Chiến quả của một người khuyết tật

02:04, 22/04/2014
.

(Baoquangngai.vn) Trong Đại hội Thể thao Người khuyết tật Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội vào giữa năm 2013, đoàn thể thao người khuyết tật Quảng Ngãi gồm 6 vận động viên tham gia thi đấu ở 2 môn: Bóng bàn và điền kinh đã xuất sắc giành đến 10 chiếc huy chương vàng, trong đó vận động viên điền kinh Trần Như Phi đã lập một hattrick (tức 3 chiếc huy chương vàng). Phóng viên Báo Quảng Ngãi Điện tử đã có mặt ở sân vận động Quảng Ngãi vào lúc 5h sáng để ghi nhận một buổi tập của nhân vật thể thao đầy cảm xúc này.

5 giờ sáng, may mắn thay vào những ngày đầu hạ nên trời đã sáng và không khí mát mẻ dịu lành. Sân vận động Quảng Ngãi vắng lặng, lại phủ một màu xám buồn tẻ của rêu mốc quanh 4 phía khán đài. Chỉ thấy dáng một người đàn ông bền bĩ chạy những bước khó nhọc, lắc lư tưởng như sắp đổ sầm về phía trước.

Trần Như Phi
Anh Trần Như Phi.


Nhưng không hề, đó là chỉ là cảm giác của một người lạnh lặn nhìn một người khuyết tật. Còn thực tế, người đàn ông bị mất nguyên một cánh tay này vẫn tự biết duy trì cho mình một sự thăng bằng đúng theo quy luật vật lý. Anh Trần Như Phi, một vận động viên khuyết tật môn điền kinh người Quảng Ngãi. Anh là một vận động viên xuất sắc của quốc gia ở các nội dung cự ly ngắn. 3 chiếc huy chương vàng ở Đại hội Thể thao Người khuyết tật Việt Nam cuối năm 2013 kèm theo 1 kỷ lục quốc gia ở đường chạy 400m đã nói lên tất cả.

Sau 30 phút chạy bền, Trần Như Phi tranh thủ nghỉ ngơi, hớp vài ngụm nước và nói với phóng viên: “Những người khuyết tật như chúng tôi phải luôn tìm một điểm tựa nào đó để vực dậy tinh thần cho mình. Tôi đã chọn thể thao. Ban đầu tôi chỉ xem việc chạy như thế này là để tăng cường sức khỏe, nhưng không hiểu sao khi chạy, cảm giác cơ thể và tinh thần mình càng mạnh mẽ hẳn lên. Cho đến một ngày tình cờ gặp anh Huỳnh Thành, là huấn luyện viên của đội tuyển thể thao khuyết tật Quảng Ngãi, và tôi đã nhận lời tham gia vào đội tuyển, để trở thành một vận động viên như ngày hôm nay.”

Anh Trần Như Phi sinh năm 1965 đã bén duyên với thể thao, cụ thể là điền kinh từ năm 2004; và từ đó đến nay thành tích của anh mỗi ngày một dày hơn, nhanh hơn theo đúng ý nghĩa của tinh thần thể thao, bất chấp sự khắc nghiệt của tuổi tác.

Anh Huỳnh Thành – Huấn luyện viên đội tuyển thể thao người khuyết tật Quảng Ngãi luôn tự hào về người đồng đội này, anh nói: “Trần Như Phi có thể nói là trường hợp đặc biệt. Anh ấy có nghị lực phi thường. Dù tuổi tác đã lớn nhưng thật không tin nổi khi cả đoàn thể thao người khuyết tật Quảng Ngãi chứng kiến anh ấy vượt qua những vận động viên trẻ để giành huy chương vàng ở những nội dung tốc độ; thậm chí còn phá kỷ lục quốc gia”.

Trần Như Phi đã là một ngôi sao của thể thao người khuyết tật Việt Nam, thậm chí đang nắm giữ một lỷ lục quốc gia, nhưng cái đích của người vận động viên khuyết tật không phải chỉ là những con số khô khan, mà quan trọng hơn, những người như anh Trần Như Phi đã hiểu rằng cuộc đời rất công bằng cho những ai biết nỗ lực để vượt qua rào cản của số phận để rồi nhận được những chiến quả xứng đáng cho chính bản thân mình.
 

Trần Linh
 


.