Vào 8 giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam), ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ có cuộc tranh luận bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ hai.
Ảnh: Reuters |
Khác với lần đầu, cuộc tranh luận lần này diễn ra bằng hình thức tương tự như một cuộc họp các cử tri và thảo luận trong hội trường. Một nửa câu hỏi đặt ra cho các ứng cử viên là do cử tọa hiện diện tại chỗ đưa ra. Một nửa câu hỏi khác do người điều phối chương trình đưa ra, căn cứ trên những đề mục được dư luận quan tâm, phản ánh qua truyền thông, mạng xã hội và các nguồn khác.
Martha Raddatz từ ABC News và Anderson Cooper từ kênh CNN sẽ là hai người dẫn chương trình cho cuộc tranh luận lần này. Raddatz là một phóng viên chiến trường kỳ cựu, có am hiểu sâu sắc về chính sách và nổi tiếng vì thường xuyên đưa ra những câu hỏi hóc búa cho các chính trị gia.
Trong khi đó, Cooper là một trong những người dẫn chương trình được biết đến nhiều nhất ở Mỹ hiện nay. Ông đã làm việc cho kênh truyền hình CNN hơn một thập kỷ, từng dẫn dắt nhiều cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống Mỹ tại những vòng bầu cử sơ bộ. Tỷ phú Donald Trump hồi giữa tháng trước nói không muốn Anderson Cooper là người điều phối cuộc tranh luận tổng thống lần thứ hai vì lo ngại ông này sẽ không công bằng.
So với lần trước, cuộc tranh luận lần này diễn ra theo cách thức hoàn toàn khác là "town hall meeting" (giao lưu, nhận câu hỏi từ công chúng). Hai ứng viên không đứng sau bục của mỗi người người nữa mà sẽ đi lại giữa đám đông cử tri trong trường quay.
Giới chuyên gia nhận định phong cách tranh luận kiểu này sẽ giúp công chúng đánh giá tốt hơn khả năng phản ứng cũng như mức độ quan tâm của hai ứng viên dành cho người dân Mỹ, đồng thời kiểm tra sự trung thực, tính chân thật trong từng phát ngôn mà ông Trump và bà Clinton đưa ra.
Mỗi ứng viên có 2 phút để trả lời câu hỏi, sau đó người điều phối chương trình sẽ quyết định xem liệu có nên nới rộng thời lượng thêm một phút nữa hay không.
Tranh luận thành công kích?
Khi được hỏi về động thái của các ứng viên đối với vấn đề trẻ em, bà Hillary Clinton không hề đếm xỉa đến ông Donald Trump: “Tôi có thể cam đoan rằng tôi sẽ làm việc với mọi người dân Mỹ. Tôi sẽ trở thành Tổng thống Mỹ của tất cả mọi người dân Mỹ”. Bà cũng nhấn mạnh: “Tôi muốn chúng ta cần lắng nghe đất nước mình nhiều hơn và đoàn kết hơn bởi tôi cho rằng đó là cách tốt nhất để chúng ta có thể gây dựng tương lai xứng đáng cho đời con, đời cháu của mình”.
Trong khi đó, ông Donald Trump lại tập trung vào bản thân mình nhiều hơn: “Tôi đồng ý với mọi điều bà Hillary Clinton vừa nói. Tôi bắt đầu chiến dịch này bởi tôi đã quá mệt mỏi khi nhìn thấy những điều tồi tệ đang xảy ra với đất nước mình”.
Bà Clinton công kích Donald Trump khi nhắc đến những phát ngôn trước đây của đối thủ.
"Trump đã phát ngôn về người da màu, người Hồi giáo, người Mỹ La tinh, người nhập cư và cả các nạn nhân chiến tranh nhưng ông ta chưa bao giờ xin lỗi về hành động này", bà Clinton nhận định.
Trong khi đó, ông Trump cho rằng bà Clinton có “sự thù hận trong trái tim”.
"Tại sao bà không làm đi?" ông Donald Trump hỏi bà Hillary Clinton về việc vì sao bà không bỏ phiếu thay đổi chính sách thuế khi còn là một nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ.
"Bởi tôi là một Thượng nghị sĩ phải làm việc với một Tổng thống của phe Cộng hòa", bà Clinton phản pháo.
"Nếu bà là một Thượng nghị sĩ hiệu quả, bà hẳn đã làm xong việc rồi", ông Trump ngắt lời như thường lệ.
"Ông biết là dưới Hiến pháp của chúng ta, các tổng thống có một thứ quyền lực đặc biệt gọi là quyền phủ quyết," bà đáp. "Hãy để tôi nói về 30 năm hoạt động phục vụ công chúng của mình. Tôi rất vui khi được làm điều đó."
Và khi phản bác lại quan điểm cho rằng "suốt 30 năm hoạt động chính trị mà chẳng làm được gì" của ông Trump, bà Clinton nói rằng mình có bề dày thành tích hợp tác với lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ và muốn đưa kinh nghiệm đó vào sử dụng khi đắc cử tổng thống.
Theo Lam An/Chinhphu.vn