Máy bay không người lái Iran "lởn vởn" trên các tàu chiến Mỹ

10:04, 28/04/2019
.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã thực hiện thành công chuyến bay giám sát tàu sân bay Mỹ ở Vịnh Ba Tư, theo hãng tin Tasnim bán chính thức của Iran ngày 27-4.


Hãng tin Tasnim đưa ra các cảnh ghi hình cho thấy rõ ràng một máy bay không người lái thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bay qua tàu USS Dwight D. Eisenhower và một tàu chiến khác của Mỹ ở Vịnh Ba Tư. Những hình ảnh còn cho thấy các máy bay chiến đấu đáp trên boong tàu sân bay. Tuy nhiên, bài báo không thông tin về thời điểm ghi hình. Máy bay không người lái đó là Ababil 3 có khả năng bay ở cao độ tối đa 5,57 km, suốt 8 giờ không ngừng với tầm bắn hơn 249 km.

  Tàu sân bay USS Enterprise của Mỹ được triển khai đến Vịnh Ba Tư vào năm 2012, trước khi ngừng hoạt động vào cuối năm đó. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Tàu sân bay USS Enterprise của Mỹ được triển khai đến Vịnh Ba Tư vào năm 2012, trước khi ngừng hoạt động vào cuối năm đó. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ


Thông tin này xuất hiện sau khi chính phủ Mỹ hồi đầu tháng này tuyên bố IRGC là một tổ chức khủng bố nước ngoài nhằm tăng áp lực lên Iran và cô lập đất nước này. Khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định trước báo giới: "IRGC giả dạng là một tổ chức quân sự hợp pháp nhưng đừng ai bị lừa".

Nhà báo Margaret Brennan trên chương trình "Face The Nation" của Đài CBS cho biết các quan chức Nhà Trắng, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và ông Pompeo đã tranh cãi về tuyên bố nêu trên một thời gian. Đáp trả, Iran cũng dán nhãn các lực lượng vũ trang Mỹ là những kẻ khủng bố.

Thế nhưng, Trung úy Chloe J. Morgan, người phát ngôn Hải quân Mỹ, cho biết trong một email rằng tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đã không xuất hiện ở Vịnh Ba Tư kể từ năm 2016. Ngoài ra, bà nhấn mạnh Mỹ và các đồng minh cam kết tự do hàng hải ở Eo biển Hormuz.

Hormuz là eo biển chiến lược nằm giữa Vịnh Persian và Vịnh Oman, với 1/3 lượng khí đốt thế giới được vận chuyển qua eo biển này. Mỹ và Iran có trận hải chiến kéo dài một ngày vào năm 1988 ở eo biển này. Trong những năm gần đây, Hải quân Mỹ cáo buộc tàu tuần tra của Iran quấy rối tàu chiến Mỹ tại eo biển Hormuz.

Mới đây, Chính phủ Mỹ ngày 22-4 tuyên bố tất cả những quốc gia và vùng lãnh thổ đang mua dầu Iran sẽ phải chấm dứt hoạt động này trước ngày 1-5 nếu không sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Động thái này ảnh hưởng không nhỏ đến 5 nhà nhập khẩu lớn là Trung Quốc, Ấn Độ và các đồng minh Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một phần trong chiến dịch "gây áp lực tối đa" của chính quyền Mỹ lên Iran nhằm loại bỏ tất cả doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ, vốn trong cách nhìn của Washington là được sử dụng để gây bất ổn khu vực.

Căng thẳng giữa Iran và Mỹ leo thang kể từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào tháng 5-2018. Kể từ đó, Mỹ áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên Iran.

Năm 2016, Hải quân Mỹ từng công bố video ghi lại hình ảnh các tàu Iran phóng tên lửa gần tàu sân bay USS Harry S. Truman của nước này ở eo biển Hormuz.
 

Theo H.Bình
Người lao động


.