Điền kinh Việt Nam: Gian nan giành vé dự Olympic

10:03, 07/03/2020
.
Tại SEA Games 30-2019, điền kinh Việt Nam là đội tuyển giành nhiều huy chương nhất, với 16 Huy chương vàng, 12 Huy chương bạc, 10 Huy chương đồng. Đó là tiền đề để đội tuyển điền kinh hướng tới mục tiêu tham dự Thế vận hội Mùa hè 2020, được tổ chức tại Nhật Bản (Olympic Tokyo 2020). Tuy nhiên, mục tiêu này khá gian nan và đang gặp không ít thử thách cần sự nỗ lực hơn nữa của các vận động viên.
Vận động viên Quách Thị Lan (giữa) đang nỗ lực để giành tấm vé tham dự Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Minh Hoàng
Vận động viên Quách Thị Lan (giữa) đang nỗ lực để giành tấm vé tham dự Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Minh Hoàng
Gian nan cải thiện thành tích
 
Trong 19 vận động viên đội tuyển điền kinh Việt Nam được tập trung để tham gia thi đấu giành vé dự Olympic Tokyo 2020, vận động viên Nguyễn Thị Huyền là niềm hy vọng lớn nhất.
 
Theo ông Dương Đức Thủy, chuyên viên quản lý Bộ môn Điền kinh (Tổng cục Thể dục - Thể thao), vận động viên Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Huyền có thành tích tiệm cận chuẩn A Olympic ở nội dung 400m rào nữ. Ở nội dung 400m rào nữ tại SEA Games 30-2019, thành tích giành Huy chương vàng của Nguyễn Thị Huyền là 56 giây 90 và để đạt chuẩn tham dự Olympic ở nội dung này (55 giây 40), Nguyễn Thị Huyền cần phải cải thiện thành tích của mình.
 
Còn ở nội dung 400m nữ sở trường, với kết quả 52 giây 80, Nguyễn Thị Huyền phải cố gắng nâng cao thành tích của bản thân thêm 1 giây 45 nữa thì mới đạt chuẩn A Olympic (51 giây 35). Trong khi đó, ở nội dung 400m rào nữ tại Giải vô địch Điền kinh châu Á 2019, Quách Thị Lan cũng đạt thành tích 56 giây 10, cách 0,70 giây so với chuẩn A Olympic 2020.
 
Với những vận động viên chủ lực khác của đội tuyển điền kinh Việt Nam, như: Phạm Thị Huệ (5.000m và 10.000m), Phạm Thị Hồng Lệ (10.000m)… thành tích cao nhất đạt được cũng còn cách chuẩn dự Olympic khá xa. Từ nay đến tháng 6-2020 là quãng thời gian quyết định số vé tham dự Olympic Tokyo 2020 của thể thao Việt Nam, trong đó có đội tuyển điền kinh. Thời gian này, các trận đấu cấp châu lục tranh vé trực tiếp và các giải đấu cuối cùng chốt lại số điểm tích lũy để xét điều kiện dự Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra. Đây là cơ hội để các vận động viên cải thiện thành tích của mình.
 
Về vấn đề này, huấn luyện viên đội tuyển điền kinh quốc gia Vũ Ngọc Lợi cho biết, Olympic là một đấu trường khắc nghiệt và để giành vé tham dự ở thời điểm này là một thử thách gian nan, đòi hỏi quyết tâm cao. Do vậy, công tác chuẩn bị và những tính toán cần phải kỹ càng hơn. Ngoài vấn đề thể lực, đội tuyển cần có cơ hội nâng cao thành tích tại các giải đấu quốc tế mới hy vọng đủ điểm giành vé tham dự Olympic. “Cơ hội cuối để điền kinh Việt Nam tranh suất chính thức dự Olympic là Giải vô địch châu Á dự kiến diễn ra vào tháng 6-2020 tại Trung Quốc, nhưng trước diễn biến của dịch Covid-19, vẫn chưa biết giải có diễn ra hay không. Bên cạnh đó, việc đi tập huấn nước ngoài trong thời gian này không thể thực hiện được, ảnh hưởng rất nhiều đến việc tập luyện của các vận động viên”, ông Vũ Ngọc Lợi chia sẻ.
 
Nỗ lực nắm bắt cơ hội
 
Ngoài các nội dung thi đấu quen thuộc tại các kỳ Olympic trước, ở Olympic 2020 sẽ có thêm nội dung 4x400m hỗn hợp (nội dung thi đấu gồm 2 vận động viên nam, 2 vận động viên nữ mỗi đội). Đây thực sự là cơ hội đối với đội tuyển điền kinh Việt Nam, vì cự ly 4x400m được coi là sở trường. Với thực lực của mình, điền kinh Việt Nam hoàn toàn có thể tìm được 2 vận động viên nam, 2 vận động viên nữ để tạo nên một đội hình mạnh ở nội dung này so với nhiều đội tuyển khác.
 
Hiện tại, trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Điền kinh thế giới, đội 4x400m hỗn hợp Việt Nam đang xếp hạng 17. Liên đoàn Điền kinh thế giới sẽ chọn 16 đội mạnh nhất tham dự Olympic Tokyo 2020. Mặc dù vậy, đội tuyển điền kinh Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
 
Theo Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục Thể dục - Thể thao) Hoàng Quốc Vinh, 8 đội hiện chắc chắn giành vé góp mặt ở nội dung trên tại Olympic Tokyo 2020 nhờ đã vào chung kết tại Giải Điền kinh vô địch thế giới 2019, là: Mỹ, Jamaica, Bahrain, Anh, Ba Lan, Brazil, Ấn Độ, Bỉ. “Điều may mắn là cả 8 đội trên đều thuộc nhóm 16 đội hàng đầu thế giới, nên đội tuyển Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội”, ông Hoàng Quốc Vinh cho biết.
 
Nhận định về cơ hội này, huấn luyện viên đội tuyển điền kinh quốc gia Vũ Ngọc Lợi cho rằng, thành tích tốt nhất của đội tuyển 4x400m hỗn hợp Việt Nam là 3 phút 19 giây 50, đang kém gần 1 giây so với đội xếp hạng 16 thế giới. “Với những nỗ lực tập luyện như hiện nay, đội tuyển hoàn toàn có thể cải thiện thông số này. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan, tính đạt mức bằng đội xếp 16 thế giới, mà phải tính đến tình huống nếu các vận động viên Việt Nam tiến bộ, thì đối thủ cũng tiến bộ. Các đội xếp hạng thấp cũng sẽ nỗ lực vượt qua đội tuyển Việt Nam để vào nhóm tham dự Olympic Tokyo 2020. Dù biết rất khó, song toàn đội đặt quyết tâm rất cao, chắt lọc từng cơ hội để nỗ lực giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020 sắp tới”, ông Vũ Ngọc Lợi nhấn mạnh.
 
Liên quan đến việc này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Vương Bích Thắng cho biết, mặc dù có những khó khăn nhất định, song Tổng cục sẽ tạo mọi điều kiện để vận động viên có cơ hội tập luyện và thi đấu tốt nhất. Với ý chí quyết tâm của mình, đội tuyển điền kinh Việt Nam sẽ biến những khó khăn thành sức mạnh, quyết tâm góp mặt tại Olympic Tokyo 2020.
 
Theo Tuyết Minh/hanoimoi.com.vn
 
 

.