Cái thời thắng như chẻ tre trên võ đài những tưởng sẽ đưa sự nghiệp của võ sĩ quyền anh Tạ Quang thăng hoa với những cống hiến cho nền võ thuật nước nhà. Nhưng có ai ngờ ở tuổi 49, kiện tướng bảy lần vô địch quốc gia Tạ Quang lại rơi vào cảnh khốn khó.
Võ sĩ Tạ Quang và những chiếc huy chương của một thời oanh liệt. Ảnh: Trà Giang |
“Những chuyện đã qua, quên rồi!” - câu nói ấy của Tạ Quang cứ nhắc đi nhắc lại trong cuộc trò chuyện. Nhưng nhìn kỹ vào khuôn mặt dạn dày trận mạc ấy sẽ nhận ra ngay cái dùng dằng chẳng thể nào dứt được quá khứ với những ánh hào quang lấp lánh của các tấm huy chương được dát nên bởi những giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình.
Những ngày vinh quang
Vì sao một quá khứ quá đỗi tự hào ấy, võ sĩ lừng lẫy một thời với những quả đấm thép nhanh như chớp trong nháy mắt đã hạ gục đối phương lại muốn quên đi? Nhưng thường những gì ép quá lại hay trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Chẳng thế mà trong ngăn tủ, những hình ảnh hiên ngang trên võ đài vẫn được anh cất kỹ để thỉnh thoảng lại đem ra nhìn.
17 tuổi, lân la đến võ đường lén xem các võ sinh tập luyện rồi mê mẩn từ khi nào không hay. Tháng 9-1983, Tạ Quang bắt đầu lên võ đài của Giải quyền anh giao hữu ba địa phương Hà Nội, Nghĩa Bình và TP.HCM rồi đoạt luôn HCV. Liên tiếp ba năm 1985-1987, Quang đều đặn ngự trị ngôi vương ở các giải vô địch quyền anh toàn quốc và được phong kiện tướng.
Từ đây, Tạ Quang bắt đầu bận bịu với những chuyến du đấu trong và ngoài nước. Năm 1988, 1989, Quang dự Giải quyền anh ba nước Đông Dương hạng 54kg và đoạt luôn chức vô địch. Tại SEA Games 15, cái thời thể thao VN mới chân ướt chân ráo hội nhập quốc tế, Tạ Quang đoạt HCĐ...
HLV Trần Ninh (võ sư Phi Hùng) nói: “Điều dễ nhận thấy ở Quang là tinh thần học hỏi, biết tìm ra những thiếu sót của mình, luôn tìm hiểu miếng đánh hay của người đi trước, của bạn bè và ngay cả đối thủ từng bị anh đánh bại. Vậy nên thi đấu ở hạng cân 54kg tại các giải quốc gia, gặp những đối thủ đáng gờm, có tên tuổi của Hải Phòng, TP.HCM, Hà Nội có thể lực và chiều cao tốt hơn nhưng với kỹ thuật điêu luyện, đấu pháp đúng, ra đòn nhanh, mạnh, chính xác, Quang luôn làm chủ trận đấu và giành chiến thắng”.
Và cay đắng...
Năm 1992, anh đề nghị được truy nhận chế độ đẳng cấp kiện tướng (hơn 8 triệu đồng) theo quy định năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng (đối với VĐV kiện tướng sẽ được hưởng trên 2,6 triệu đồng/năm). Theo ông Phạm Bá Nam - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, khi đó do mới tách tỉnh, địa phương không có tiền nên Quang tự ý bỏ Quảng Ngãi về đầu quân cho An Giang.
Năm 1994, ngành thể thao có quyết định dừng thi đấu bộ môn quyền anh. Không còn đất dụng võ, Quang quay về Quảng Ngãi và bắt đầu nhận được sự thờ ơ, lạnh nhạt của đồng nghiệp cũng như lãnh đạo ngành TDTT. Ông Nam kể năm 2002 bộ môn quyền anh được khôi phục. “Năm 2003, thấy cuộc sống vất vả quá, chúng tôi đưa Quang về làm HLV đội quyền anh của tỉnh. Quảng Ngãi lại thi đấu đạt thành tích cao ở giải quốc gia, Quang được rút làm HLV tuyển quốc gia nhưng một tháng sau thì bị trả về với lý do tâm lý “không bình thường” và mất đoàn kết với đồng nghiệp”.
Bị thất sủng, Quang hồi hương trồng cây cảnh, mở quán nhậu. Nhưng sau đó, tâm lý của Tạ Quang ngày càng bất ổn khi anh thường không kiểm soát được hành vi, đập phá đồ đạc, vật dụng trong nhà khiến mấy năm trời bà Trần Thị Nhung (81 tuổi, mẹ của Quang) và chị Tạ Thị Liễu (chị của Quang) phải rời nhà ra ở trọ. Năm 2012, bà Nhung đưa Quang đến Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng chữa trị một tháng. Bác sĩ cho về với kết luận Quang chỉ bị hoang tưởng. Cũng sau lần đó, bệnh tình của Quang giảm hẳn. “Nhưng mỗi khi ai làm phật ý điều gì thì... sẽ có chuyện đấy. Chị phải đi nấu cơm, chứ không nó (Quang - PV) về mà chưa có lại la” - đang ngồi tiếp chuyện với tôi, chị Liễu phải tất tả xuống bếp.
Đôi mắt bà Nhung ngân ngấn nước bảo rằng từ ngày căn bệnh hoang tưởng của Quang xuất hiện, gia đình Quang bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn. Chị Phạm Thị Xuân Thái, vợ anh Quang, cho biết: “Năm năm trước, vợ chồng tôi tạm thời không ở được với nhau do vấn đề tâm lý của anh Quang. Do tôi bị bệnh động kinh nên kinh tế gia đình ngày càng eo hẹp. May nhờ chú Vinh ở TP.HCM dạy dỗ và hỗ trợ tiền ăn học cho ba đứa nhỏ, nếu không tôi chẳng biết phải xoay xở thế nào”.
Hiện hai con gái Tạ Ngô Thảo Hiền và Tạ Ngô Thảo Vy đang là sinh viên Đại học Tài chính TP.HCM. Em trai Tạ Quang Vũ đang học lớp 10 THPT Trần Quốc Tuấn - ngôi trường có chất lượng đào tạo nhất nhì Quảng Ngãi. “Đời chị xem như đã xong, may mà còn có ba đứa con làm chỗ dựa tinh thần để tiếp thêm nghị lực sống với hi vọng một ngày nào đó anh Quang sẽ bình thường trở lại. Trước đây ảnh chăm sóc và thương yêu vợ con lắm” - chị Thái nói rồi lại tủi thân khóc!
Hai mặt của chiếc huy chương
“Có lẽ con người ta không làm tốt được hai việc cùng một lúc. Nghĩ vậy nên đang học lớp 10, tôi tạm gác chuyện học văn hóa để chuyên tâm theo nghiệp võ” - tôi nhắc lại câu nói ấy của Tạ Quang với ông Nam. Ông chỉ cười buồn và nói đó có lẽ cũng là một sai lầm của Quang bởi khi về tuổi xế chiều, VĐV rất cần bằng cấp để có thể cân nhắc các vị trí tiếp theo. “Cái thời của Quang, cách quản lý và dùng người “vắt chanh bỏ vỏ” ấy đã làm thui chột cả một thế hệ vàng của bộ môn võ thuật Quảng Ngãi. Tôi không trách và không ám chỉ ai cả nhưng vinh quang, huy chương là nhất thời, còn tương lai đời người mới là lâu dài. Không thể cứ “xua” quân đi, hùng hục và lầm lũi tiến lên võ đài, rồi sau những tấm huy chương lấp lánh ấy là những cuộc đời tăm tối, bế tắc” - ông Nam nói.
Những thành tích, cống hiến của Tạ Quang có thể xét lại ở một chế độ nào không? “Cái này khó, tôi không trả lời được. Đúng ra trước đây phải có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm cho Quang, cho cậu ấy đi học để có kiến thức về huấn luyện. Đằng này khi nhận huy chương vàng thì sướng lắm, nhưng hậu quả để lại thì mọi người thấy rồi đấy” - ông Nam trầm ngâm rồi bỏ lửng câu chuyện như phận đời của kiện tướng Tạ Quang bây giờ...
Theo TRÀ GIANG/Báo Tuổi trẻ