CLB Hà Nội lập hàng loạt kỷ lục ở mùa giải năm nay, trong khi vé rớt hạng thuộc về Cần Thơ, đấy đều là các kết quả xứng đáng, xét về sự chuẩn bị của các đội này trước mùa giải. Nhưng để trở thành một đội bóng lớn, CLB Hà Nội cần trụ được ở sân chơi châu lục.
Kết thúc mùa giải 2018, CLB Hà Nội xác lập rất kỷ lục của V-League: Là đội giành nhiều điểm nhất, ghi nhiều bàn thắng nhất, có số trận thắng nhiều nhất trong 1 mùa giải…
Đây là điều không có gì bất ngờ, vì lực lượng của đội bóng thủ đô rất mạnh so với phần còn lại của V-League. Họ sở hữu đông tuyển thủ quốc gia, có nhiều ngoại binh chất lượng cao, và đội hình của đội bóng thủ đô đồng đều đến mức hầu như ở mỗi vị trí trên sân, họ đều có ít nhất 2 cầu thủ có chất lượng tương đương nhau đảm nhiệm.
So với những đội bóng thách thức mình trên đường đua đến ngôi vô địch Nuti Cafe V-League 2018, CLB Hà Nội luôn có điểm hơn. Đội bóng của bầu Hiển hơn Than Quảng Ninh ở bề dày lực lượng. Than Quảng Ninh có thể đánh bại bất kỳ đối thủ nào trong một ngày đẹp trời, nhưng để đua cuộc đua đường dài, đội bóng vùng mỏ chưa có lực lượng đủ dày để giành điểm tối đa ở mọi trận đấu.
CLB Hà Nội phá hàng loạt kỷ lục ở V-League (ảnh: Gia Hưng) |
So với FLC Thanh Hoá, CLB Hà Nội nhuần nhuyễn hơn. FLC Thanh Hoá cũng sở hữu nhiều ngôi sao, nhưng do đặc trưng của đội bóng xứ Thanh là mỗi mùa giải lại mỗi thay rất nhiều cầu thủ, nên về chất kết dính và về tính ổn định, họ không bằng đội bóng của bầu Hiển.
Còn so với đội bóng rất nổi tiếng là HA Gia Lai, CLB Hà Nội hơn ở tính cân bằng. Đội bóng của bầu Đức có nhiều tài năng trẻ triển vọng, nhưng họ lại thiếu những cầu thủ giàu kinh nghiệm, giàu bản lĩnh, nên dàn cầu thủ của HA Gia Lai thiếu người dìu dắt như dàn cầu thủ của đội bóng của bầu Hiển.
CLB Hà Nội hầu như không có đối thủ ở giải trong nước. Trừ một vài lần mất điểm khá nhạy cảm trước đội bóng cùng chịu ảnh hưởng của bầu Hiển là Sài Gòn FC (1 lần hoà và 1 lần CLB Hà Nội thua, khi Sài Gòn FC đang cần điểm để trụ hạng), đoàn quân của HLV Chu Đình Nghiêm hầu như muốn thắng ai thì thắng.
Nhiệm vụ tiếp theo của đội bóng thủ đô là chinh phục sân chơi châu lục (ảnh: Gia Hưng) |
Nhưng CLB Hà Nội càng ở thế thống trị giải đấu trong nước, yêu cầu cho chính họ trong việc vươn tầm châu lục càng lớn.
Khác với B.Bình Dương, từng ghi dấu ấn tại đấu trường AFC Champions League danh giá, CLB Hà Nội thường xuyên thất bại ở các giải đấu tầm châu Á trong ít năm trở lại đây, kể cả thất bại ở sân chơi hạng 2 của bóng đá châu lục là AFC Cup.
Đội bóng của bầu Hiển cần cải thiện hình ảnh của mình, bởi đã vươn lên đến đẳng cấp không có đối thủ ở trong nước, thì đích đến tiếp theo phải là sân chơi quốc tế.
Bằng ngược lại, nếu CLB Hà Nội không thể vươn tầm châu lục, đấy sẽ càng là nỗi đau của người hâm mộ bóng đá Việt Nam, rằng một đội bóng gần như là bá chủ của V-League, đội bóng phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác tại giải vô địch quốc gia, nhưng vẫn không là gì ở sân chơi quốc tế thì chẳng lẽ giải quốc nội của chúng ta đang yếu đi, chứ không phải do CLB Hà Nội mạnh lên?
Theo Kim Điền/Dân Trí