềm đam mê vô cùng lớn với nhiều xe cổ và những chuyến du lịch bụi. Chuyến phượt đầu tiên của anh Phong bắt đầu từ năm 2011, với hành trình từ Quảng Ngãi đi Quảng Trị. Từ đó, trung bình mỗi năm anh tổ chức, tham gia hơn 10 chuyến phượt cùng các anh em trong hội nhóm chơi xe Minsk và những người cùng sở thích du lịch ở trong tỉnh.

 

Phượt bằng đam mê, sở thích thật sự sẽ là cơ hội để gắn kết mọi người, giúp trải nghiệm, khám phá những vùng đất mới.
Phượt bằng đam mê, sở thích thật sự sẽ là cơ hội để gắn kết mọi người, giúp trải nghiệm, khám phá những vùng đất mới.

Anh Phong cho biết: “Phượt là loại hình du lịch theo hướng tự trải nghiệm và khám phá trên những cung đường mà mình đi qua. Phượt có thể đi bộ, đi ô tô... nhưng đa phần các “phượt thủ” thường chọn xe máy để làm phương tiện di chuyển chính. Hầu hết dân phượt đều rất hòa đồng, cởi mở, thế nên từ những người bạn xa lạ, chỉ cần có sở thích trải nghiệm du lịch bằng xe máy là có thể cùng tham gia phượt”.

Tự trang bị kỹ năng

Muốn có một chuyến đi phượt an toàn, những người bạn trong nhóm của anh Phan Thanh Phong luôn lên kế hoạch rõ ràng, thấu đáo cho mỗi chuyến đi từ lộ trình, quãng đường, thực phẩm, thuốc men, xoong nồi, dụng cụ sửa xe và vị trí, nhiệm vụ của từng thành viên trong đoàn. Các kỹ năng như sửa xe, dựng lều trại, đốt lửa, nấu nướng, sơ cứu vết thương… đều được mọi người nắm kỹ. Theo anh Phong, không phải cứ chạy theo trào lưu và ngẫu hứng, bởi trước khi tham gia một cuộc chơi, hành trình mới nào đều phải trang bị những kỹ năng nhất định và bản lĩnh để đương đầu với những khó khăn.

Trung bình mỗi chuyến đi có từ 4 – 15 người tham gia, độ tuổi trung bình từ 20 - 40 tuổi, với nhiều thành phần từ sinh viên, cán bộ nhà nước cho đến công nhân... Mỗi kỳ nghỉ dài hoặc cuối tuần, mọi người sẽ sắp xếp công việc, thời gian để cùng khám phá những nơi có cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, những cung đường bùn đất lầy lội, những đỉnh núi cheo leo hùng vĩ, nơi biên giới xa xôi, những khu rừng nguyên sinh ít người đến và trải nghiệm văn hóa ở nơi mình đặt chân.

Là một trong những nữ “phượt thủ” hiếm hoi ở Quảng Ngãi, bạn Nguyễn Thùy Anh (23 tuổi), giáo viên mầm non Trường tư thục Hoa Hướng Dương, cho hay: Mình tham gia được vài năm nay. Là con gái nên mình thường tham gia các chuyến đi ngắn, từ 1-3 ngày. Cầm lái vượt qua những con đường dốc núi, kiên nhẫn mò mẫm đường đi khi bị lạc trong rừng... khiến mình ngày càng bản lĩnh, mạnh mẽ hơn. Đi phượt vừa giúp mình khám phá những điều mới mẻ, những khả năng tìm ẩn của bản thân, vừa được thỏa mãn sở thích muốn chinh phục những cung đường khó, hiểm trở. Khi đặt chân đến nơi bạn hằng mong ước, được khám phá những điều mới mẻ bằng chính sức lực của mình, đó là một cảm giác, trải nghiệm rất tuyệt vời, mà chỉ có những người đi phượt mới cảm nhận hết.

Chạy theo trào lưu

Phượt là loại hình du lịch mới, đầy hấp dẫn và bổ ích thế, nhưng trào lưu này phát triển nhanh chóng và bị hiểu sai lệch bởi mạng xã hội và lối sống ảo trên facebook... Nhiều bạn trẻ bị cuốn theo và đến với phượt, chỉ để thỏa mãn sở thích khoe hình, sống ảo, thể hiện bản thân, chứ không phải là đi để khám phá. Việc đi phượt theo trào lưu dẫn đến nhiều hệ lụy, có thể nguy hiểm đến tính mạng, bởi các bạn trẻ chỉ đi theo cảm tính, thiếu kiến thức và không có kỹ năng để chuẩn bị cho mình một chuyến đi an toàn.

Bạn Đỗ Duy Sơn (25 tuổi), hiện đang bán đồ cho dân phượt ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), cho hay: Mình cũng là một người mê phượt, thế nhưng chưa bao giờ dám nhận là “phượt thủ”, vì người đi phượt cần phải có rất nhiều kỹ năng, phải thật sự trải nghiệm với vùng đất mình đặt chân đến, gọi là “ăn bờ, ngủ bụi”, chứ không phải là ăn nhà hàng, ngủ khách sạn... Nếu cứ chạy theo trào lưu chỉ để chụp hình, khoe mẽ, khẳng định đẳng cấp thì mình nghĩ là không nên, và nên dừng lại để chuyên tâm vào học hành, công việc. Phượt chỉ bổ ích, thú vị khi nó là đam mê, sở thích thật sự.       
 
   Bài, ảnh: HIỀN THU

 

.