Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới với bất kỳ ai buôn bán với Iran các sản phẩm sắt, thép, đồng, nhôm, trong bối cảnh Iran ra tối hậu thư về thỏa thuận hạt nhân.
Mỏ khí đốt ở cảng biển Asalouyeh, phía bắc Vịnh Persian, Iran. Ảnh: Reuters |
Sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ngày 8.5 cho biết, tài sản của bất kỳ ai sở hữu, điều hành hoặc tham gia vào các giao dịch quan trọng trong lĩnh vực kim loại của Iran sẽ bị tịch thu theo luật trừng phạt của Mỹ.
Tương tự, bất kỳ ai bị cáo buộc tội hỗ trợ về vật chất, tài trợ hoặc ủng hộ bất kỳ ai bị trừng phạt, cũng sẽ bị phong tỏa tài sản.
Các tài sản bị phong tỏa "không thể chuyển nhượng, thanh toán, xuất khẩu, rút tiền hoặc xử lý theo cách khác" - RT dẫn nội dung sắc lệnh cho biết. Các biện pháp trừng phạt áp dụng với tài sản bên trong Mỹ, hoặc thuộc quyền sở hữu hay kiểm soát của bất kỳ người Mỹ nào.
Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố sẽ cho phép thời hạn nới lỏng 90 ngày với bất cứ giao dịch nào liên quan đến lĩnh vực kim loại của Iran.
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ với Iran này là một phần trong chính sách liên tục của Washington nhằm "ngăn chặn mọi con đường dẫn Tehran đến chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa và hạt nhân, chống lại toàn bộ ảnh hưởng tiêu cực của Iran ở Trung Đông" - Bộ Tài chính Mỹ cho biết, bổ sung rằng nguồn thu từ kinh doanh kim loại có thể sử dụng để "cung cấp kinh phí và hỗ trợ việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, các nhóm và mạng lưới khủng bố, các chiến dịch xâm lược khu vực và mở rộng quân sự".
Kim loại được cho là chiếm 10% xuất khẩu của Iran.
Động thái mới nhất của Tổng thống Donald Trump diễn ra đúng 1 năm sau khi ông đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 hay còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung JCPOA.
Cũng đúng ngày 8.5, Iran ra tối hậu thư về thỏa thuận hạt nhân. Tổng Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sẽ rút một phần khỏi thoả thuận hạt nhân mà nước này ký với nhóm các cường quốc P5+1 vào năm 2015.
“Cộng hoà Hồi giáo Iran tuyên bố rằng ở giai đoạn hiện tại chúng tôi không cam kết tôn trọng những giới hạn trong việc duy trì mức độ làm giàu uranium và dự trữ nước nặng nữa” - hãng thông tấn FARS dẫn tuyên bố của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran (SNSC) do Tổng thống Rouhani đứng đầu cho biết.
SNSC ra tối hậu thư cho các đối tác trong vòng 60 ngày để giảm bớt các áp lực đối với Iran do các lệnh trừng phạt tiếp theo của Mỹ và đàm phán các điều khoản của thoả thuận mới, nếu không nước này sẽ nối lại việc làm giàu uranium và thực hiện các biện pháp liên quan đến hiện đại hoá lò phản ứng nước nặng Arak. Lò phản ứng này sản xuất plutonium - vật liệu có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Theo JCPOA, Iran được phép giữ lại 300kg uranium làm giàu tới 3,67% và 130 tấn nước nặng. Số lượng vượt quá phải xuất khẩu ra thị trường quốc tế để đổi lấy uranium tự nhiên.
Theo Khánh Minh/LĐO