Các ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc giữ nhiều vai trò và một số quyền lực nhất định trong hoạt động của cơ quan này, từ các dự thảo nghị quyết cho tới chương trình làm việc hàng tháng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đại diện 5 nước được bầu vào vị trí ủy viên không thường trực mới HĐBA LHQ chụp ảnh cùng nhau. Phải ngoài cùng là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung - Ảnh: UNSC |
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) có tổng cộng 15 thành viên, gồm 5 thành viên thường trực (Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc) và 10 thành viên không thường trực được Đại hội đồng LHQ bầu chọn với nhiệm kỳ 2 năm.
5 thành viên thường trực (hay còn được biết tới là nhóm "P5") tất nhiên có quyền lực cao hơn 10 thành viên còn lại, đáng chú ý nhất là quyền phủ quyết các dự thảo nghị quyết. Chính vì thế, trong một số trường hợp khi quan điểm của một số thành viên trong nhóm P5 khác nhau, nếu có 1 thành viên phủ quyết, dự thảo nghị quyết sẽ không được thông qua.
Chẳng hạn hồi đầu tháng 3-2019, khi Mỹ đề xuất dự thảo nghị quyết thúc giục HĐBA LHQ kêu gọi Venezuela tổ chức "bầu cử tổng thống tự do và công bằng", dự thảo nghị quyết này nhận được tối thiểu 9 phiếu thuận của HĐBA. Tuy nhiên, sau đó Nga và Trung Quốc đã dùng quyền phủ quyết, "dìm chết" dự thảo nghị quyết này ngay lập tức.
5 nước mới nhất vừa được Đại hội đồng LHQ bầu chọn làm ủy viên không thường trực mới của HĐBA LHQ là: Estonia, đảo quốc Saint Vincent và Grenadines, Niger, Tunisia và Việt Nam. Vậy khi 5 thành viên mới này kết hợp làm việc với 5 thành viên cũ, họ sẽ có vai trò gì trong HĐBA LHQ?
Theo trang web của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Ba Lan, sau đây là vai trò của các thành viên không thường trực trong những hoạt động của HĐBA LHQ:
Bản chất hạn chế của quyền phủ quyết
Theo các điều khoản trong Hiến chương LHQ, quyền phủ quyết của các thành viên thường trực HĐBA không phải là tuyệt đối. Vì để thông qua một nghị quyết, trước hết phải nhận được sử ủng hộ của ít nhất 9/15 thành viên HĐBA, bất chấp có thành viên thường trực hay không thường trực đồng ý hay không.
Bên cạnh đó, đối với mỗi đề cử kết nạp thành viên mới, trước khi qua "ải" P5, cũng phải cần ít nhất 9/15 phiếu thuận từ HĐBA.
Ngoài ra, quyền lực của các thành viên không thường trực về lý thuyết cũng được tăng cường bởi cái gọi là "quyền phủ quyết tập thể". Theo đó, nếu ít nhất 7 thành viên không thường trực của HĐBA nhất trí bỏ phiếu chống lại một dự thảo nghị quyết, họ có thể ngăn chặn dự thảo nghị quyết, dù cho dự thảo nghị quyết này nhận được sự ủng hộ của tất cả thành viên thường trực.
Chủ tịch HĐBA hàng tháng
Một cơ hội thuận lợi dành cho các thành viên không thường trực của HĐBA là giữ chức chủ tịch HĐBA luân phiên hàng tháng theo thứ tự vần chữ cái tiếng Anh của tất cả thành viên.
Cùng với một số lợi ích khác, chiếc ghế chủ tịch HĐBA sẽ có ảnh hưởng lên việc định hình chương trình làm việc hàng tháng của HĐBA. Thành viên giữ vị trí này cũng được cấp nhiều quyền lực về công việc tổ chức, gồm các quyết định liên quan tới thủ tục bỏ phiếu bên trong HĐBA đối với những sửa đổi nghị quyết.
Quốc gia hay vùng lãnh thổ giữ chức chủ tịch HĐBA trong 1 tháng cũng thường đề xuất nội dung của cái gọi là tranh luận chủ đề. Đối với nhiều thành viên không thường trực, các cuộc tranh luận này là cơ hội để thu hút sự chú ý đối với các vấn đề quan trọng với họ trong phạm vi hòa bình và an ninh quốc tế.
Các vấn đề khủng hoảng, ủy ban cấm vận
Các biện pháp được HĐBA đưa ra liên quan tới những cuộc khủng hoảng toàn cầu thường sẽ được đề xướng bởi các thành viên thường trực. Tuy nhiên, các thành viên không thường trực cũng có thể đóng góp một số vai trò nhất định, trong những vấn đề liên quan tới khu vực địa lý của họ.
Trong khi đó, ảnh hưởng ngày một tăng lên các quyết định của HĐBA là các ủy ban cấm vận và các nhóm làm việc của HĐBA, mà về truyền thống có sự tham gia của các thành viên không thường trực.
Cơ hội xây dựng liên minh các quốc gia
Tầm quan trọng của các thành viên không thường trực sẽ tăng lên, khi một nhóm lớn các thành viên không thường trực của HĐBA nhất trí quan điểm về một vấn đề nào đó, trong chương trình nghị sự của HĐBA.
Điều này thường diễn ra trong các tình huống mà một vài thành viên HĐBA đến từ cùng tổ chức khu vực hay nhóm lợi ích nào đó. Tầm quan trọng của các thành viên không thường trực cũng tăng lên trong suốt các cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, đặc biệt khi các thành viên thường trực không nhất trí về quan điểm.
Bản chất đồng thuận của một số quyết định ở HĐBA
Một vấn đề khác là trong quy trình làm việc, HĐBA thường phải đạt được sự đồng thuận, không chỉ về các văn bản pháp lý (các nghị quyết) và các văn bản chính trị (tuyên bố), mà còn các vấn đề về tổ chức (chương trình làm việc của HĐBA trong 1 tháng được trao).
Những cuộc họp không chính thức về những vấn đề quan trọng nhất cũng trao cho các thành viên không thường trực cơ hội bảo vệ lợi ích của mình và đưa ra các vấn đề quan trọng đối với họ trong phạm vi nội dung những văn bản được thảo luận.
Những năm gần đây, các thành viên không thường trực không chỉ giữ vai trò quan trọng trong quá trình thảo luận nội dung các văn bản, họ cũng bắt đầu trình bày các đề xuất giải pháp.
Theo BÌNH AN/Tuổi trẻ Online