Bộ Văn hóa công bố xếp hạng thêm 6 di tích quốc gia

02:03, 26/03/2023
.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với 6 di tích ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Giang, Đắk Nông, Lạng Sơn, Sơn La, Thái Bình.
 
 
Mái đá bản Mòn. (Ảnh: Bảo tàng Sơn La)
Mái đá bản Mòn. (Ảnh: Bảo tàng Sơn La)
6 di tích bao gồm Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành xe-máy quân đội (xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng), địa điểm Làng chiến đấu Long Trì (thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), Di tích khảo cổ hang C6-1 (xã Đắk Soorr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), di tích khảo cổ hang Phja Thạng (xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn), di tích khảo cổ Mái đá bản Mòn (xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), và di tích lịch sử Miếu Giàng (xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).
 
Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành xe-máy quân đội (xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) là nơi ghi dấu ấn ngày 28/3/1951, tại xóm Nà Roác, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với đơn vị Bộ đội vận tải đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ ngành xe - máy phải biết “… Yêu xe như con, quý xăng như máu…”.
 
Di tích lịch sử Làng chiến đấu Long Trì là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với làng chiến đấu của nhân dân thôn Long Trì trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những năm 1950-1953. Đây là làng chiến đấu kiểu mẫu trong kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bắc Giang với hệ thống 15 địa điểm gồm: Cổng làng phía đông; cổng làng phía tây; chòi gác; cửa hầm địa đạo đầu làng (cửa phía đông); cửa hầm địa đạo giữa làng; cửa hầm địa đạo cuối làng; ụ chiến đấu số 1; ụ chiến đấu số 2; ụ chiến đấu số 3; ụ chiến đấu cuối làng; hầm bí mật của chi bộ cơ sở Đảng xã Tân Dân; khu căn cứ chùa Long Trì; địa điểm Trại Rừng; địa điểm Trại Rừng Vầu; giếng nước hợp vệ sinh và gia đình ông Hà Đình Cộng nơi Bác Hồ về thăm năm 1961.
 
Hang C6-1, xã Nam Đà, thuộc huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, là một trong số ít hang động núi lửa được xác định có dấu tích hoạt động của người thời tiền sử ở Tây Nguyên. Hang được đào thám sát năm 2017 và khai quật 2 lần năm 2018, 2019.
 
Kết quả các lần khai quật đã phát hiện được 14 di tích bếp lửa, 7 mộ táng có di cốt người được chôn theo tư thế nằm nghiêng co hoặc ngồi bó gối. Về di vật, thu được 76.425 mảnh xương động vật và hàng chục vạn vỏ các loài nhuyễn thể; hàng nghìn mảnh phế liệu, đá nguyên liệu và 179 công cụ đá, nổi bật là nhóm công cụ kiểu văn hóa Hòa Bình như rìu hình bầu dục, rìu ngắn, hình đĩa, công cụ hình bàn là; ngoài ra còn có 1.276 mảnh gốm và 1 mũi tên đồng.
 
Hang C6-1 được đánh giá là gồm 2 giai đoạn văn hóa: giai đoạn sớm tồn tại từ 7.000 đến 5.500 năm BP; giai đoạn muộn có niên đại cách nay từ 4.000 đến 5.500 năm.
 
Hang Phja Thạng (hang Ba Xã) nằm lưng chừng núi Phja Thạng, thuộc thôn Phai Rọ - Lùng Mán, thuộc địa bàn xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan được các nhà khoa học đánh giá là di tích quan trọng, lưu giữ nhiều di vật khảo cổ học quý hiếm, thuộc nền văn hóa Mai Pha (nền văn hóa mang đậm giá trị văn hóa - nghệ thuật đặc sắc có niên đại khoảng 4.000 năm). Di chỉ lần đầu tiên được phát hiện và khảo sát bởi bà M.Colani (nhà khảo cổ học người Pháp) vào năm 1922.
 
Mái đá bản Mòn ở xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, cách thành phố Sơn La khoảng 30km về phía tây bắc, được nữ học giả người Pháp - bà M.Colani phát hiện và khai quật vào tháng 5-1927, Bảo tàng tỉnh Sơn La phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật một số điểm vào tháng 10/2004.
 
Mái đá bản Mòn là di chỉ khảo cổ học được phát hiện sớm nhất của khu vực Tây Bắc. Qua khảo sát và thu thập hiện vật thì đây là một địa điểm đã có cư dân cổ cư trú cách ngày nay khoảng 3.000 năm. Không những thế, đây còn là một công xưởng chế tác công cụ lao động và đồ trang sức.
 
Theo LINH KHÁNH/Nhandan.vn
 
 

.