Liên minh Châu Âu: Chặng đường mới nhiều thách thức

09:03, 27/03/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Tại Hội nghị thượng đỉnh EU kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome đánh dấu sự ra đời của khối, tổ chức ở Rome, Italy, hôm 25.3, các nhà lãnh đạo EU đánh giá lại những thành tựu đã đạt được trong 60 năm qua, đồng thời thảo luận về những thách thức mà EU đang đối mặt.
 
Hội nghị thượng đỉnh EU quy tụ nguyên thủ của 27 quốc gia thành viên và các quan chức cấp cao EU diễn ra ở đồi Capitoline, Rome, nơi Hiệp ước Rome đã được ký kết đúng 60 năm về trước. Thủ tướng Anh Theresa May không có mặt tại sự kiện này, vì đang chuẩn bị cho việc kích hoạt tiến trình nước này rời EU (hay còn gọi là Brexit), dự kiến sẽ chính thức diễn ra vào ngày 29.3 tới.
 
Các nhà lãnh đạo EU đã điểm lại chặng đường 60 năm lịch sử của EU và cam kết làm sâu sắc thêm sự thống nhất của khối vốn hiện đang đối mặt với nhiều thách thức ở khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt các nhà lãnh đạo EU đã ký "Tuyên bố Rome,"trong đó cam kết hướng tới một tương lai chung không có nước Anh, trong bối cảnh hàng loạt cuộc khủng hoảng đã và đang làm suy yếu những nỗ lực nhằm đoàn kết châu lục này.

 

 

Tuyên bố Rome được xem là kết quả chủ yếu của Hội nghị thượng đỉnh EU kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome được tổ chức ở thủ đô Rome của Italy, nhấn mạnh tới một liên minh độc đáo với các thể chế chung và các giá trị mạnh mẽ, một cộng đồng hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền và có sự thượng tôn pháp luật.

 
Về đường hướng tương lai cho EU, Tuyên bố Rome chỉ kêu gọi các nước thành viên hành động cùng nhau với các tốc độ và cường độ khác nhau. Ngoài ra, Tuyên bố Rome cũng khẳng định EU sẽ để ngỏ cánh cửa cho những nước muốn gia nhập EU sau này. 
 
Ý tưởng “Châu Âu đa tốc độ” thực ra đã nhen nhóm từ khá lâu, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công khiến châu Âu lao đao từ năm 2009 đến nay. Khi đó, châu Âu đối mặt với một thực tế, đó là rất nhiều quyết sách lớn táo bạo do Uỷ ban Châu Âu hay Ngân hàng trung ương Châu Âu đưa ra đều gặp rất nhiều khó khăn mới có thể đạt được sự đồng thuận, hoặc trong nhiều trường hợp buộc phải từ bỏ.
 
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, kết quả đạt được của Hội nghị chỉ ở mức khiêm tốn. Nguyên nhân là do Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Anh đang chuẩn bị kích hoạt tiến trình rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, vào ngày 29.3.
 
Một số nhà lãnh đạo Châu Âu đã tỏ ý bi quan trước việc Anh rời khỏi EU. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker phát biểu tại Hội nghị rằng Lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome không có sự tham dự của Anh là một "thời khắc rất đáng buồn.". Thậm chí Ba Lan ngay tới phút chót mới chấp nhận ký Tuyên bố Rome. Điều này cho thấy sự bất đồng, rạn nứt trong EU vẫn đang hiện hữu do những lợi ích, quan điểm khác nhau của mỗi nước.
 
Quan trọng nhất, Hội nghị vẫn chưa đề cập được đường hướng tương lai rõ ràng cho EU, chưa quyết định được kịch bản nào mà liên minh này nên theo đuổi trong số năm kịch bản được nêu trong Sách trắng EU công bố mới đây.
 
Sau 60 năm triển khai Hiệp ước Rome, Châu Âu hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, nổi bật nhất là cuộc khủng hoảng nhập cư và sự gia tăng của phong trào dân tộc cực hữu.
 
Liên minh Châu Âu cần một chính sách quyết liệt hơn để buộc các nước thành viên phải chung tay gánh vác trách nhiệm xử lý khủng hoảng nhập cư không thể để tiếp tục tồn tại tình trạng có những thành viên bị quá tải như Italy hay Hy Lạp trong khi các nước khác như Áo, Hungary hay Slovakia, Ba Lan… lại thẳng thừng từ chối chia sẻ trách nhiệm.
 
Ngoài ra, chủ nghĩa dân tuý cũng là mối đe doạ lớn với Liên minh Châu Âu, bởi hầu hết các đảng dân tuý tại các nước Châu Âu đều chống EU, chống lại việc hội nhập và đòi lại quyền tự quyết cho mỗi quốc gia. Đây là thách thức phức tạp với EU bởi chủ nghĩa dân tuý  là vấn đề đối nội tại của từng quốc gia thành viên, mà EU không thể dùng các mệnh lệnh hành chính.
 
H.Thịnh
 
 
 
 

.