Báo cáo của CIA vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của thế giới

01:12, 11/12/2014
.

Chính phủ nhiều nước cùng các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng kêu gọi tiến hành điều tra minh bạch về vụ việc.

Bản báo cáo tóm lược về các hoạt động của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), trong đó gồm cả các biện pháp tra tấn và thẩm vấn tàn bạo đối với các đối tượng tình nghi khủng bố đang làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của thế giới. Chính phủ nhiều nước cùng các tổ chức  nhân quyền quốc tế lên tiếng kêu gọi tiến hành điều tra minh bạch về vụ việc, đưa những người thực hiện phải chịu trách nhiệm pháp lý.
 

Việc CIA tra tấn tù nhân khiến thế giới phải phản đối
Việc CIA tra tấn tù nhân khiến thế giới phải phản đối



Theo bản báo cáo do Thượng viện Mỹ công bố, sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, CIA đã tiến hành một chiến dịch bắt giữ, thẩm vấn và tra tấn bằng các biện pháp cực kỳ tàn bạo đối với những đối tượng tình nghi thuộc mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.

Những đối tượng này đã bị tra khảo bằng các hình thức hết sức tàn bạo và dã man, trong đó có việc trấn nước (waterboarding), đánh đập, giam ở ngoài trời giá lạnh và không cho ngủ... CIA đã giấu diếm và lừa dối cả chính quyền của Tổng thống Barack Obama và Quốc hội về các hành động này.

Ngay sau khi bản báo cáo được công bố đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ của nhiều nước trên thế giới. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, đây là những vi phạm đối với những giá trị dân chủ, tự do và sẽ không bao giờ được lặp lại.

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Catherine Ray hoan nghênh sự minh bạch của báo cáo, nhưng cảnh báo điều này đưa ra những câu hỏi quan trọng về việc vi phạm nhân quyền của chính quyền Mỹ.

Thủ tướng Anh David Cameron cũng nhấn mạnh, các hình thức tra khảo tàn bạo không có tác dụng trong việc ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố: “Tra khảo tàn bạo là sai lầm trong bất cứ trường hợp nào. Hầu hết chúng ta đều muốn một thế giới an toàn và an ninh hơn và chứng kiến chủ nghĩa khủng bố thất bại. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thành công nếu chúng ta mất đi  quyền lực đạo đức”.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tuyên bố, chính phủ Afghanistan lên án những hành động không có tính người này bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất. Không có lời bào chữa nào cho những hành động này trong thế giới hiện nay.

Lãnh đạo các nước như Iran, Ba Lan… đều lên tiếng phản đối những biện pháp tra tấn và thẩm vấn này. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi điều tra toàn diện về vụ việc và buộc những người thực hiện phải chịu trách nhiệm pháp lí.

Người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Rupert Coleville nhấn mạnh: “Tra tấn tàn bạo đã xảy ra. Tổng thống Mỹ, Ủy ban thượng viện cùng các thượng nghị sĩ đã xác nhận điều này. Bước tiếp theo đó là cần phải xem xét ai phải là người phải chịu trách nhiệm”.

Chính phủ Mỹ ngày 10/12 trong cuộc họp báo cũng thừa nhận rằng, các biện pháp thẩm vấn và tra tấn tàn bạo này đã làm tổn hại đến uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế. Về phía mình, CIA cũng đã có phản ứng và ra tuyên bố thừa nhận “mắc một số sai lầm” trong chương trình bắt giữ và thẩm vấn các đối tượng tình nghi khủng bố.

Tuy nhiên, bản tuyên bố của CIA vẫn khẳng định chương trình bí mật này “đã mang lại những tin tình báo có giá trị”. Chính phủ Mỹ hiện cũng lo ngại bản báo cáo này có thể tạo ra một làn sóng phản đối và biểu tình bạo lực chống Mỹ trên thế giới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 10/12 cho rằng, các biện pháp CIA sử dụng là “tàn bạo” và khẳng định nước Mỹ sẽ không mắc những sai lầm tương tự. Ông Obama cũng cho biết, chính phủ đang đưa ra các biện pháp phòng ngừa để đối phó với nguy cơ mà các công dân Mỹ ở nước ngoài có thể đối mặt. Ông Obama nói: “Một số biện pháp tra tấn được đề cập trong báo cáo là tàn bạo. Tôi cũng lo ngại về những nguy cơ mà các công dân Mỹ ở nước ngoài phải đối mặt và chúng tôi đang thực hiện các bước đi phòng ngừa để giảm những nguy cơ có thể xảy ra. Tôi nghĩ rất quan trọng để công bố các báo cáo này, để mọi người hiểu rõ chính xác tại sao tôi đã cấm những hành động này ngay sau khi nhậm chức. Tôi hi vọng, chúng ta không mắc những sai lầm này một lần nữa”.

Đề phòng các hành động khủng bố trả thù, chính phủ Mỹ đã tăng cường an ninh tại các cơ sở ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài. Nhà Trắng đã yêu cầu tăng cường bảo đảm an ninh tại các Đại sứ quán, cơ sở ngoại giao và các căn cứ của Mỹ ở nước ngoài, nhất là tại các nước Hồi giáo, do lo ngại bùng phát các hành động khủng bố trả đũa các biện pháp thẩm vấn tàn bạo của CIA.

Hơn 6.000 lính thủy quân lục chiến cũng đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ. Đại sứ quán Mỹ tại Pakistan ngày 10/12 cảnh báo khả năng xảy ra làn sóng phản đối và bạo lực nhằm vào các công dân Mỹ tại Pakistan.

Đại sứ quán Mỹ tại Pakistan yêu cầu các công dân Mỹ cần quan tâm và đưa ra các biện pháp phòng ngừa thích hợp, bao gồm tránh xa các địa điểm biểu tình hay đang xảy ra xung đột. Các công dân Mỹ cũng cần phải theo dõi diễn biến tình hình chặt chẽ qua các phương tiện truyền thông và hướng dẫn của Đại sứ quán./.



Phạm Hà/VOV-


.