Khi phụ nữ đá bóng...

08:08, 28/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong 3 ngày (từ 26 - 28.8), Giải bóng đá phong trào dành cho nữ của ngành VH-TT&DL tỉnh đã diễn ra cực kỳ sôi nổi và rất đáng yêu. Với phương châm: “Nụ cười quan trọng hơn bàn thắng”, các nữ cầu thủ đã có những phút giây ngất ngây với quả bóng tròn.

Đổi luật vì… nữ cầu thủ

Giải đấu là hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành văn hóa. Tham gia giải có 5 đội bóng được chia thành hai bảng, gồm: BQL Khu chứng tích Sơn Mỹ, Trường Năng khiếu TDTT tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh (bảng A) và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Văn phòng Sở VH-TT&DL (bảng B). Trước khi giải diễn ra khoảng 2 tuần, cầu thủ các đội đã tích cực tập luyện, nhằm… làm quen với trái bóng. Mặc dù không có nhiều thời gian tập luyện do vẫn phải đảm bảo công việc hàng ngày, nhưng với tinh thần yêu thể thao nên ngay sau khi kết thúc giờ làm việc, các cầu thủ nữ đã nhanh chóng ra sân tập hợp đội hình và cùng nhau tập luyện.

Các nữ cầu thủ Đội Văn phòng Sở VH-TT&DL (áo sẩm) vui mừng sau khi ghi được bàn thắng.
Các nữ cầu thủ Đội Văn phòng Sở VH-TT&DL (áo sẩm) vui mừng sau khi ghi được bàn thắng.


Đội Văn phòng Sở VH-TT&DL tỏ ra rất quyết tâm khi mỗi tuần đều tập luyện và thi đấu giao hữu đến ba lần. Dù ai cũng bỡ ngỡ, nhưng không vì thế mà không khí chuẩn bị của đội kém sôi động. Hơn 10 cô gái lâu nay chỉ quen việc văn phòng nay phải đuổi theo trái bóng tròn quả là rất mệt mỏi, nhưng nụ cười thì luôn thường trực trên môi. Nữ cầu thủ Phạm Thị Thanh Trà (25 tuổi, Văn phòng Sở VH-TT&DL) quả quyết: “Tất cả các cầu thủ tham gia giải đều nỗ lực thi đấu với tinh thần cao nhất để mang đến những trận so tài giàu cảm xúc cho khán giả”.

Dù nữ cầu thủ rất nỗ lực, nhưng so với “cánh mày râu” thì chị em vẫn là phận “liễu yếu đào tơ”, nên phái đẹp đá bóng cũng có những ưu ái kèm theo. Do đó, Ban tổ chức đã quyết định đổi luật, bằng cách giảm số phút thi đấu trong mỗi trận đấu để các nữ cầu thủ… đủ sức đá hết giải. Theo quy định, mỗi trận thi đấu theo thể thức bóng đá 5 người phải kéo dài trong 40 phút, thế nhưng, các cầu thủ tham gia giải này chỉ có 20 phút (10 phút/hiệp) thể hiện.
 

Kết thúc vòng đấu bảng, BQL Khu chứng tích Sơn Mỹ gặp Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trường Năng khiếu TDTT tỉnh đối đầu với Văn phòng Sở VH-TT&DL ở vòng bán kết. Sau hai trận đấu kịch tính, giàu cảm xúc, trận chung kết diễn ra vào sáng 28.8 sẽ là cuộc so tài giữa Trung tâm Văn hóa tỉnh và Văn phòng Sở VH-TT&DL.

Đầy ắp tiếng cười

Những pha đỡ bóng vụng về, nhiều lần sút vào… không khí, còn kỹ năng xử lý bóng tất nhiên là rất nghiệp dư của các cầu thủ nữ không làm người xem khó chịu, mà trái lại, tiếng vỗ tay lại không ngớt vang lên. Các đội bóng nữ luôn có sức hút riêng, khiến các trận đấu của các cô gái ngành VH-TT&DL luôn có nhiều khán giả theo dõi. Nhìn lên khán đài, khuôn mặt ai cũng đầy biểu cảm. Bàn thắng có được ghi hay không chẳng quan trọng, điều khán giả mong chờ là tinh thần “chạy” theo trái bóng hết mình của các cô gái. Không biết chơi xấu, không hề câu giờ, cũng chẳng bao giờ phản ứng với trọng tài, các cô gái chỉ biết vô tư giành lấy quả bóng và đẩy nó đi thật nhanh về phía khung thành của đối phương mà thôi.

Bóng đá được gọi là môn “thể thao vua” vì sức hút của nó lan truyền đến cả nam lẫn nữ, người lớn và trẻ con. Giải bóng đá phong trào dành cho nữ của ngành VH-TT&DL năm nay lại củng cố thêm nhận định đó. Không có nhiều những pha bóng hay như các cầu thủ nam, nhưng mỗi lần chạm bóng, các cô gái luôn mang đến tiếng cười và sự hồi hộp cho người xem. Hình ảnh các cầu thủ nữ ôm chầm lấy nhau, rồi hồn nhiên nhảy múa rất đáng yêu sau những bàn  thắng cho thấy giá trị của bóng đá. Nữ cầu thủ Tạ Thị Di Hà (Đội Bảo tàng Tổng hợp tỉnh), chia sẻ: “Giải đấu là dịp để những chị, em trong ngành thắt chặt tình đoàn kết, nêu cao tinh thần đồng đội, qua đó giúp đỡ nhau nhiều hơn trong công việc và cuộc sống.

Bài, ảnh: NG.TRIỀU

 


.