Văn hóa Sa Huỳnh - Lịch sử và giá trị

07:03, 24/03/2023
.
* Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch
Thường trực UBND tỉnh
TRẦN HOÀNG TUẤN
 
 
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1649/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh (VHSH). Đây là niềm vinh dự, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm rất lớn đối với Quảng Ngãi. Qua đó, mở ra cơ hội để Quảng Ngãi xây dựng nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
 
[links()]
Cái nôi của Văn hóa Sa Huỳnh
 
Nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện các hiện vật của VHSH năm 1909. Từ khu mộ chum ở Sa Huỳnh, qua các đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã liên tục phát hiện dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử và tìm thấy khoảng 500 mộ chum có chứa nhiều loại đồ tùy táng phân bố dọc các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Trong đó, Quảng Ngãi được xem là cái nôi của VHSH, với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn (bên phải) tham quan hiện vật mộ chum, thuộc Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: Kim Ngân
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn (bên phải) tham quan hiện vật mộ chum, thuộc Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: Kim Ngân
Năm 1936, nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani đã lấy địa danh Sa Huỳnh đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này là “Văn hóa Sa Huỳnh”.
 
Từ năm 1909 đến nay, đã có 4 lần hội thảo khoa học về VHSH vào các năm 1985, 1990, 1999, 2009. Trong hơn 1 thế kỷ qua, các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài đã dành nhiều tâm huyết, sức lực để tìm tòi, nghiên cứu và giải mã một nền văn hóa phát triển rực rỡ, đồng thời cũng hết sức kỳ bí này.
 
Từ khi phát hiện đến nay, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi, đã không ngừng nỗ lực trong phát hiện, khai quật, phục dựng, nghiên cứu về VHSH và đạt được những bước tiến đáng kể. Chúng ta đã phát hiện được hàng trăm di tích VHSH từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai; từ các cồn cát ven biển đến đảo Lý Sơn, lên vùng Trường Sơn hiểm trở, với hàng nghìn hiện vật được phát hiện và phục hồi.
 
Nói đến VHSH, nhiều người nghĩ đến những khu mộ chum rộng lớn với các chum gốm to, nhỏ, cao được dùng để lưu giữ phần xác của con người khi về thế giới bên kia. Cùng những đồ trang sức bằng thủy tinh, bằng mã não, những khuyên tai 2 đầu thú, hạt cườm; những bình gốm con tiện, bát đồng, chậu, vò... Những đồ gốm này đều được trang trí hoa văn rất đẹp và tinh xảo.
 
Đầm An Khê (TX.Đức Phổ) là một trong 6 địa điểm thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh.  Ảnh: Kim Ngân
Đầm An Khê (TX.Đức Phổ) là một trong 6 địa điểm thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: Kim Ngân
Với những giá trị lịch sử đặc biệt, VHSH đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Di tích gồm nhiều địa điểm ở TX.Đức Phổ được khoanh vùng bảo vệ. Đó là, địa điểm Long Thạnh hay còn gọi là gò Ma Vương, ở tổ dân phố Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh - nơi mà các cơ quan trong và ngoài nước khai quật, phát hiện 2 khu cư trú và mộ táng nằm gần nhau. Mộ táng nơi đây là mộ chum chôn từng cụm. Niên đại địa điểm này cách ngày nay trên 3.000 năm thuộc sơ kỳ đồng thau, giai đoạn tiền Sa Huỳnh. 
 
Thứ hai là, địa điểm Phú Khương, ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh. Di vật đặc trưng của địa điểm Phú Khương là quan tài chum gốm có thân hình trứng, thân hình trụ; đồ trang sức phổ biến là hạt chuỗi chất liệu đá quý hình tròn, hình trụ, hình thoi, hình đa diện; khuyên tai chất liệu bằng đá quý hay thủy tinh; đồ gốm có nồi, bát, bình, đèn... Thứ ba là, địa điểm Thạnh Đức, ở tổ dân phố Thạnh Đức 2, phường Phổ Thạnh, nơi nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện khu mộ chum vào năm 1909, đánh dấu mốc năm phát hiện VHSH đầu tiên trên đất nước ta. 
 
Kết quả khai quật ở Thạnh Đức phát hiện hàng trăm mộ chum gốm có nắp đậy chôn đứng, phân bố thành từng cụm. Niên đại địa điểm này được xác định cách ngày nay khoảng 2.500 năm đến 2.000 năm, thuộc sơ kỳ sắt, VHSH. Thứ tư là, quần thể di tích Chămpa bao gồm tháp Núi Một, tháp Gò Đá, cầu Đá, miếu Chămpa, bia ký Vũng Bàng, hệ thống giếng Chămpa gồm 12 giếng, con đường xếp đá cổ, hệ thống mương dẫn nước cổ. Quần thể di tích này là bằng chứng về truyền thống văn hóa từ Sa Huỳnh, Lâm Ấp đến Chămpa; khẳng định tầm vóc của di sản VHSH. Hai địa điểm cuối là đầm An Khê và lạch An Khê. Đây là đầm nước ngọt lớn nhất ở Quảng Ngãi, một di sản thiên nhiên, một bộ phận hữu cơ của hệ sinh thái Sa Huỳnh, mang lại những điều kiện cần thiết cho cuộc sống của cư dân bản địa, góp phần hình thành và phát triển nền VHSH cổ...
 
Các điểm di tích trên tạo nên một không gian sinh tồn, sinh thái nhân văn của cư dân cổ Sa Huỳnh, tiếp nối là cư dân Chămpa và sau này là Đại Việt đã để lại rất nhiều di vật trên mặt đất và trong lòng đất. Đây là một không gian lịch sử, sinh thái, văn hóa quý hiếm, rất có giá trị cần được bảo vệ.
 
Chung tay bảo tồn và phát huy
 
Hiện nay, Bộ VH-TT&DL đã đầu tư dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị VHSH tại khu vực xóm Cát, tổ dân phố Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh. Dự án gồm bảo tồn tại chỗ di tích và xây dựng nhà trưng bày. Đến nay, dự án đã tôn tạo Di tích Long Thạnh (gò Ma Vương), phục hồi 2 hố khai quật năm 1978. Cả 2 hố trưng bày ngoài trời đều có mái che và lối đi lại tham quan cho du khách. Đồng thời, xây dựng bia di tích cho các di tích VHSH, trong đó có di tích Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức nhằm giới thiệu cho du khách biết đến di tích.
 
Để phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt VHSH, cùng với sự hỗ trợ của trung ương, tỉnh Quảng Ngãi sẽ sớm triển khai công tác quy hoạch; tiếp tục công tác khảo cổ, triển khai công tác trùng tu, bảo tồn và trưng bày, chỉnh lý các hiện vật quý báu cùng các tài liệu về VHSH. Cùng với ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ cho tham quan, du lịch, tỉnh hỗ trợ khôi phục các hoạt động văn hóa, lễ hội, ẩm thực của cư dân Sa Huỳnh, tạo điểm du lịch mới, khác biệt với các khu, điểm du lịch khác so với các tỉnh trong khu vực miền Trung. Phát huy du lịch nghỉ dưỡng gắn với du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch xanh với cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ của không gian VHSH bao gồm dải cát vàng, rừng phi lao, biển xanh với các mỏm núi đá tuyệt đẹp và đầm An Khê sẽ tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
 
Hiện nay, tuyến đường nối Quốc lộ 1 đến Khu di tích VHSH đã được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để du khách đến tham quan bảo tàng và đồi cát ven biển. Đồng thời, tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh sẽ kết nối di tích với các điểm tham quan khác, từ đó sẽ tăng thêm lượng du khách đến với di tích. Trong tương lai, cần thiết phải có những cuộc khai quật khảo cổ theo phương pháp mới tại Di tích Quốc gia đặc biệt VHSH, nhằm bảo tồn tại chỗ các khu mộ táng, cư trú của cư dân VHSH; bảo tồn nguyên vẹn con đường cổ đi lại của cư dân VHSH; khai quật các đền tháp Chămpa; bảo tồn phục dựng cầu đá, mương dẫn nước cổ, hệ thống giếng cổ. Bên cạnh đó, thành lập Trung tâm Bảo tồn di sản VHSH tại khu di tích, để quản lý, nghiên cứu, phát huy giá trị VHSH. Ngoài ra, nâng cấp xây dựng Nhà trưng bày VHSH, đáp ứng trưng bày đầy đủ tài liệu, hiện vật. Tương lai tại khu di tích sẽ có Bảo tàng VHSH mang tầm quốc gia và quốc tế. Cùng với đó là, tổ chức các hoạt động du thuyền, lễ hội, hoạt động thể thao trên đầm An Khê; tái hiện cảnh sinh hoạt cổ xưa của cư dân Sa Huỳnh, Chămpa; tổ chức các hoạt động lễ hội bả trạo, sắc bùa, bài chòi xung quanh không gian Nhà trưng bày VHSH. Di tích Quốc gia đặc biệt VHSH, cùng với Bảo tàng VHSH sẽ là điểm kết nối quan trọng của “Con đường di sản VHSH” ở miền Trung Việt Nam.
 
Du khách tham quan Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: Kim Ngân
Du khách tham quan Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: Kim Ngân
Cùng với nhiệm vụ phát triển huyện Lý Sơn thành Trung tâm Du lịch biển đảo Quốc gia theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, tương lai sẽ kết nối với tuyến du lịch Sa Huỳnh theo loại hình mới mẻ của du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm và từng bước phát triển du lịch Quảng Ngãi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy. Tỉnh cũng sẽ có kế hoạch, lộ trình để xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh VHSH là Di sản Văn hóa thế giới.
 
Những nhiệm vụ trên đòi hỏi có sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, mà đặc biệt là sự tham gia của người dân tại các điểm có di tích, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực để Di tích Quốc gia đặc biệt VHSH trường tồn và phát huy giá trị./.
 
 

.