Chiến đấu cơ Ấn Độ chặn máy bay chở hàng từ Pakistan

10:05, 11/05/2019
.

Các chiến đấu cơ của Không quân Ấn Độ (IAF) hôm 10-5 đã buộc một máy bay chở hàng từ Pakistan phải hạ cánh xuống căn cứ không quân Jaipur do “vi phạm không phận nước này”.

TIN LIÊN QUAN

Hãng tin ANI dẫn nguồn tin cho biết các chiến đấu cơ của IAF đã buộc máy bay chở hàng hạng nặng Antonov An-12 của Georgia phải hạ cánh xuống căn cứ không quân Jaipur lúc 15 giờ 15 phút (giờ địa phương).

 

IAF đã buộc máy bay chở hàng hạng nặng Antonov An-12 của Georgia phải hạ cánh xuống căn cứ không quân Jaipur. Ảnh: ANI, Reuters
IAF đã buộc máy bay chở hàng hạng nặng Antonov An-12 của Georgia phải hạ cánh xuống căn cứ không quân Jaipur. Ảnh: ANI, Reuters


Chiếc An-12 khởi hành từ TP Karachi – Pakistan, dự kiến đến thủ đô New Delhi, bị cáo buộc đi chệch khỏi đường bay theo lịch trình, "vi phạm không phận Ấn Độ từ phía Bắc bang Gujarat" cũng như không trả lời qua vô tuyến. Tất cả thành viên phi hành đoàn trên máy bay sau đó bị tạm giữ để thẩm vấn.

"Đã xảy ra vi phạm và máy bay được cho hạ cánh tại Jaipur do những lo ngại về an ninh" – nguồn tin tiết lộ.

Chiếc An-12 đã bay vào không phận Ấn Độ, cách một căn cứ không quân quan trọng ở Rann of Kutch khoảng 70 km về phía Bắc. IAF được cho là điều chiến đấu cơ Sukhoi để chặn máy bay chở hàng từ Pakistan. Lực lượng này cũng gửi một nhóm tới để kiểm tra hàng hóa trên máy bay.

Hàng trăm chuyến bay thương mại và vận chuyển hàng hóa đã bị ảnh hưởng bởi căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan sau các cuộc không kích "ăn miếng trả miếng" hồi tháng 2 năm nay. Những hạn chế đối với không phận Pakistan buộc các hãng hàng không quốc tế - bao gồm từ Ấn Độ - phải đi đường vòng, gây tốn kém và mất thời gian.

Các cuộc không kích diễn ra sau một cuộc tấn công tự sát ở khu vực Kashmir đang tranh chấp khiến ít nhất 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Căng thẳng sau đó được xoa dịu sau khi Pakistan trao trả một phi công Ấn Độ bị bắn hạ và bị bắt.

Khu vực Kashmir bị chia cắt giữa Ấn Độ và Pakistan từ năm 1947. Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ lãnh thổ thuộc dãy Himalaya và tham gia hai cuộc xung đột để giành lại nó.

Theo Phạm Nghĩa/NLĐO

 


.