Trước giờ Bộ VH-TT-DL công bố kết luận thanh tra hợp đồng truyền hình bóng đá có thời hạn 20 năm do VFF ký với AVG (2010), Bộ Tư pháp đã có công văn xác nhận bản hợp đồng không trái luật, các thủ tục ký kết thực hiện đúng trình tự.
Sau khi nhận được công văn của Bộ VH-TT-DL về việc tham khảo ý kiến của Bộ Tư pháp về những vấn đề liên quan đến hợp đồng bản quyền VFF- AVG. Bộ Tư pháp đã có văn bản phúc đáp với 3 nội dung cơ bản.
Về quyền sở hữu bản quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp, Bộ Tư pháp khẳng định VFF sở hữu là đúng dựa trên khoản 2 Điều 53 Luật Thể dục, Thể thao năm 2006: “Liên đoàn thể thao quốc gia, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp do mình tổ chức”.
Dựa trên những quy định và điều lệ của VFF, Bộ Tư pháp cho rằng VFF có đủ thẩm quyền chuyển nhượng quyền sở hữu đối với các giải bóng đá chuyên nghiệp thuộc sở hữu của VFF, trong đó có bản quyền truyền hình.
Công văn của Bộ Tư pháp cũng nêu rõ: Theo điều 75 Điều lệ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) năm 2010 có quy định Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là cơ quan duy nhất được trao quyền cho các đối tác về phân phối hình ảnh, âm thanh và những dữ liệu khác của các trận bóng cũng như các sự kiện hoạt động bóng đá do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức và không có bất kỳ giới hạn nào về nội dung, thời gian, địa điểm, các vấn đề kỹ thuật và pháp lý.
Theo khoản 2 Điều 74 của Điều lệ sửa đổi cũng quy định Ban Chấp hành Liên đoàn quyết định phương thức và mức độ sử dụng những quyền được quy định ở khoản 1 Ðiều 74, đồng thời đưa ra các quy định đặc biệt cho mục đích này. Ban chấp hành có quyền quyết định sử dụng độc quyền các quyền trên hoặc liên kết với một bên thứ ba hoặc hoàn toàn thông qua bên thứ ba.
Về thời hạn ký kết hợp đồng kéo dài 20 năm (2011- 2030), Bộ Tư pháp kết luận thỏa thuận thời hạn 20 năm về chuyển nhượng thương quyền bóng đá giữa VFF và AVG không trái pháp luật, thông qua việc nghiên cứu pháp luật hiện hành Việt Nam về dân sự, thương mại.
Bản hợp đồng truyền hình VFF - AVG được xác nhận đúng luật - Ảnh: Thục Linh |
Cho đến thời điểm này, kết luận thanh tra vẫn được giữ kín nhưng nội dung mà đoàn thanh tra đưa ra được dự đoán không khác nhiều so với ý kiến Bộ Tư pháp gửi Bộ VH-TT-DL. Đoàn thanh tra cho rằng ban chấp hành VFF là đại diện được CLB ủy quyền, VFF đã được sự đồng ý của ban chấp hành VFF trước khi đàm phán và ký kết hợp đồng truyền hình với AVG. Sau khi ký hợp đồng bán bản quyền cho AVG, số lượng các trận đấu của giải bóng đá chuyên nghiệp VN tốt hơn so với trước kia...
Điểm duy nhất đoàn thanh tra Bộ VH-TT-DL kết luận VFF đã vượt quá thẩm quyền khi ký kết hợp đồng 20 năm với AVG là việc chuyển giao toàn bộ thương quyền, các thông tin bên lề cho AVG, trong khi quyền này VFF không sở hữu. Thông tin bên lề được hiểu là những thông tin trực tiếp và gián tiếp đến các giải như họp báo, lễ trao giải, lễ khai mạc. Thương quyền được hiểu như là quyền ghi âm, ghi hình, sản xuất và sở hữu các bản ghi âm, ghi hình, quyền công bố, phát sóng, khai thác doanh thu dưới mọi hình thức và trên mọi phương tiện như báo hình, Internet, báo in...
Nếu không có thay đổi vào phút chót, chiều mai (16/2) Bộ VH-TT-DL sẽ công bố kết luận thanh tra tại trụ sở VFF. Cùng ngày, vào lúc 15 giờ Bộ VH-TT-DL tổ chức buổi họp báo công bố chi tiết kết luận của đoàn thanh tra sau khi đã tham khảo ý kiến của các cơ quan liên quan.
Theo dân trí