Lật trang đầu tiên, người đọc không khỏi bùi ngùi xúc động về những kỷ niệm của một thời mà tác giả trải qua, thời mà tác giả sống với gia đình ở làng quê. Thời ấy được tác giả miêu tả rất chân thực: “Nhà xóm Thịnh nhìn qua bãi Lác/ Con sông dài chạy dọc chạy ngang/ Biển xanh in dấu cuối làng/ Sóng êm thuyền lại căng buồm ra khơi” (Một thời). Làng quê Nghĩa Hòa ngày xưa qua cái nhìn của Trịnh Minh Đức thật đông vui, náo nhiệt, là nơi buôn bán sầm uất, tàu thuyền tấp nập:
“Tàu vừa đổ hàng về dồn dập/ Nhiều khách hàng tấp nập vào ra/ Tiếng cười tiếng nói mẹ cha/ Mắm, đường để chật sân nhà ngoài kho” (Một thời). Và tuổi thơ của tác giả ngày ấy vô tư hồn nhiên: “Tuổi lên chín không lo vất vả/ Cảnh trong nhà yên ả thương yêu/ Chiều chiều qua bãi thả diều/ Thương lời mẹ dặn nhớ nhiều lời cha”
(Một thời).
Thế rồi đất nước bị ngoại bang xâm lược, tuổi thơ anh lại rơi vào cảnh gian nan. Ai đã trải qua những năm tháng đó mới hiểu được những nỗi vất vả và những nỗ lực mà anh đã vượt qua:
“Vùi gian khó quyết tâm học chữ/ Không ganh đua trách cứ thở than/ Chiến tranh sống cảnh gian nan/ Vắng cha thiếu mẹ lại càng thấm đau...”
(Quyết tâm học chữ). Tuổi ấu thơ của Trịnh Minh Đức “Vắng cha thiếu mẹ”, nên anh phải một mình tự bươn chải. Bởi “Cha đi kháng chiến bao ngày nhớ mong”
(Nhớ đêm cha đi). Cha của anh đi kháng chiến, mẹ ở nhà bị địch bắt: “Đón giao thừa một mình con tủi phận/ Nhớ mẹ thân gầy lận đận phương xa/ Đốt nén hương con cầu nguyện ông bà/ Phù hộ cho mẹ đến ngày về sum họp” (Tết này mẹ không về). Nhưng rồi mẹ anh cũng không trở về:
“Chiều đi làm về mưa buồn trước ngõ/ Không còn mẹ ngồi trước cửa nhìn ra/ Nhớ mẹ! lòng con quặn thắt lệ sa/ Tìm mẹ! Mẹ đã đi xa vĩnh viễn...”
(Nhớ mẹ). Cha vắng, mẹ xa, đó là điều mất mát lớn nhất của đời người không thể lấy gì bù đắp được luôn đắm sâu trong hoài niệm của Trịnh Minh Đức. Nhưng thơ anh không quá bi lụy. Thơ anh vẫn có những niềm vui, niềm hạnh phúc khi gặp lại cha sau bao nhiêu năm xa cách:
“Cha đã ôm tôi và cứ ôm tôi mãi/ Nỗi mong chờ bao năm tháng thiết tha/ Nước mắt ngày xưa của những ngày ly biệt/ Nước mắt bây giờ được gặp lại cha tôi..."
(Gặp lại cha tôi).
Nhà thơ Trịnh Minh Đức hiện là Phó Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật tỉnh Quảng Ngãi, quê ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Nhà thơ hiện sinh sống ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa). |
Đọc “Một thời kỷ niệm” của Trịnh Minh Đức, ta nhận thấy bên cạnh những kỷ niệm về quê hương, gia đình, còn có kỷ niệm về tình yêu lứa đôi. Tình yêu lứa đôi trong thơ anh buồn và ẩn chứa một khát khao cháy bỏng:
“Tôi yêu em với tình yêu tha thiết/ Và tưởng rồi chúng mình sẽ thành đôi/ Nhưng khác xa với ước mộng của tôi/ Ước mộng ấy tan dần theo mây khói”
(Dang dở). Anh yêu em tha thiết, nhưng rồi tình yêu của anh và em tan dần theo mây khói. Điều đó khiến anh mãi đi tìm. Nhiều đêm anh thao thức:
“Vẫn mãi tìm em cả trong giấc ngủ/ Mơ thấy em vị ngọt của cuộc đời”
(Anh tìm em). Đọc thơ Trịnh Minh Đức, ta thấy anh là một người tình chung thủy. Đã hẹn là đến không ngại đường cách trở:
“Ngồi chờ em nghe từng cơn gió lộng/ Hạt sương rơi thấm lạnh cả hồn anh/ Tiếng dế kêu thao thức đến tàn canh/ Niềm hy vọng mong manh em đến muộn/ Ánh trăng khuya đừng vô tình rụng xuống/ Bến sông tình đang đợi một người thương/ Sóng biển lòng xô xát cứ vấn vương/ Vì đã hẹn không ngại đường cách trở”
(Bến sông tình anh đợi). Và khi tình yêu tan vỡ anh chỉ trách cứ nhẹ nhàng:
“Đâu còn ánh mắt ngày xưa ấy/ Nũng nịu bên anh rất mặn mà”
(Sao nỡ xa nhau).
Tập thơ “Một thời kỷ niệm” của Trịnh Minh Đức với bút pháp truyền thống, lời thơ giản dị, nhưng chứa đựng biết bao tình cảm thân thương khiến trái tim người đọc rung động.
PHẠM VĂN HOANH