Ứng dụng công nghệ sinh học: Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

08:12, 24/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp là sử dụng các kỹ thuật: Nuôi cấy mô, sinh học phân tử và di truyền để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất và chất lượng, phục vụ nhu cầu sản xuất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường.

TIN LIÊN QUAN

Bằng các giải pháp ứng dụng CNSH mà nhiều giống lúa, khoai tây, hoa có năng suất, chất lượng được chọn tạo; rồi các tiến bộ kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) cũng được triển khai, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường. Lĩnh vực chăn nuôi, CNSH góp phần chuyển dịch lai kinh tế sang hướng lai cải tạo giống, thụ tinh bằng viên tinh đông khô hay chế tạo thành công các loại vắc xin giúp con người chủ động ứng phó với dịch bệnh. Tuy nhiên đối với tỉnh ta, việc ứng dụng CNSH trong việc sản xuất giống cây trồng, vật nuôi vẫn chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức.

Tín hiệu vui từ keo lai mô

Lâu nay, nông dân chỉ biết và sử dụng loại keo lai giâm hom. Thế nên khi giống keo lai mô – loại keo do Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Nông Tín (Công ty) sản xuất bằng kỹ thuật nuôi cấy mô xuất hiện đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Bởi, “keo gì mà giá tới 1.500 – 1.600 đồng/cây, cao gấp 2,5 lần loại giâm hom mà nhìn nó có khác gì mấy đâu”, ông Nguyễn Đoàn, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) cho biết. Vì vậy, khi được Trạm Khuyến nông huyện Tư Nghĩa chọn tham gia mô hình trồng keo lai mô, ông Đoàn đắn đo và cân nhắc rất kỹ. Nhưng đó là chuyện của những năm trước, chứ giờ nhìn rừng keo hơn 2 tuổi mà cao gần 9m, đường kính bình quân 8 – 9cm (gấp 1,5 lần loại keo giâm hom) và vẫn đứng vững trước nhiều  trận lốc, bão thì ông Đoàn cũng như người dân nơi đây bất ngờ lắm.

 

Kiểm tra cây giống sau nuôi cấy.
Kiểm tra cây giống sau nuôi cấy.


Đã thế, theo hạch toán của Trạm Khuyến nông huyện Tư Nghĩa thì dù giá cây giống đắt nhưng bù lại, năng suất keo lai mô đạt 140 tấn/ha, cao hơn loại thông thường 20 tấn/ha – tương ứng 21 triệu đồng (với giá keo 1.050.000 đồng/tấn) nên sau khi trừ chi phí, nông dân lãi 87 triệu đồng/ha. Được kết quả này là nhờ keo lai mô có đặc tính di truyền ổn định, độ dẻo cao, hệ thống rễ phát triển mạnh nên tốc độ sinh trưởng nhanh, ít bị ngã đổ, năng suất cao. Hẳn vì những ưu điểm trên nên hiện giờ, giống keo lai mô đang dần được người dân trong tỉnh chú ý và sử dụng thông qua 1,4 triệu cây giống được Công ty sản xuất, cung ứng hằng năm.

“Ứng dụng CNSH: Đầu tư chất xám là trọng tâm”

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tấn - Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Nông Tín – đơn vị đầu tiên và duy nhất trong tỉnh đang ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô trong sản xuất giống keo lai. Bởi theo tiết lộ của ông Tấn, chi phí đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ kỹ thuật nuôi cấy mô chỉ hơn 3 tỷ đồng nhưng số tiền mà Công ty bỏ ra “nuôi” chất xám là không thể tính được. Lý do, để nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, Công ty phải mất từ vài tháng đến vài năm nên tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và công sức, trong khi kết quả thì lại chưa biết sẽ thế nào.

Có lẽ vì tốn kém lại rủi ro như thế nên ứng dụng CNSH trong nông nghiệp của tỉnh ta chỉ dừng lại ở biện pháp IPM; còn việc sản xuất giống cây trồng, vật nuôi hay bảo tồn loài, bảo vệ môi trường thì vẫn chưa có sự chuyển biến. Bởi hiện giờ, ngoài Công ty Nông Tín thì chưa có đơn vị nào mạnh dạn ứng dụng các kỹ thuật nuôi cấy mô, sinh học phân tử hay di truyền để sản xuất và nâng cao chất lượng giống.

Quả thật, giữa lúc các loại giống đang dần thoái hóa, môi trường bị ô nhiễm, nhiều loài động thực vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng thì các kỹ thuật của CNSH được xem là “bùa hộ mệnh” của chúng. Nhưng để “bùa hộ mệnh” này phát huy tác dụng, nó cần sự quan tâm và đầu tư kịp thời, đúng trọng tâm của các đơn vị liên quan.    


         Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.