Mỹ đòi Hàn Quốc trả 4 tỷ USD chi phí phòng vệ

03:11, 07/11/2019
.
Mỹ được cho là đã yêu cầu Seoul trả hơn 4 tỷ USD cho các chi phí đồn trú của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc dù hai nước là đồng minh thân cận.
TIN LIÊN QUAN

 Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia diễn tập với quân đội Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters)
Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia diễn tập với quân đội Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters)
Báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc) dẫn lời cố vấn cấp cao phụ trách đàm phán an ninh của Bộ Ngoại giao Mỹ James DeHart cho biết, Washington yêu cầu Seoul trả 4,7 tỷ USD để thanh toán cho chi phí của quân đội Mỹ khi đồn trú tại Hàn Quốc cũng như duy trì các vũ khí của Mỹ trong khu vực. Ông DeHart nói rằng Tổng thống Donald Trump muốn đồng minh Hàn Quốc phải đóng góp nhiều hơn cho chi phí phòng vệ.

Báo Hàn Quốc cũng đề cập tới những lo ngại rằng, Mỹ có thể rút lực lượng quân sự khỏi Hàn Quốc nếu Seoul không thanh toán chi phí phòng vệ.

Hàn Quốc cho biết để có thể trả những khoản tiền theo yêu cầu của Mỹ, cần phải có sự phê chuẩn của quốc hội nước này. Trong khi đó, các nghị sĩ Hàn Quốc không thể giám sát các hoạt động phòng vệ bên ngoài lãnh thổ.

Hồi đầu tuần, ông DeHart và ông David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đã tới Hàn Quốc để thảo luận về việc chia sẻ chi phí phòng vệ chung.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiều lần kêu gọi các đồng minh trên toàn thế giới tăng ngân sách quốc phòng. Mỹ cho rằng nước này đang phải đóng góp quá nhiều, trong khi các đồng minh không chia sẻ gánh nặng với Washington.

Hiện có khoảng 25.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng triển khai nhiều loại vũ khí tại đây. Mỹ đã duy trì hiện diện quân sự tại Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) nhằm đảo bảo an ninh cho đồng minh Hàn Quốc.

Triều Tiên từ lâu đã đề nghị Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc. Bình Nhưỡng cáo buộc Washington đưa lực lượng quân sự của họ tới Hàn Quốc để “tiền trạm” cho kế hoạch “xâm chiếm” Triều Tiên. Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh do mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến sau chiến tranh Triều Tiên.


Theo Thành Đạt/Dân Trí (Sputnik)

.