(Báo Quảng Ngãi)- Thầy Phương cứ cầm điện thoại lên rồi lại đặt xuống đến mấy lần. Vẻ mặt đăm chiêu nghĩ ngợi. Mà không lo lắng sao được, khi mẹ thầy đang nằm trên băng ca ở phòng cấp cứu, hơi thở mệt, mắt nhắm nhẹ. Cụ ốm đã mấy hôm rồi, cứ nghĩ là như mọi lần, đến ngày thứ ba chịu không nổi mới giục con trai đưa đi bệnh viện. Cụ bị chứng thiếu máu não nên chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Nhà có mỗi thầy Phương ở cùng cụ từ lúc cô Dung - vợ thầy mất vì bệnh nan y, mấy chị em gái đều lấy chồng xa, cháu nội, cháu ngoại đều đi học, đi làm cả. Thầy gọi điện báo cả rồi vì sợ xảy ra điều không may. Chiều mai một số người mới về tới.
Thầy Phương lại cầm điện thoại lên. Thầy định gọi cho ai mà có vẻ quan trọng nhưng lại chần chừ. Nhưng rồi thầy không gọi mà bỏ điện thoại vào túi quần, hết đi ra rồi lại quay vào.
Bà cụ trở mình ú ớ, nôn khan. Thầy Phương lật đật đỡ vai mẹ. Bà cụ khẽ rên, lần này thì chóng mặt. Bà cảm giác mình đang trôi, mọi vật xung quanh đều nghiêng ngả. Thầy Phương bảo mẹ hãy nhắm mắt lại. Rồi sẽ ổn thôi. Mẹ cứ yên tâm!
- A lô, bác sĩ Minh Trung nghe đây!
- Dạ, thầy Phương nào nhỉ? Tôi không nhớ!
- À, em nhớ rồi, em chào thầy, nhưng em đang bận tí việc, em sẽ gọi lại sau ạ!
Thầy Phương ậm ừ rồi tắt máy. Thầy chưa vội bỏ điện thoại xuống, mà nhìn đăm đăm vào màn hình giờ chỉ còn là một màn đen. Nỗi thất vọng, hụt hẫng lộ rõ trên gương mặt.
Bác sĩ trực gọi người nhà bệnh nhân. Thầy Phương đến trước chiếc bàn bừa bộn giấy tờ, chờ đợi. Bác sĩ trực nhẹ nhàng bảo với thầy là thủ tục nhập viện đã xong, thầy đưa bà lên khoa theo hướng dẫn của y tá. Thầy Phương gật đầu, tay xách lỉnh kỉnh đồ đạc theo sau chiếc băng ca đẩy mẹ lên phòng.
Ngày thứ ba. Thầy Phương cứ nhìn vào màn hình điện thoại đợi một cuộc gọi đã hẹn. Mấy đứa cháu nghe bà bị ốm đã về lăng xăng hỏi thăm, đầy lo lắng. Thầy Phương xin phép nhà trường, gửi lớp cho đồng nghiệp để yên tâm chăm sóc mẹ. Trong mấy người con, thầy là người gần gũi mẹ nhất, lại chịu khó nữa. Thầy không muốn mấy chị em và cháu mình nghỉ việc về chăm sóc mẹ, thêm nữa họ ở xa thì phiền toái chuyện xe cộ lắm. Khi đã đông đủ anh chị em, con cháu, thầy thủng thẳng báo tin bệnh tình của mẹ và khuyên mọi người không nên lo lắng. Việc chăm mẹ thầy tự thu xếp được. Thằng con trai của thầy từ Sài Gòn mới về, thấy thầy đi đâu, làm gì cũng kè kè điện thoại bên người nên thắc mắc. Thầy Phương cười hiền, không có gì đâu. Đây là sự lạ, có người trêu chọc, hay là thầy có người yêu. Mà nếu có cũng được chứ thầy ở vậy suốt gần năm năm rồi. Thầy nạt, tầm bậy!
Cuộc gọi đã hẹn vẫn chưa thấy xuất hiện. Thầy Phương nóng lòng lắm. Định bụng hỏi thăm cô y tá về vị bác sĩ giám đốc mới chuyển về nhưng nghĩ lại, nên thôi. Mà biết bắt đầu từ đâu? Nhỡ ra người ta hiểu lầm mình nhờ vả thì không hay. Tính thầy Phương xưa nay vẫn thế, bình dị, ngay thẳng, chân thành. Việc thầy gọi điện cho vị bác sĩ giám đốc trẻ của bệnh viện này là có lý do riêng, gắn với kỷ niệm của những ngày thầy mới ra trường, công tác ở vùng núi xa xôi.
Ngày ấy, dễ chừng gần ba mươi năm, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Phương được phân về ngôi trường cấp 2 - 3 của một huyện miền núi nghèo, cách thị xã gần trăm cây số. Học sinh của trường đa số là dân tộc thiểu số, còn lại là con em người Kinh lên đây theo diện phát triển kinh tế vùng cao. Tuổi trẻ năng động, nhiều hoài bão nên thầy chẳng ngại ngần từ giã gia đình, bạn bè và cái thị xã êm đềm để lên vùng cao gieo chữ. Năm đầu tiên, thầy Phương được phân công dạy hai lớp sáu và một lớp mười. Lớp mười, khối lớp đầu cấp 3 cũng là cao nhất trường lúc này. Lớp chưa đầy ba chục học sinh, nhưng có đến hơn hai mươi em là người dân tộc thiểu số. Thầy Phương ở trong căn phòng nhỏ cạnh trường, mái tranh vách nứa. Bên ngọn đèn dầu, thầy cần mẫn soạn từng trang giáo án.
Trường nghèo, lại xa xôi, cách trở, phải vượt đèo lội suối, giáo viên nhiều người rất ngại bám trụ lâu dài nên việc luân chuyển, thiếu hụt xảy ra thường xuyên. Thầy Phương có năm còn phải dạy Toán kiêm luôn môn Giáo dục công dân, nhưng thầy không nản chỉ. Thầy tâm niệm, nếu ai cũng “chọn việc nhẹ nhàng” thì làm sao con em miền núi xa xôi này có chữ. Thêm nữa, gia đình thầy truyền thống từ ông nội, đến cha, rồi thầy đều là nhà giáo. Ngay từ ngày thầy còn nhỏ, cha thầy đã răn dạy thầy biết lễ nghĩa, đạo học. Con người phải lấy đức mà răn mình. Hình ảnh giản dị, khiêm tốn của Bác Hồ cũng được cha thầy mang ra để thầy học hỏi. Thế nên, dù trèo non lội suối đi vận động học trò ra lớp, hay vô rừng tìm rau củ cải thiện cuộc sống, thầy cũng chẳng nề hà.
Thầy vui cùng niềm vui được mùa của người dân trong làng, thầy lo lắng khi làng bị cô lập, người dân bị mất nhà, trôi gia súc bởi cơn lũ quét tràn về. Thầy thương các em học trò lặn lội đường xa, bữa no bữa đói qua ngày. Các em hầu hết học yếu, vì cuộc sống khó khăn, thiếu sách vở, nhiều em còn nói tiếng Kinh chưa rành. Mỗi lần thầy Phương về xuôi thăm nhà lại mang lên quần áo cũ, sách cũ cho các em. Người dân quanh vùng rất quý mến thầy. Trong số đó, người cha của cậu học trò tên Trung thường hay đến phòng thầy Phương uống trà, nói chuyện. Trung học khá, nhất là môn Toán, năm lớp 9 em đoạt giải Nhì học sinh giỏi cấp huyện. Cậu học trò này hiền lành, dễ thương. Ngoài giờ học, em thường phụ cha bán hàng. Cha em là người đàn ông chân chất, cũng dưới xuôi lên đây buôn bán. Thầy Phương ngạc nhiên vì quen nhau khá lâu, nhưng thầy chưa biết mẹ em Trung, cũng không nghe cha em nhắc về vợ. Thì ra mẹ Trung bị nước lũ cuốn trôi lúc băng qua suối trong mùa mưa bão khi em vừa học xong lớp 7.
Chịu cảnh gà trống nuôi con, cha Trung dồn hết tình thương cho con. Hằng ngày, ông cặm cụi buôn bán, thỉnh thoảng theo xe về xuôi lấy hàng. Trung là cậu bé ham học, ước mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ. Để khuyến khích và tạo điều kiện cho Trung, thầy Phương tự nguyện kèm thêm môn Toán cho em và sưu tầm nhiều tài liệu hay cho em tham khảo. Năm học lớp 12, Trung đoạt giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán. Đây là trường hợp hiếm hoi của một huyện vùng sâu, vùng xa nên niềm vui vỡ òa trên gương mặt của thầy Phương. Ai cũng biết, có được thành quả này, công lớn phải nói đến là thầy Phương. Suốt mấy hôm Trung về thị xã chuẩn bị thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thầy Phương là người động viên, chăm sóc cho Trung. Thầy đưa Trung về nhà mình ở. Thầy ra chợ mua nhiều thức ăn cho học trò bồi dưỡng. Thầy còn tỉ mẩn ủi từng nếp nhăn của chiếc áo trắng ngày thường Trung mặc. Thầy coi Trung như một thành viên trong gia đình. Hết cấp ba, Trung thi đỗ vào đại học Y với số điểm khá cao. Thầy Phương vẫn công tác ở trường cũ. Thỉnh thoảng, Trung về nhà, có ghé thăm thầy. Một thời gian sau, gia đình Trung gặp biến cố, chuyển về xuôi, thầy Phương cũng chuyển công tác sau nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở miền núi. Thầy trò mất liên lạc từ đó.
Đến ngày thứ năm. Thầy Phương có vẻ không còn chờ đợi cuộc gọi từ vị bác sĩ giám đốc tên Trung nữa. Thầy bỏ điện thoại vào túi xách. Thầy xăng xái chăm từng thìa cháo, ngụm nước cho mẹ. Bệnh nhân cùng phòng với bà cụ ai cũng khen thầy có hiếu. Bệnh tình của mẹ đã thuyên giảm hẳn. Bác sĩ trực gọi thầy xưng em rất từ tốn, hay nhắc nhở y tá quan tâm nhiều đến bà cụ. Thầy Phương rất cảm kích và dường như thầy quên hẳn việc đợi cuộc gọi như đã được hẹn.
Bà cụ được xuất viện. Cô y tá thông báo cho thầy Phương, vẻ mặt hớn hở. Bà cụ cũng nở nụ cười thật tươi. Bỗng, lòng thầy Phương chênh chao một cảm giác rất lạ, vừa bất an, vừa tủi hờn. Thầy Phương băn khoăn lắm, vì sao cậu học trò cũ không gọi lại cho mình? Công việc nhiều, bận bịu nên quên, hay là nó không muốn nhớ đến mình? Một người thầy từng dạy nó, xây đắp ước mơ cho nó, giúp nó tự tin hơn ở cuộc đời này? Thầy Phương cố xua đi những ý nghĩ không tốt ra khỏi đầu. Thầy muốn lưu giữ hình ảnh cậu học trò giỏi Toán tên Trung đứng trên dốc réo gọi thầy, để khoe thành tích giải nhì cấp tỉnh. Nụ cười của cậu bé ngây thơ, hiền lành cùng với cặp mắt đen lấp lánh niềm vui. Vì sao nhỉ? Câu hỏi lại vang lên trong đầu người thầy tóc điểm bạc chừng vài năm nữa là về hưu. Thầy chần chừ rồi rút điện thoại ra, định gọi nhưng lại thôi. Trông mặt thầy buồn bã.
Nhà có khách. Lúc này thầy vừa ở trường về, chuẩn bị ra vườn tưới cây. Mẹ thầy mở cửa đón khách. Ở trong nhà, thầy Phương nghe tiếng chào đầy lễ phép “con chào bà ạ” là biết ngay học trò của mình rồi. Nhưng ai vậy thì thầy không thể đoán ra được, vì mỗi năm học trò cũ thường về thăm thầy dịp Tết và hè thôi. Khi khách đã yên vị, thầy Phương mới bước ra. Cậu học trò tên Trung năm nào đứng bật dậy, chạy ào tới ôm chặt thầy, rưng rưng xúc động. Thầy Phương cũng rơm rớm nước mắt. Vị bác sĩ giám đốc xin lỗi thầy, mong thầy thông cảm vì công việc, vì học tập mà anh đã không dành thời gian tìm gặp thầy.
Hôm trước thầy gọi, nhưng anh đang chủ trì hội thảo y khoa nên hẹn sẽ gọi lại. Nhưng đen đủi quá, điện thoại bị kẻ gian móc trộm khi anh vào trung tâm mua sắm chuẩn bị món quà ý nghĩa tặng thầy. Thầy Phương khẽ liếc túi quà to và bó hoa nằm giữa bàn nước. Vị bác sĩ giám đốc tiếp lời, rằng sau đó anh phải bay ra Hà Nội đón một đoàn bác sĩ quốc tế sang khám bệnh miễn phí cho người dân nghèo ở miền núi. Anh đã làm việc và tuần tới họ sẽ vào. Đích thân anh sẽ dẫn họ đi và anh cũng là thành viên của hiệp hội này. Nghe học trò nói, thầy Phương nín lặng nghe và ngắm từng cử chỉ, điệu bộ. Thầy rất tự hào về Trung. Cậu học trò hiền lành, học giỏi, nhiều ước mơ và giàu lòng nhân ái đang ngồi trước mặt thầy, chứ không phải là một vị giám đốc.
SƠN TRẦN