Công trình này được các nhà khoa học thuộc Viện Fiocruz tại bang Rio de Janeiro, Brazil thực hiện nhằm chống dịch sốt xuất huyết đang lan nhanh tại đây.
Muỗi vằn nhiễm bệnh tại phòng thí nghiệm Fiocruz - Ảnh: AFP |
Ngày 29-9 (giờ địa phương), các nhà khoa học đã thả ra hàng triệu muỗi vằn mang mầm bệnh Wolbachia trong người. Mục đích là đàn muỗi nhiễm bệnh này sẽ sinh sôi nảy nở và phát tán mầm bệnh để hạn chế khả năng lây virus sốt xuất huyết cũng như virus Zika từ muỗi sang người.
Luciano Moreiro, người đứng đầu Chương trình chống sốt xuất huyết tại Fiocruz nói: "Chúng tôi thấy rằng khi có mầm bệnh trong người, muỗi vằn mất hoàn toàn hoặc giảm khả năng truyền sang người các loại virus như Zika, sốt xuất huyết..."
Theo kế hoạch, trong tuần đầu, các nhà khoa học sẽ thả ra 1,6 triệu con muỗi và tăng lên thành 3 triệu con trong những tuần tiếp theo.
Công nghệ này do các nhà khoa học Úc phát minh khi họ cấy thành công virus Wolbachia vào cơ thể muỗi vằn, làm muỗi vằn mất hoàn toàn hoặc giảm khả năng truyền virus sốt xuất huyết sang người.
Theo Tuổi trẻ