(Baoquangngai.vn)- Có một lần, cách đây đã tròn 18 năm, tôi đọc và bình một bài thơ tứ tuyệt của nhà thơ Yến Lan. Khi ấy, bác Yến Lan cũng đã mất tròn 6 năm. Bài thơ tứ tuyệt “Vô đề”, nhưng chiếc gậy, “nhân vật chính” trong bài thơ ấy là chiếc gậy thật, chiếc gậy chống của người già chân đã yếu. Bài thơ như thế này:
Nhà thơ Yến Lan. |
Nuối tiếc làm chi chiếc gậy tà
Tám mươi nào ngại phải đi xa
Ghé chân bên giậu anh hàng xóm
Chẳng lẽ mình ta dắt lấy ta
Bốn câu ba vần và hai tám chữ, bài thơ Yến Lan cũng kiệm lời, cũng khiêm nhường như chính tác giả của nó. Người ta có thể bình bài thơ Vô đề này nhuốm phong vị Thiền, là bài thơ siêu thoát, là... Nhưng tôi lại nghĩ khác. Bài thơ này rất đời, rất thật. Có điều cái “đời”, cái “thật” ấy không dễ dàng hiện ra ngoài mặt chữ.
Hình ảnh “chiếc gậy tà” có thể là chiếc gậy, lại có thể là một thói quen: Thói quen dựa giẫm, thói quen phụ thuộc. Nhà thơ già của chúng ta, khi đã tám mươi rồi, bệnh yếu rồi, chợt thấy, vào chính lúc mình cần “chiếc gậy tà” nhất, lại chính là lúc mình có thể dứt khỏi nó.
“Tám mươi nào ngại phải đi xa”. Đi-xa đây có thể tính bằng mét hay cây số, nhưng cũng có thể tính bằng những tầng trời, những cõi khác. Trong “cuộc đi” ấy, có thể mọi chiếc gậy thần cũng trở nên không cần thiết nữa. Đúng vào cái lúc “Ghé chân bên giậu anh hàng xóm”, tác giả chợt ngộ ra. Cái ngộ này đơn giản vô cùng, dễ dàng nhận ra vô cùng, nhưng không phải lúc nào và bất cứ ai cũng có thể nhận ra. Có người đi cả đời, biết bao lần “Ghé chân bên giậu anh hàng xóm”, nhưng để làm cái gì, nghĩ cái gì chứ đâu ngộ ra được điều này:
Chẳng lẽ mình ta dắt lấy ta.
“Thì đúng thế rồi đấy ạ!”. Tự ta dắt lấy mình, chứ sao. Nghĩa là không còn ai phải dắt mình nữa, mình chẳng còn phải lụy vào ai nữa, dù đó là “chiếc gậy tà”.
Bài thơ chỉ 4 câu thơ ngắn, nhưng có sức thu gọn cả cuộc đời tác giả, với những vui buồn được mất từ khi mình nhờ chiếc gậy chống cho tới khi mình rời khỏi chiếc gậy, để « tự mình dắt lấy mình » một cách khó khăn nhưng lại khiến lòng mình thanh thản.
Cách đây 18 năm, khi bình bài thơ này của Yến Lan, tôi cũng chưa tới « tuổi chống gậy », và lời bình như của một người chưa hề biết chống gậy là gì. Thời gian thấm thoắt qua mau, rồi tới lúc, tôi phải nhờ đến chiếc gậy thật, chứ không hề tượng trưng. Có điều, giống như nhà thơ lão thành Yến Lan, tôi cũng cố gắng để ít khi phải nhờ đến gậy chống, ít khi phải lụy, dù là lụy vào một chiếc gậy của người già. Nhưng, quả thật không dễ.
Đã hơn một lần, khi đi xa, thường là đi máy bay ở một sân bay lớn, phải cuốc bộ nhiều, tôi đành chống gậy. Và, ngạc nhiên chưa, cũng hơn một lần, tôi đã bỏ quên chiếc gậy chống của mình ở nơi tạm trú nào đó, dù lòng đã dặn lòng đừng quên chiếc gậy. Vậy mà cứ quên. Khi đã có tuổi, mình dễ quên nhiều thứ lắm. Nhưng chiếc gậy, khi tôi quên nó, lại là lúc tôi cần nó. Cần mà vẫn quên. Thì ra, trong vô thức của tôi vẫn còn lưu một "vệt nhớ" ( sai) là mình chưa già. Chỉ vì vệt nhớ "quá đát" ấy, mà mình hay quên chiếc gậy mình phải chống. Tình cảnh « mình ta dắt lấy ta » không hề dễ chịu, nhất là khi mình phải vượt địa hình, mình phải cần trợ giúp. Nhớ có lần, tôi quên chiếc gậy ở khách sạn, tới lúc ra sân bay rồi mới nhớ. Đành nhờ chú em thân thiết sau đó tới lây giùm, và gửi cho mình qua đường chuyển phát nhanh. Một chiếc gậy tưởng có thể giúp mình, hóa ra, có lúc mình phải hầu nó, phải « ship » nó đi một mình xa hơn nghìn cây số.
Không dựa giẫm, nhưng phải nương nhờ nếu tới lúc cần như vậy. Chỉ có điêu, cái gì ít khi dùng thì dễ quên. "Chiếc gậy tà" giúp mình đi dễ hơn, sao mình lại dễ quên nó như vậy? Cha mẹ sinh con nuôi con khôn lớn thì có lúc phải nhờ con chứ, dù chỉ nhờ chuyện nhỏ là bờ vai vịn lúc chân mình yếu. Trong cuộc đời, chuyện nhờ vả nhau như vậy cũng là bình thường mà. Con giúp bố, bố thương con, đời vẫn đẹp sao ! Vậy thôi.
THANH THẢO