Thu nhập ổn định từ nghề may thổ cẩm

08:07, 11/07/2022
.
(Baoquangngai.vn) - Vài năm trở lại đây, một số hội viên phụ nữ ở huyện Ba Tơ đã có thêm nguồn thu nhập ổn định từ nghề may trang phục thổ cẩm. Qua từng đường kim, mũi chỉ tinh tế, mỗi bộ trang phục hoàn thiện đã góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống của người Hrê, thúc đẩy du lịch ở địa phương ngày càng phát triển. 
 
[links()]
 
Thu nhập ổn định
 
Ngày nay, không khó để người Hrê ở Ba Tơ tìm được một địa chỉ uy tín, đặt may trang phục truyền thống của dân tộc. Những tiệm may lâu đời bên trong chợ thị trấn Ba Tơ là một trong số đó. Âm thanh vui tai, quen thuộc từ chiếc máy khâu đều đặn vang lên mỗi ngày tại các ki ốt đã góp phần tạo nên một nét đẹp rất riêng cho ngôi chợ vùng cao và người dân biết rằng, ở đây vẫn còn nhiều người may đồ. 
 
Chị Nguyễn An Tư (44 tuổi), quê ở xã Đức Lân (Mộ Đức) là một trong những người gắn bó lâu đời nhất với nghề may trang phục ở chợ thị trấn Ba Tơ. Từ thuở còn niên thiếu, chị đã lên đây học nghề từ người quen và lập nghiệp từ đó cho đến nay. Hiện nay, đây vẫn là nghề chính, với nguồn thu nhập ổn định để vợ chồng chị phát triển kinh tế, chăm lo cho các con ăn học.
 
Chị An Tư cho hay, thời gian đầu chị lên Ba Tơ, thỉnh thoảng vẫn có nhiều người đến đặt may trang phục truyền thống của người Hrê. Sau đó một thời gian dài, trước nhịp sống mới hiện đại, không mấy ai mặn mà đến các giá trị truyền thống, nên chị chủ yếu may trang phục thường ngày, quần áo học sinh, công sở… Dù số lượng người đặt may khiêm tốn nhưng thỉnh thoảng chị vẫn may, truyền dạy cho một số người để cùng nhau nâng cao tay nghề.
 
Khoảng 3 năm trở lại đây, người dân ngày càng quan tâm hơn đến trang phục thổ cẩm truyền thống. Không chỉ trong lễ hội mà còn trong những dịp đặc biệt, gắn liền với công việc, đời sống hằng ngày. Thấy thế, chị càng dành nhiều thời gian để tìm hiểu; nghiên cứu mẫu mã, sản phẩm, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu, thị hiếu khách hàng ngày nay.
 
Chị An Tư là người có nhiều kinh nghiệm may trang phục thổ cẩm ở chợ thị trấn Ba Tơ.
Chị An Tư là người có nhiều kinh nghiệm may trang phục thổ cẩm truyền thống của người Hrê.
 
Lượng khách đến đặt may trang phục thổ cẩm mỗi ngày càng nhiều hơn, chủ yếu là giáo viên, học sinh ở các trường nội trú; người làm văn phòng, công sở ở Ba Tơ và một số huyện miền núi, nơi có nhiều người Hrê sinh sống như Minh Long, Sơn Hà. 
 
Ngoài bộ trang phục truyền thống dành cho nam, nữ người Hrê, chị An Tư còn nhận may các sản phẩm cách tân thổ cẩm như đầm, váy dạ hội; áo dài, áo vest phối hợp với thổ cẩm. Có những đợt cao điểm phải may với số lượng lớn, chị huy động thêm nhân công, gia đình hỗ trợ. 
 
“Khi các giá trị văn hóa truyền thống của người Hrê được khôi phục trở lại, người dân địa phương, đặc biệt là giới trẻ quan tâm nhiều hơn đến trang phục thổ cẩm, đó là một tín hiệu đáng mừng để nghề may phát triển theo. Trung bình mỗi tháng, tôi kiếm được hơn 10 triệu đồng, góp phần phát triển kinh tế gia đình và đủ để lo cho các con đang đi học ở nơi xa”, chị An Tư chia sẻ.
 
Giữ gìn nét đẹp thổ cẩm
 
Nhắc đến thổ cẩm của người Hrê là nhắc đến Làng Teng, ở xã Ba Thành (Ba Tơ). Trước đây, người Hrê ở đây chỉ biết dệt vải để cung cấp cho thị trường, rất hiếm người biết may đồ. Bởi thế, người dân muốn có bộ trang phục đẹp phải bỏ công ngược lên thị trấn, hoặc xuống thành phố đặt may. Trong những năm gần đây, một số người trẻ ở địa phương đã liên kết với nhau, tập trung phát triển nghề may song song với nghề dệt, chủ động nguồn sản phẩm, phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch.
 
Chị Phạm Thị Mỹ Trinh (21 tuổi) là một trong những người trẻ tiên phong phát triển nghề may trang phục thổ cẩm ở địa phương. Những sản phẩm của chị được ưa chuộng bởi sự cẩn thận, tinh tế trong từng đường kim, mũi chỉ. 
 
Theo chị, để may được một bộ trang phục thổ cẩm mất khá nhiều thời gian và công sức. Không chỉ dừng lại ở yếu tố vừa vặn, tôn được vóc dáng người mặc, bộ trang phục còn phải có sự sáng tạo để vừa bắt kịp xu hướng của giới trẻ, sở thích cá nhân của mỗi khách hàng, mà vẫn giữ được bản sắc vốn có của trang phục truyền thống dân tộc. 
 
Chị Trinh (bên trái) là một trong những người trẻ đam mê may trang phục thổ cẩm ở Làng Teng.
Chị Trinh (bên trái) là một trong những người trẻ đam mê may trang phục thổ cẩm ở Làng Teng.

Đối với các trang phục có sự kết hợp giữa các chất liệu vải khác nhau với thổ cẩm, càng cần đến sự tỉ mĩ, cẩn thận và sáng tạo nhiều hơn từ thợ may. Người thợ phải biết cách bố trí các vị trí kết hợp với thổ cẩm cho phù hợp. Không cẩn thận, vải bị tưa, đường may lệch hướng, sẽ làm hỏng cả một bộ trang phục.

Tiền công may một bộ trang phục truyền thống thông thường của người Hrê từ khoảng 150 - 200 nghìn đồng. Trung bình, mỗi ngày chị Trinh có thể may ít nhất một bộ. Còn đối với các bộ trang phục truyền thống cách tân, hay các bộ trang phục phải phối hợp nhiều hoa văn thổ cẩm, cắt may cầu kỳ, có khi mất đến vài ngày.
 
"Giá cả mỗi bộ trang phục tùy theo công sức và sự sáng tạo mà thợ may bỏ ra. Nghề này không chỉ mang đến nguồn thu nhập khá cho bản thân. Niềm vui lớn nhất đối với tôi, một người trẻ sinh ra và lớn lên ở Làng Teng, đó là được góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc, thể hiện được năng khiếu của phụ nữ Hrê”, chị Trinh cho biết.
 
Để phù hợp với thị hiếu khách hàng, các thợ may là hội viên phụ nữ ở huyện Ba Tơ luôn nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo các mẫu mã để mang đến nhiều sự sự lựa chọn hơn cho khách hàng; tích cực quảng bá sản phẩm trên trang mạng xã hội để nhiều người biết đến hơn. Chính vì thế sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ đến đó.
 
Những cô gái vùng cao dịu dàng và đằm thắm trong bộ trang phục áo dài kết hợp với hoa văn thổ cẩm.
Những cô gái vùng cao dịu dàng, đằm thắm và trẻ trung trong bộ trang phục áo dài kết hợp với hoa văn thổ cẩm.
 
Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Tơ Đặng Thị Thúy Nga cho hay, việc khai thác, nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế từ bản sắc văn hóa truyền thống như nghề dệt, nghề may là rất cần thiết, khi các giá trị văn hóa của dân tộc Hrê ngày được quan tâm hơn; du lịch cộng đồng được chú trọng phát triển. Hội phụ nữ khuyến khích và tạo điều kiện để chị em hội viên truyền dạy, học hỏi lẫn nhau, thể hiện tài năng để phát triển nghề may một cách bền vững, góp phần phục vụ cho du lịch địa phương và nhu cầu của người dân.
 
Bài, ảnh: THIÊN HẬU
 

 


.