(Báo Quảng Ngãi)- Lễ thức đầu tiên trong vòng đời của con người chính là những kiêng cữ lúc người mẹ mang thai. Những tục lệ đó luôn gắn với vận mệnh của con người từ lúc phôi thai và nay vẫn còn được gìn giữ ở nhiều ngôi làng của đồng bào dân tộc Ca Dong ở miền Tây Quảng Ngãi.
[links()]
Những tục lệ quý trọng con người
Khi biết trong bụng mình đã có sinh linh bé nhỏ, những cô gái Ca Dong bắt đầu ý thức chuyện làm mẹ. Từ đó, cô gái phải tự tìm hiểu mọi điều liên quan đến việc nuôi dưỡng thai nhi và chăm sóc con mình ngay từ lúc lọt lòng. Người lớn tuổi và cộng đồng cũng sẽ trao truyền cho cô những kinh nghiệm mà họ từng được trao truyền trước đó. Cũng từ đây, phụ nữ mang thai không giã gạo, không đội nước trên đầu, không đi quá xa, không ăn cóc, ếch, thịt chó, lá môn, vì sợ con sinh ra sẽ sần sùi và đầy ghẻ chốc...
Phụ nữ Ca Dong đang chăm con. Ảnh: Đăng Vũ |
Người Ca Dong quan niệm rằng, không quý trọng con người thì cũng không quý trọng bất cứ thứ gì trên đời. Khi một người sắp sinh ra một Con Người - theo cách viết hoa của từ này, thì mọi người phải biết quý trọng con người đó, cũng như phải biết quý trọng đứa trẻ sắp sinh ra. Thai nhi quyết định đến vận mệnh thành, bại của tộc họ, lẫn người mẹ. Nếu con người đối xử không tốt với sinh linh bé bỏng ấy, thì lỡ lúc sinh ra không may nó không ở được với con người, nó sẽ trở thành con ma chọc phá xóm làng, gây tai ương cho dòng họ. Vì thế, người trong làng phải dè chừng khi lỡ đụng vào bụng người phụ nữ lúc mang thai. Nếu có một người nào lỡ đụng phải bụng người phụ nữ mang thai thì người chồng, hoặc bố chồng của người phụ nữ đó buộc gia đình người kia phải làm lễ tạ lỗi bằng một con gà, hoặc chí ít một trứng gà (gọi là lễ woá kha lích).
Vận mệnh con người và thế giới tự nhiên
Để chăm sóc thai nhi, khi nghe tiếng thai nhi “cục cựa” trong bụng, người chồng hay người mẹ sẽ mời bà mụ đến rửa bụng cho người phụ nữ mang thai. Một chiếc vòng đồng sẽ được bỏ vào tô nước ấm. Bà mụ sẽ lấy nước đó xoa vào bụng người mang thai đứa trẻ. Một nắm gạo amau ha rố sẽ được nấu cháo chung với lòng đỏ trứng gà. Khi đã chín, bà mụ cũng sẽ lấy cháo đó xoa lên bụng người phụ nữ mang thai.
Không phải, chỉ một lần nhờ bà mụ làm việc đó. Trong suốt thời gian mang thai, khi người mẹ mang thai cảm thấy trong người mỏi mệt, ngay lập tức người chồng lấy giống lúa quý trong gùi ra giã gạo, rồi đem nấu cháo. Bát cháo nóng cũng sẽ được dùng xoa lên bụng người mẹ nhiều lần cho đến khi cơn mỏi mệt đi qua. Nếu cơn mỏi mệt vẫn còn tiếp diễn trong bụng người mẹ mang thai, thì người chồng phải bắt một con gà chừng hai tháng tuổi cúng cho Thần Mỏi Mệt (người Ca Dong gọi là tajeo hay ranênh Hít Yang/ Yiêng). Nếu đang là mùa lúa trổ đòng thì lễ cúng ấy phải hiến dâng cho Yang Amao, hay còn gọi là Yang Sơri (Thần Lúa). Nếu cúng mỏi mệt cho người phụ nữ đang mang thai mà không đúng dịp lúa trổ đòng, thì phải cúng cho "Thần Cây Lớn", "Thần Lá Lớn", tức Thần Cây Si, Thần Cây Đa (người Ca Dong gọi là Hít Yang gung va ri Yang Loang Kăng, Yang Hmô Kăng).
Ở đây, vận mệnh của con người được xem là đồng nhất với vận mệnh của núi rừng và cây lúa, hay nói khác hơn, con người với tự nhiên chỉ là một. Vì vậy, có thể xem đó chính là dấu hiệu đầu tiên ràng buộc con người với thế giới tự nhiên.
Ngày nay, người mẹ Ca Dong đã biết đến bệnh viện, trạm xá, để được chăm sóc thai nhi, nhưng lệ tục xưa - những lệ tục gắn bó với vận mệnh của con người từ lúc phôi thai, dường như vẫn còn ở nhiều nơi trong các ngôi làng Ca Dong trên núi rừng miền Tây Quảng Ngãi. Bởi lẽ, người Ca Dong tự thấy rằng: Không thấy vận mệnh con người gắn bó với tự nhiên và ngược lại, không thấy tự nhiên gắn bó với con người, thì không thể biết yêu con người và yêu đất đai, sông núi.
NGUYỄN ĐĂNG VŨ