Chuyện về nỏ

07:02, 07/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày nay, chiếc nỏ của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ để giới thiệu trong các lễ hội, mà nó đã trở thành một trong những môn thể thao truyền thống hấp dẫn thể hiện sức mạnh, sự tinh anh, khéo léo của các chàng trai, cô gái đồng bào vùng cao.
 

Những ngày chớm Xuân, chúng tôi có dịp về thăm thôn Ra Nhua, xã Sơn Tân - một  nơi được nhiều người biết đến là nơi quy tụ những tay nỏ thiện xạ bậc nhất huyện vùng cao Sơn Tây. Theo già làng Đinh Văn Nhét, cây nỏ luôn là vật dụng không thể thiếu của những chàng trai Ca Dong mỗi khi lên rừng, lên rẫy.

Bởi chiếc nỏ là vũ khí để bắn các loại thú rừng phá hoại nương rẫy. Đối với mỗi chàng trai Ca Dong, thì cây nỏ giống như cánh tay phải và mỗi khi “hạ” được thú rừng là minh chứng cho sức mạnh, oai dũng và sự khéo léo của mình.

Những
Những "nỏ thủ" thi thố tài năng với nhau. Ảnh: Bảo Ngọc


Ngày trước, hầu như trai tráng Ca Dong người nào cũng biết bắn nỏ, nhưng để làm một cây nỏ “chuẩn”, không phải ai cũng làm được, vì nó khá kỳ công. “Muốn nỏ có tầm bắn xa, lực bắn mạnh thì mỗi bộ phận cấu thành chiếc nỏ đều cần được chế tác tỉ mỉ, kỹ càng. Đồng thời cần phải có nhiều kinh nghiệm. Cố gắng làm nhiều chiếc thì mới biết chỗ để sửa chữa, bổ sung, cái nỏ sau mới tốt va bắn chuẩn hơn cái trước”, già Nhét giải thích.

Bây giờ, những chiếc nỏ không còn dùng để săn bắn thú rừng nữa mà chỉ để trang trí như những bảo vật trong nhà hay theo các chàng trai Ca Dong đua tài vào mỗi dịp  lễ, Tết, trong các hội thao, hội thi dân tộc. Sức mạnh, sự oai dũng và khéo léo của các chàng trai được thể hiện bằng cách đoạt các giải thưởng từ nhiều hội thi bắn nỏ.

“Nỏ thủ” Đinh Văn In ở thôn Ra Nhua, xã Sơn Tân là một trong những vận động viên bắn nỏ có tiếng ở huyện vùng cao Sơn Tây, khi đã thâu tóm nhiều giải thưởng tại các cuộc thi bắn nỏ. Mới đây nhất, tại Đại hội Thể dục Thể thao huyện Sơn Tây, anh In cũng đã xuất sắc vượt qua các đối thủ “nặng ký” khác để giành giải nhất.

Để duy trì phong độ, ngoài việc nương rẫy, những lúc rảnh rỗi, anh In lại hăng say tập luyện bắn nỏ và hướng dẫn cho trai tráng trong làng. “Việc dạy thanh niên trong làng học bắn nỏ không chỉ để tham dự các hội thi, thể hiện đẳng cấp của xạ thủ, mà đó là một cách để thanh niên Ca Dong duy trì nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình”, anh In giãi bày.

BẢO NGỌC



 


.