Góc nhìn khởi nghiệp

10:09, 07/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo dõi U23 Việt Nam từ ngày được HLV Park Hang-seo dẫn dắt, tôi có cảm giác đây là một cuộc khởi nghiệp trong bóng đá.

Ông Ethan Austin, người đồng sáng lập GiveForward, xác định 5 giai đoạn quan trọng nhất của chu kỳ khởi nghiệp và cung cấp một số lời khuyên cho những nhà sáng lập tương lai, những người muốn thực hiện những bước nhảy vọt.

Tôi nhận thấy trong số 5 lời khuyên về khởi nghiệp này, ông Austin đặc biệt nhấn mạnh đến tinh thần khởi nghiệp, và ông liên hệ đến một đội bóng: “Cũng giống như một đội bóng, mục tiêu của bạn là chuyển từ vị trí một người chơi trở thành một huấn luyện viên, cụ thể hơn là bạn và đội của bạn sẽ không bao giờ chiến thắng với những tài năng đơn lẻ, mà đội của bạn sẽ chiến thắng với những chiến thuật đồng đội và quan trọng nhất là khả năng truyền động lực mà một người huấn luyện viên giỏi có thể tạo ra, họ có khả năng thử thách các giới hạn của các thành viên trong đội, thay vì giới hạn các thử thách”.

HLV Park Hang-seo và các học trò.             ảnh: Internet
HLV Park Hang-seo và các học trò. ảnh: Internet


Đây là một quan điểm mà tôi nghĩ hoàn toàn trùng hợp với quan điểm của HLV Park Hang-seo. Vai trò của HLV chính là “khả năng truyền động lực” thi đấu cho đội bóng. Hãy xem ông Park Hang-seo huấn luyện đội tuyển U23 Việt Nam, ta sẽ thấy khả năng thử thách các giới hạn của ông với các cầu thủ trong đội.

Khi ông chọn Anh Đức, một cầu thủ đã trên 30 tuổi cho vai trò tiền đạo, thì mục tiêu của ông là thử thách những giới hạn của cầu thủ này trong việc hòa nhập với các cầu thủ trẻ, trong việc đóng vai trò làm “trụ”, làm “tường” cho cầu thủ trẻ ở tuyến trên, đồng thời ở vai trò hỗ trợ phòng ngự khi cần chống bóng bổng.

Và Anh Đức đã thành “trụ” thành “tường” khi có một cú đá nối tuyệt đẹp, bóng bật xà ngang kịp cho Văn Toàn băng vào đệm bóng tung lưới Syri. Bàn thắng của sự kết hợp giữa cầu thủ lớn tuổi đầy kinh nghiệm và cầu thủ trẻ đầy năng động. HLV Park đã nhìn ra “cặp đôi” này và họ đã hoàn thành mục tiêu mà ông đề ra.

Khởi nghiệp trong kinh tế cũng là như vậy. “Không thầy đố mày làm nên”, bao giờ cũng rất cần một “huấn luyện viên” cho “đội tuyển khởi nghiệp” và bao giờ HLV cũng phải nhìn ra những “cặp đôi” phù hợp như thế cho những ý đồ kinh doanh của mình. Cái mà ta hay gọi là “team” (đội) trong kinh doanh chính là như vậy. Ai phù hợp với vị trí nào, người nào kết hợp với người nào thì phù hợp, điều đó “huấn luyện viên khởi nghiệp” phải biết cho đúng mà sử dụng.

Trong đội Olympic Việt Nam không thiếu những tài năng đơn lẻ, nhưng dùng họ như thế nào, trong một chiến thuật đồng đội như thế nào, ai kết hợp với ai, lúc nào thì cần thay ai vào sân, đó không chỉ là bí quyết của một HLV bóng đá, mà đó còn là bí quyết của người chủ khởi nghiệp.

Vì sao những lời khuyên của một nhà kinh doanh thành công với những người khởi nghiệp lại trùng hợp với những phương thức vận hành của một HLV bóng đá đang rất thành công với đội Olympic Việt Nam như ông Park Hang-seo? Có lẽ chính vì ông Park cũng đang “khởi nghiệp” cùng đội bóng đá trẻ Việt Nam và dường như ông đã chọn đúng đội bóng này để “khởi nghiệp”, hoặc ngược lại, đội bóng này đã may mắn chọn được một HLV hoàn toàn thích hợp như ông Park để phát triển.

Bóng đá Việt Nam đã trải qua không ít thăng trầm. Cũng giống như một doanh nghiệp khởi nghiệp phải vượt qua biết bao nhiêu thử thách. Chọn được một HLV, chính là một CEO phù hợp, thì đội bóng cũng phát triển mà doanh nghiệp cũng có thể ăn nên làm ra. Trên tinh thần khởi nghiệp như thế, tôi nghĩ, bóng đá trẻ Việt Nam đang đi đúng hướng. Hãy nghĩ đến đường xa, hãy nghĩ đúng như nhà kinh doanh Ethan Austin đã khuyên “bạn phải cháy”, dù là trong một trận đấu, hay trong một chặng đường của sự phát triển.     

Nếu chúng ta muốn hướng tới một “quốc gia khởi nghiệp”, thì bóng đá cũng là một thành phần khởi nghiệp trong quốc gia và cần nêu tấm gương về sự thành công trong khởi nghiệp bóng đá để tấm gương này lan tỏa trong xã hội thành một động lực của sự phát triển đất nước.


Thanh thảo

 


.