Đưa du lịch về làng

12:01, 16/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những ngôi làng xinh đẹp ven sông, gần biển ngày càng thu hút du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm. Đó là nhờ tâm huyết của những người trẻ mang du lịch về làng, khát khao định vị du lịch cộng đồng trên bản đồ du lịch.
[links()]
 
Chàng trai "google" của làng
 
Ngày cuối năm, có đoàn du khách ở tỉnh Cà Mau đến tham quan và học tập kinh nghiệm của Làng du lịch cộng đồng Bình Thành, ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành). Công việc tất bật nhưng anh Hà Thành Quang (37 tuổi) vẫn sắp xếp cùng các thành viên trong Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành đón tiếp du khách chu đáo. Anh làm tất cả mọi việc, dọn dẹp khuôn viên nhà văn hóa thôn, cắt tỉa, chăm sóc vườn hoa, cùng vợ làm các món bánh truyền thống giới thiệu đến du khách…
 
Du khách tham quan Chương trình Đêm ẩm thực đồng quê ở Làng du lịch cộng đồng Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành). Ảnh: PV
Du khách tham quan Chương trình Đêm ẩm thực đồng quê ở Làng du lịch cộng đồng Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành). Ảnh: PV
Đoàn vừa đến, anh "thoát vai" trở thành hướng dẫn viên thực thụ. Với vốn kiến thức đa dạng, giọng nói ấm áp, du khách bị cuốn hút khi nghe anh Quang giới thiệu về những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Anh Quang lúc nào cũng vậy, đam mê với công việc và khát khao tạo được dấu ấn cho du lịch quê nhà. Làng du lịch cộng đồng Bình Thành được nhiều người biết đến là kết quả của sự nỗ lực lớn từ sở, ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng người dân nơi đây. Thế nhưng, không thể không nhắc đến ý tưởng ban đầu xuất phát từ chính anh Quang, một người được dân làng ví von là "google" của làng, hay “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Còn nhớ, vào năm 2017, là chuyên viên Phòng VH-TT huyện Nghĩa Hành nên anh Quang được đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh phía nam và Tây Nguyên. Trở về quê nhà, nhận thấy tiềm năng du lịch của địa phương không thua kém các nơi, vậy nên anh tham mưu, đề xuất Sở VH-TT&DL và UBND huyện chọn thôn Bình Thành để triển khai mô hình du lịch cộng đồng.
 
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng (thứ nhất bên trái) trao đổi với anh Đoàn Phú Việt Nam và người dân địa phương về mô hình du lịch cộng đồng.    Ảnh: Gia Nghi
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng (thứ nhất bên trái) trao đổi với anh Đoàn Phú Việt Nam và người dân địa phương về mô hình du lịch cộng đồng. Ảnh: Gia Nghi
Để gần 200 người dân ở Bình Thành hiểu về mô hình du lịch cộng đồng, liên kết được giữa các hộ dân là bài toán khó. Anh Quang tìm đến những người trẻ, chia sẻ ý tưởng và cùng nhau vận động người thân, dòng họ không bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch. Những cuộc họp thôn diễn ra vào những buổi tối, rồi sau đó anh không ngại khó đến từng hộ gia đình để phân tích, thuyết phục. Dần dà, người dân thấy được phần nào lợi ích của du lịch cộng đồng và tích cực tham gia.
 
Năm 2022, HTX Nông nghiệp Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành được thành lập với 15 thành viên. Anh Đoàn Phú Việt Nam (33 tuổi), một kỹ sư xây dựng sinh ra và lớn lên ở xã Hành Nhân, dù công việc bận rộn nhưng vẫn nhận lời làm Giám đốc HTX, đóng góp sức trẻ cho quê hương. Anh Nam chia sẻ, HTX thành lập đến nay khoảng 6 tháng. Trong khoảng thời gian này, Làng du lịch cộng đồng Bình Thành đã thu hút hơn 3.000 du khách.

 

Lãnh đạo HTX Nông nghiệp Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) kiểm tra cây ăn quả. Ảnh: THIÊN HẬU
Lãnh đạo HTX Nông nghiệp Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) kiểm tra cây ăn quả. Ảnh: THIÊN HẬU
Nàng Kiều ở Gò Cỏ
 
Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ nằm gọn trong một thung lũng ở ven biển Sa Huỳnh, thuộc phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). Sau 5 năm, làng quê heo hút ngày nào nay đã trở thành điểm du lịch hút khách bậc nhất Quảng Ngãi, là làng du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Bên cạnh sự hỗ trợ từ doanh nghiệp đang công tác, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều (30 tuổi) đã có những đóng góp rất lớn để làng du lịch đạt được kết quả như hôm nay. “Ngôi làng ngày càng phát triển dựa trên tài nguyên di sản vốn có. Thường ngày đi làm biển, có khách thì làm du lịch. Họ không bị chuyển đổi sinh kế. Nhiều người vẫn chèo ghe ra biển mưu sinh, nhưng nay có thêm công việc mới là đưa, đón khách đi tham quan. Một giờ có thể kiếm được 100 nghìn đồng/người, nên nhiều người thay vì xây nhà lầu, họ bỏ kinh phí để làm nhà tranh, vách đất, kiếm tiền từ homestay”, chị Kiều chia sẻ.
 
Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều (giữa) hướng dẫn người dân về cách trang trí món bánh ít mời khách.                                Ảnh: THIÊN HẬU
Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều (giữa) hướng dẫn người dân về cách trang trí món bánh ít mời khách. Ảnh: THIÊN HẬU
Chị Kiều quê ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa). Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh), chị trở về Quảng Ngãi làm việc, mong ước kiến tạo nên nhiều sản phẩm du lịch độc đáo cho quê hương. Năm 2017, chị may mắn được doanh nghiệp nơi mình làm việc tin tưởng, “biệt phái” vào Gò Cỏ để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng chính tình yêu và trách nhiệm với công việc, với dân làng và di sản văn hóa ở đây đã cuốn hút và thôi thúc chị gõ cửa từng nhà, mời người dân cùng làm du lịch. “Để không thấy khó khăn, tôi chọn cách yêu lấy vùng đất này và tôi đã thành công”, chị Kiều nói. 
 
Theo chị Kiều, mặc dù Gò Cỏ có địa hình núi đá, khí hậu khắc nghiệt vào mùa khô nhưng đây là một ngôi làng cổ Chămpa, nằm trong vùng lõi của không gian văn hóa Sa Huỳnh, sát biển và còn hoang sơ... đó chính là tài nguyên vô giá, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Sau những thành công bước đầu, dự định trong thời gian đến của chị Kiều là xây dựng những thế hệ kế thừa và phát triển Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ trở thành mô hình thí điểm của quốc gia. Đích đến cuối cùng của chị là hình thành nên ngôi làng hạnh phúc. Bởi theo chị, chỉ khi tìm thấy hạnh phúc thực sự thì mọi giá trị đạt được mới bền vững và lợi ích mới đảm bảo dài lâu.
 
Cầu nối phát triển du lịch cộng đồng 
 
Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng, trong định hướng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng thì yếu tố con người, đặc biệt là những người trẻ giữ vai trò rất quan trọng. Bởi vì, người trẻ dễ tiếp cận với cái mới, đủ khả năng và sức khỏe để điều phối mọi công việc. Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, làm nên những ngôi làng hạnh phúc đang là hướng đi được nhiều địa phương lựa chọn.
 
THIÊN HẬU
 
 

.