Tân Thủ tướng Italy Giuseppe Conte hôm 27/6 cho rằng, không nên gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế của Liên minh Châu Âu nhằm vào Nga.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Italy đang tìm cách khôi phục các đầu tư của Liên minh Châu Âu dành cho các công ty nhỏ của Nga, nhằm giảm căng thẳng giữa hai bên.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. Ảnh: Reuters |
Dự kiến, tại cuộc họp hôm 28/6 ở thủ đô Bruxelles, Bỉ, các nhà lãnh đạo Châu Âu sẽ gia hạn đến cuối tháng 1 năm sau các biện pháp trừng phạt chống Nga, được áp đặt từ năm 2014 liên quan cuộc khủng hoảng tại Ucraina. Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao và quan chức Châu Âu cho biết, quan điểm của Chính phủ mới tại Italy có thể làm phức tạp kế hoạch này.
Phát biểu tại Quốc hội Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte nhấn mạnh, Italy sẽ tái khẳng định nguyên tắc rằng, sẽ không có gì là tự động liên quan việc gia hạn các biện pháp trừng phạt. Liên minh Châu Âu cần phải thận trọng về vấn đề này. Những biện pháp trừng phạt nên là một phương tiện, chứ không phải là một sự kết thúc. Theo ông, Italy sẽ luôn dành một sự quan tâm lớn cho các doanh nghiệp trong nước.
Những biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính của Nga thường được gia hạn 6 tháng một lần kể từ khi được áp đặt lần đầu tiên hồi giữa năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Chính phủ Italy đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về những biện pháp trừng phạt của Liên minh Châu Âu nhằm vào Nga, cũng như những tác động của nó đối với hoạt động xuất khẩu sang Nga của các doanh nghiệp nước này. Tuy nhiên, giờ đây tiếng nói phản đối của Italy càng trở nên có trọng lượng hơn, nhất là khi Chính phủ mới tại nước này đang muốn tăng cường quan hệ với Nga.
Các nhà ngoại giao Châu Âu cho biết, Italy đang kêu gọi Liên minh Châu Âu tiếp tục tài trợ cho các công ty vừa và nhỏ của Nga đang hoạt động trong lĩnh vực dân sự. Trong khi đó, một nhà ngoại giao cho biết, dù đây không phải là một “giới hạn đỏ” có thể ngăn Liên minh Châu Âu gia hạn các lệnh trừng phạt với Nga, song Italy đã có kế hoạch kích hoạt các cuộc thảo luận về vấn đề này tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo khối.
Italy muốn các công ty của Nga có thể tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng đầu tư Châu Âu (EIB), cánh tay tài chính của Liên minh Châu Âu, hay Ngân hàng Tái thiết và phát triển Châu Âu (EBRD), nhận tài trợ từ các quốc gia thành viên và hàng chục quốc gia khác.
Theo Thu Hoài/VOV.vn