Một hạm đội Hải quân Mỹ đã đi qua biển Đông và neo đậu tại Vịnh Manila - Philippines, trong khi 2 máy bay ném bom B-52 xuất hiện gần các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông trong ngày 13-3.
Theo Hãng tin AP, đại úy Eric Anduze, chỉ huy chiến hạm USS Blue Ridge, nói với các phóng viên trên tàu chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ neo đậu tại Vịnh Manila rằng chuyến thăm là sự khẳng định quan hệ lâu dài và hợp tác mạnh mẽ của liên minh Mỹ - Philippines.
Trong khi tàu đi qua biển Đông, ông Anduze cho biết tất cả hoạt động của hạm đội Mỹ đều diễn ra một cách an toàn và chuyên nghiệp. "Chúng tôi đi tàu, bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp cho phép" – vị đại úy nhấn mạnh.
Chiến hạm USS Blue Ridge (LCC-19) neo đậu tại Vịnh Manila hôm 13-3. Ảnh: AP |
Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Phil Sawyer, chỉ huy Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản, cũng khẳng định chuyến thăm Manila nhằm củng cố cam kết chung của Washington đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cam kết biển Đông vẫn là vùng biển mở dành cho tất cả hoạt động giao thông đường thủy, đồng thời tuyên bố Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với việc đóng cửa các tuyến hàng hải ở biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng sau đó phản ứng lại rằng Trung Quốc và các nước xung quanh biển Đông cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Đây là lần thứ hai Mỹ điều máy bay ném bom B-52 qua biển Đông kể từ tháng 11-2018. Ảnh: CNN |
Cũng trong ngày 13-3, 2 máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã bay gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở biển Đông. Người phát ngôn Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ phát biểu trên đài CNN: "Máy bay Mỹ thường xuyên hoạt động ở biển Đông để hỗ trợ các đồng minh, đối tác và một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở".
Đây là lần thứ hai Mỹ điều máy bay ném bom B-52 qua biển Đông kể từ tháng 11-2018.
Mỹ đã chuyển các máy bay ném bom B-1, B-52 và B-2 ra khỏi căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam từ năm 2004. Đồng thời, Washington cáo buộc Bắc Kinh triển khai tên lửa chống hạm, thiết bị gây nhiễu điện tử và tên lửa đất đối không tới các đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông.
Theo Phạm Nghĩa/NLĐO