(Báo Quảng Ngãi)- Qua nhiều lần thăm dò, khai quật khảo cổ, đến nay thành cổ Châu Sa, ở xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi) vẫn còn nhiều điều bí ẩn nằm sâu trong lòng đất. Điều này thôi thúc ngành văn hóa, các nhà khảo cổ học tiếp tục thăm dò, khai quật để vén màn bí ẩn từ thành cổ cách đây hàng nghìn năm.
[links()]
Bộ VH-TT&DL đã cho phép Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi tiến hành thăm dò khảo cổ tại khu vực nội thành di tích thành Châu Sa. Thời gian thăm dò từ ngày 12/9 - 12/10/2022, do Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, chủ trì thực hiện.
Giải mã bí ẩn từ lòng đất
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho biết, việc thăm dò khảo cổ lần này là cơ sở để thực hiện đợt khai quật tiếp theo. Đợt này sẽ tiến hành thăm dò 3 hố ở nội thành thuộc xã Tịnh Châu, mỗi hố rộng 5m2. Qua thăm dò sẽ tiếp tục đánh giá về di sản kiến trúc thành Châu Sa, giá trị của những di tích hiện còn nằm trong lòng đất, những di vật liên quan, từ đó nhận định rõ hơn vai trò của thành Châu Sa trong lịch sử Chămpa, Đại Việt; xác định tầm quan trọng của thành Châu Sa trong không gian giao thương với bên ngoài thông qua hệ thống đường sông và cửa biển... Ngoài ra, qua thăm dò khảo cổ sẽ xác định được những giá trị khác của thành Châu Sa, từ đó xây dựng phương án để tôn tạo, phát huy giá trị di tích, gắn với phát triển du lịch.
|
Di tích Thành cổ Châu Sa, ở xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Đăng Sương |
Gần đây nhất là năm 2006, các nhà khảo cổ đã tiến hành thăm dò tại thành cổ Châu Sa và đã phát hiện dấu tích lò nung gốm, sản xuất vật liệu kiến trúc của các đền tháp, đồ gốm... Đồng thời, phát hiện chân bờ thành Châu Sa, những vết tích kiến trúc, các cửa thành và đồ gốm liên quan trong thành. Năm 1924, nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier, công bố thành Châu Sa chỉ có thành nội và một cạnh càng cua. Đến năm 1988, Viện Khảo cổ học tiến hành khảo sát và phát hiện thêm một cạnh càng cua nữa của thành nội thành Châu Sa, như vậy những phát hiện cho thấy đã hoàn chỉnh thành nội.
“Qua sử liệu cũng như phát hiện trong những lần thăm dò, khai quật khảo cổ cho thấy, thành Châu Sa có giá trị, vai trò quan trọng cả trong giai đoạn Chămpa và Đại Việt. Những vấn đề đó cần tiếp tục thăm dò, khai quật khảo cổ để làm rõ những hiện vật còn chìm trong lòng đất, để hiểu rõ hơn về các giai đoạn lịch sử ở Quảng Ngãi, cũng như những giá trị văn hóa đích thực của thành Châu Sa. Từ đó, có phương án bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, thu hút khách tham quan, tạo sinh kế cho người dân và để cộng đồng chung tay bảo vệ di sản”.
Tiến sĩ khảo cổ học
ĐOÀN NGỌC KHÔI
|
Trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia đối với thành Châu Sa vào năm 1994, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi đã khảo sát tổng thể và phát hiện thành ngoại của thành Châu Sa. Như vậy, thành Châu Sa có hai vòng thành, gồm thành nội (vị trí trung tâm), thành ngoại (vòng thành bao quanh bên ngoài để bảo vệ vòng thành trung tâm).
Diện tích thành Châu Sa thuộc địa phận các xã Tịnh An, Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Tịnh Khê, một phần của xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi). Lúc đó, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi đã phát hiện thêm một hệ thống đường sông nối ra cửa biển. Điều này cho thấy vai trò của thành Châu Sa trong việc kết nối với tuyến hải thương trên biển, đóng vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế của khu vực.
Năm 1998, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi đã tiến hành đào thăm dò tại tháp Gò Phố ở nội thành Châu Sa. Năm 2000, Viện Khảo cổ học khai quật lò gốm của người Việt, ở xã Tịnh Thiện... Như vậy, qua nhiều lần thăm dò, khai quật khảo cổ, các nhà khảo cổ học lần lượt phát lộ, giải mã nhiều bí ẩn từ trong lòng đất ở thành cổ Châu Sa.
Thành cổ hiếm có
Ở khu vực miền Trung từ Quảng Bình trở vào đến Bình Thuận, có rất nhiều di tích thành của người Chămpa, nhưng di tích kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn là thành Châu Sa. Thành Châu Sa được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII - IX.
|
Bờ tường thành cổ Châu Sa, ở xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi) vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: ĐĂNG SƯƠNG |
Thành Châu Sa là tòa thành được đắp bằng đất sét pha sỏi đá ong nên màu đất ửng đỏ. Thành nội gần như hình vuông, có một cạnh 580m, một cạnh 560m, có 4 cạnh thành và có 4 cửa (cửa nam, cửa bắc, cửa tây và cửa đông). Chiều cao của bờ thành khoảng 4,5 - 5m. Ngoài bờ thành có đường taluy dài khoảng 20m, hết bờ taluy là đến hào thành bao quanh thành nội, hào thành khoảng 40m. Hào thành là hào nước rất sâu, nối ra dòng sông Trà Khúc phía nam và ra sông Hàm Giang phía bắc để xuống cửa Sa Kỳ. Quy mô của thành nội tương đối lớn và hiện còn nguyên 4 bờ thành và các cửa thành.
Vòng thành ngoại nằm bao quanh thành nội, nhưng chỉ có 3 cạnh (phía tây, phía bắc và phía đông). Cạnh phía nam lấy dòng sông Trà Khúc làm dòng chảy tự nhiên để bảo vệ. Điều đặc biệt là thành Châu Sa đi bằng đường nước, đi ra hào thành, ra các sông, ra biển. Chính vì vậy, theo các nhà nghiên cứu, xưa kia khu vực thành Châu Sa rất năng động trong giao thương. Thành Châu Sa nằm phía gần biển, do vậy tập trung hàng hóa từ biển vào, hàng hóa từ vùng đồng bằng và vùng núi cao chuyển xuống. Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, ở đây cần nhận thức rõ thành Châu Sa và Cổ Lũy liên hoàn nhau, ở phía nam và phía bắc sông Trà Khúc, trở thành di tích kiến trúc rất quy mô của Chămpa, kéo dài từ thế kỷ thứ III sau Công Nguyên mãi đến thế kỷ thứ XV.
Ở Quảng Ngãi, Cổ Lũy, Châu Sa là nơi đầu tiên hình thành một tiểu quốc của người Chăm, nguồn lực kinh tế rất giàu có. Vai trò của thành Châu Sa với Cổ Lũy vừa là thủ phủ, trung tâm chính trị của một tiểu quốc Chămpa, là nơi phát triển về mặt kinh tế, trung tâm tôn giáo... Qua đợt thăm dò năm 1998 đã tìm thấy nơi sản xuất các tiểu phẩm Phật giáo ở trên núi Chồi, xã Tịnh Châu.
|
Tiểu phẩm Phật giáo bằng đất nung được phát hiện tại núi Chồi, xã Tịnh Châu. Ảnh: NK |
Các tiểu phẩm Phật giáo tìm thấy rải rác ở miền Trung Việt Nam và tìm thấy ở vùng đông bắc Thái Lan... nhưng điều đặc biệt là chỉ có hai nơi sản xuất ra tiểu phẩm Phật giáo, đó là ở vùng đông bắc Thái Lan và ở Châu Sa. Như vậy, rõ ràng Châu Sa gắn liền với một trung tâm Phật giáo sớm. Niên đại của các tiểu phẩm Phật giáo ở Thái Lan được xác định ở thế kỷ thứ V sau Công Nguyên. Do vậy, có thể nhận định lò sản xuất tiểu phẩm Phật giáo tại Châu Sa có niên đại khoảng thế kỷ thứ V - VI sau Công Nguyên. Điều này cho thấy thành Châu Sa rất quan trọng trong vấn đề tiếp thu văn hóa Phật giáo... Rõ ràng, thành Châu Sa còn có nhiều vấn đề để các nhà nghiên cứu tìm hiểu, làm rõ.
PHƯƠNG LÝ - ĐĂNG SƯƠNG