Phát huy các giá trị di sản văn hóa

10:11, 24/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Di sản văn hóa (DSVH) bao gồm di sản vật thể và di sản phi vật thể. Đây là tài sản vô cùng quý giá của cộng đồng các dân tộc trong chặng đường hàng nghìn năm lịch sử. Quảng Ngãi là một trong những vùng đất có nhiều DSVH. Trong những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã quan tâm bảo tồn, phát huy DSVH.
 
[links()]
 
Độc đáo Văn hóa Sa Huỳnh
 
Quảng Ngãi được xem là cái nôi của Văn hóa Sa Huỳnh (VHSH), với 26 di tích đã khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu. Sa Huỳnh gần như là nơi duy nhất còn giữ lại được không gian sinh tồn của người cổ Sa Huỳnh với môi trường, sinh thái, địa lý, địa chất, địa mạo... Không gian VHSH và các thành tố liên quan như một "bảo tàng sống" phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, đầm An Khê cũng được kỳ vọng trong tương lai có thể xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới.
 
Du khách tìm hiểu Bảo vật Quốc gia tượng Tu sĩ Chăm Phú Hưng (thế kỷ IX - X) tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Du khách tìm hiểu Bảo vật Quốc gia tượng Tu sĩ Chăm Phú Hưng (thế kỷ IX - X) tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Việc hoàn thành hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích VHSH là di tích quốc gia đặc biệt là cơ hội để “đánh thức” những giá trị tiềm năng của VHSH và từng bước đưa Sa Huỳnh trở thành một trong những nơi thu hút và điểm dừng chân hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Từ đó có thể xây dựng Khu di tích VHSH trở thành trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản VHSH đại diện cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
 
Cùng với Di tích VHSH, để bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH, thời gian qua, Sở VH-TT&DL đã triển khai thực hiện 4 dự án trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh từ nguồn ngân sách địa phương và 2 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoàn thành giai đoạn 1 chỉnh lý kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực xây dựng công trình hồ chứa nước Nước Trong. Thăm dò khảo cổ tại địa điểm nội thành Thành cổ Châu Sa, ở xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi)...
 
Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL đã tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề “Di sản từ những con tàu cổ”, “Tinh hoa di sản từ những con tàu cổ” và trưng bày các bảo vật quốc gia cũng như yếu tố độc bản như tượng Tu sĩ Chăm Phú Hưng (thế kỷ IX - X), bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh, bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 và Lâm Thượng (thế kỷ X - XII).
 
Bảo tồn và phát huy
 
Cùng với VHSH, Quảng Ngãi có những DSVH giá trị và độc đáo mà không phải địa phương nào cũng có được, đó là các nền văn hóa lâu đời như Chămpa và Đại Việt. Tại các huyện miền núi, đồng bào Cor, Ca Dong, Hrê còn lưu giữ các lễ hội đậm nét văn hóa của dân tộc mình như Lễ hội Điện Trường Bà, Lễ Ngã rạ, mừng lúa mới, múa chiêng, hát Kalêu, Kachoi, Xà ru, A giới...
 
Toàn tỉnh hiện có 1 di tích văn hóa lịch sử quốc gia đặc biệt, 32 di tích quốc gia, 153 di tích cấp tỉnh; 3 bảo vật quốc gia và 7 DSVH phi vật thể quốc gia. Quảng Ngãi có nhiều loại hình lễ hội cổ truyền, tiêu biểu như Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa; lễ tế đình, lễ tế cá Ông và hát bả trạo, lễ cầu ngư, hát sắc bùa...
 
Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng, trong thời gian tới, ngành văn hóa thực hiện việc bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tập trung nguồn lực trùng tu, sửa chữa các di tích đã xuống cấp nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Cuối tháng 11 này, Sở VH-TT&DL tổ chức Hội thi Liên hoan cồng chiêng và Hội thao các dân tộc thiểu số tỉnh năm 2022, tạo điều kiện cho đồng bào thiểu số trong tỉnh giao lưu, trình diễn các nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, góp phần bảo tồn và phát huy DSVH miền núi.
 
Bài, ảnh: KIM NGÂN
 
 

.