Chính trường Ba Lan: Chao đảo vì biểu tình

07:09, 21/09/2013
.

Chính phủ theo đường lối trung dung của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đang phải đứng trước thách thức ngày càng lớn khi áp lực yêu cầu ông từ chức gia tăng mạnh những ngày gần đây.

Nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra liên miên trong khi tỷ lệ tín nhiệm dành cho chính phủ không ngừng suy giảm vì hàng loạt chính sách mất lòng dân và những dấu hiệu đi xuống của nền kinh tế.
 

 Những người biểu tình yêu cầu nâng mức sống cho người lao động.
Những người biểu tình yêu cầu nâng mức sống cho người lao động.


Nếu so với nhiều quốc gia đang ngập trong nợ nần, có thể nói nền kinh tế của Ba Lan là khá ổn định khi chứng kiến sự tăng trưởng liên tục trong 2 thập niên qua. Tuy nhiên, tình hình bắt đầu xấu đi trông thấy kể từ đầu năm trở lại đây. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong quý I-2013, kinh tế Ba Lan chỉ tăng trưởng 0,1% và dấu hiệu phục hồi đang diễn ra rất chậm chạp. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, nhất là ở các vùng nông thôn, có nơi lên tới 20%.

 

Thực tế là cuộc khủng hoảng kinh tế tại Châu Âu đã khiến nhiều người Ba Lan đi lao động nước ngoài phải trở về và bổ sung vào đội quân thất nghiệp. Các nhà phân tích cho rằng, trạng thái trì trệ của nền kinh tế Ba Lan phần lớn là do tác động từ cuộc khủng hoảng kéo dài tại các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), gây ảnh hưởng nặng nề tới trao đổi thương mại giữa Ba Lan và các đối tác thương mại khu vực. Thêm vào đó, nhiều vụ bê bối, như vụ phá sản của tổ chức tài chính Amber Gold mà con trai Thủ tướng D.Tusk làm việc, hay sự chậm chạp trong quá trình xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như sự lúng túng của chính phủ trong việc giải quyết thâm thủng ngân sách... đã khiến cho các lãnh đạo của đảng Cương lĩnh Công dân (PO) ở nhiều địa phương đồng loạt mất tín nhiệm. Cơn thịnh nộ của các cử tri có dấu hiệu leo thang kể từ đầu tháng 9 khi chính phủ trở thành mục tiêu công kích của các nghiệp đoàn trong làn sóng phản đối quyết định nâng tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67, yêu cầu tăng lương tối thiểu và bảo đảm an toàn lao động.

Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, tỷ lệ ủng hộ dành cho PO của ông D.Tusk chỉ đạt 21-25% so con số 23-34% dành cho đảng đối lập Pháp luật và Công lý (PIS). PO cũng vừa thất bại trong một số cuộc bầu cử bổ sung ở địa phương và tại Hạ viện, liên minh cầm quyền của đảng này và đảng Nông dân hiện chỉ nắm giữ 232/460 ghế để giành thế đa số. Nếu như chính phủ và các tổ chức công đoàn không sớm tìm được tiếng nói chung, Ba Lan có nguy cơ rơi vào bất ổn. Mối lo ngại này hoàn toàn có cơ sở khi lãnh đạo nhiều nghiệp đoàn cảnh báo sẽ tổ chức nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn như đã diễn ra suốt 4 ngày cuối tuần trước làm đình trệ nhiều hoạt động ở thủ đô Vácsava.

Hai năm trước đây, việc nhà lãnh đạo D.Tusk tái đắc cử vị trí Thủ tướng đã được xem là một hiện tượng của chính trường Ba Lan vì chưa chính trị gia nào làm được điều tương tự kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Tuy nhiên, tình thế hiện tại cho thấy, Thủ tướng D.Tusk sẽ còn phải hết sức vất vả mới có thể bảo toàn "thắng lợi lịch sử" trong sự nghiệp chính trị của mình.


Quỳnh Chi


.