(Báo Quảng Ngãi)- Ở tỉnh ta, hiện nay có nhiều gia đình thường xuyên luyện tập TDTT. Đây là “chiếc nôi” tạo nên những nhân tố mới, góp phần đưa thể thao của tỉnh phát triển.
Gia đình “cầu lông”
Gia đình ông Nguyễn Sâm (62 tuổi) ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) dành hẳn một góc của phòng khách để trưng bày những chiếc cup và huy chương các loại mà các thành viên trong gia đình ông có được từ bộ môn cầu lông. Là một trong những người khơi dậy phong trào chơi cầu lông ở Nghĩa Hành, ông Sâm, kể: “Trước đây, điều kiện khó khăn nên tôi cùng với một số anh em yêu thích cầu lông tự vẽ sân trong sân của UBND huyện để tập luyện. Lúc đầu chỉ có vài người, nhưng sau đó thu hút nhiều người tham gia”.
Nhờ thường xuyên luyện tập TDTT đã giúp gia đình ông Nguyễn Sâm có được trên 150 chiếc huy chương các loại. |
Lúc đầu, ông Sâm coi chơi cầu lông để rèn luyện sức khỏe, nhưng sau đó đã cuốn hút ông tham gia các giải đấu trong tỉnh, khu vực rồi đến quốc gia, đóng góp nhiều thành tích cho thể thao quần chúng tỉnh nhà. Noi gương ông, hai cô con gái là Nguyễn Thị Tuyết Trinh và Nguyễn Thị Ngọc Trinh cũng tham gia chơi cầu lông từ khi còn là học sinh bậc THCS. Tại Hội khỏe Phù Đổng hay các giải ngành, đến giải toàn quốc, hai chị em Trinh đều giành được những chiếc huy chương quý giá. Gia đình ông Nguyễn Sâm còn là "gương mặt thân quen" tại Giải cầu lông gia đình tỉnh Quảng Ngãi được tổ chức 5 năm một lần.
Lão võ sư với những truyền nhân
Năm 17 tuổi, Nguyễn Hồng (xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức) đã cất công đi tầm sư học võ ở nhiều nơi. Sau một thời gian góp nhặt được những tinh hoa võ thuật từ những võ sư có tên tuổi như Minh Cảnh, Lưu Hòa Phát, Nguyễn Văn Phát (Kít Đăm Xây), đến năm 1960 ông đã thực hiện được ước mơ của mình là mở võ đường tại quê nhà. Lúc này các võ sinh của ông là người lao động và các em học sinh.
Sau trận thách đấu nức tiếng giành thắng lợi trước võ sĩ Nguyễn Thanh Hồng, lúc bấy giờ là đương kim vô địch của Quảng Ngãi, danh tiếng võ sư Tấn Hồng (Nguyễn Hồng) đã được nhiều người biết đến. Ông quan niệm rằng, học võ phải giỏi văn thì sau này mới thành công. Vì vậy, ông luôn yêu cầu các học trò của mình phải học văn hóa để có được tấm bằng học vấn trong tay để sau khi ra trường có được công việc ổn định. Nhờ vào những yêu cầu khi đến với võ đường của ông đã giúp cho nhiều võ sĩ thành danh như Đoàn Hỏa Tiển (hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện&Thi đấu TDTT tỉnh), kiện tướng quốc gia Lê Văn Hùng hiện là huấn luyện viên quốc gia, cùng nhiều học trò là trọng tài quốc gia...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Võ sư Tấn Hồng còn đem những gì học được dạy cho các em của ông. Người em trai của ông là đại võ sư võ cổ truyền Nguyễn Ninh - nguyên Giám đốc Trung tâm Huấn luyện&Thi đấu TDTT tỉnh, hiện là Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật tỉnh. Hiện nay 8 người con của ông (4 trai, 4 gái) đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Trong đó, 3 người con trai theo nghiệp võ. Hiện nay, dù đã 76 tuổi nhưng hàng ngày lão võ sư Nguyễn Hồng vẫn tập thảo bộ, binh khí và boxing để rèn luyện sức khỏe cũng như làm gương cho con cháu noi theo.
Bài, ảnh: DUY HÙNG