(Báo Quảng Ngãi)- Tháng Chạp ở Lý Sơn rộn ràng các hoạt động văn hóa, theo đúng phong tục có tự lâu đời trên hòn đảo thiêng liêng này.
Linh đình tế tự tạ ơn
Nhiều thế kỷ qua, người dân Lý Sơn luôn tự hào về 24 tòa dinh miếu đầy huyền thoại do các bậc tiền nhân khởi tạo trên hòn đảo chỉ với hơn 10km2 này. Bài thơ vịnh Cù Lao Ré bằng văn Nôm do ông Tư Huấn, thuộc họ Phạm Văn, làng An Vĩnh, viết cách đây gần 80 năm cho chúng ta biết về điều đó. Nhưng cho đến nay, trên đảo Lý Sơn không chỉ có 24 tòa dinh miếu mà đã có hàng trăm cơ sở tín ngưỡng - tôn giáo, bao gồm đình làng, lăng, dinh, miếu, nghĩa tự, chùa, nhà thờ... được trùng tu, tôn tạo khang trang, mang dáng vẻ cổ kính. Sự dày đặc hệ thống di tích, sự đa dạng những hoạt động văn hóa - tín ngưỡng đã làm Lý Sơn khác biệt, độc đáo so với những vùng đất khác trên đất nước ta.
Tục dựng nêu ngày Tết được người dân Lý Sơn duy trì cho đến nay. ẢNH: MINH THU |
Ở An Vĩnh, lễ hoàn nguyện, lễ tạ ơn bắt đầu ở các lân An Hòa, Vĩnh Hòa, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thành, Tân Thành, Vĩnh Lộc... rồi mới đến lăng Tân, dinh Đụn, dinh Thiên Y A Na, dinh bà Chúa Yàng, dinh Ngũ Hành, dinh Lôi Công... và sau cùng là đình làng An Vĩnh. Ở An Hải thì lễ hoàn nguyện, lễ tạ ơn bắt đầu ở các lân Đông Thạnh, Thái Hòa, Chủ Thơ... rồi đến dinh Thiên Y, dinh Chúa Yàng, dinh Thủy Long, dinh Tam Tòa... và cuối cùng là ở đình làng An Hải. Đấy là chưa kể đến việc tế tự ở các nhà thờ, thờ các vị thủy tổ, cùng nhiều từ đường thuộc nhiều chi phái.
“Trồng đu, lên phướn”
Kết thúc mùa lễ hoàn nguyện, lễ tạ ơn vào ngày 23 tháng Chạp, các đình làng, dinh miếu ở Lý Sơn lại bắt đầu lễ “Trồng đu, lên phướn”. Cũng giống nhiều làng quê ở nước ta, ngày xưa, người dân Lý Sơn cũng chặt tre về trồng đu để nam thanh, nữ tú chơi đu trong ngày Tết. Giờ đây, trò chơi đu không còn nữa, nhưng người Lý Sơn vẫn nói chung cho ngày lễ dựng nêu vào tháng Chạp là lễ “Trồng đu, lên phướn”.
Vào tối ngày 23 tháng Chạp, các bô lão bắt đầu sửa soạn mâm trầu cau làm lễ cáo yết ở đình làng, dinh miếu, nhà thờ họ, để sáng sớm ngày 24 tháng Chạp dựng nêu. Thân cây nêu bằng gỗ hoặc bằng tre; trên đầu cây nêu có gắn hình một trong các linh vật: Rồng, giao long, phượng, cá chép, cá mó. Có khi còn có giỏ tre đựng trầu cau, bánh khô, lá bùa, lá phướn, hoặc cờ ngũ sắc, cờ Tổ quốc. Ở nhà thờ họ còn có treo trên cây nêu lá cờ thêu tên tộc họ (như Võ, Dương, Phạm...).
Ngược lại với trình tự lễ tạ ơn, lễ hoàn nguyện, người dân Lý Sơn sẽ dựng cây nêu đình làng đầu tiên, sau đó mới dựng các cây nêu ở lăng thờ thần Nam Hải (Cá Ông), ở các dinh của thôn, xóm, rồi mới dựng nêu ở các miếu của các lân. Sau khi dựng xong nêu ở các lân, thì các cây nêu ở các nhà thờ họ mới được kéo lên. Ngày nay, trình tự lễ dựng nêu có khác ít nhiều, nhưng đều vào buổi sáng ngày 24 tháng Chạp. Lễ hạ nêu ở các cơ sở thờ tự của làng, thôn, xóm, lân thường vào ngày Mùng 7 Tết, nhưng cũng có nơi để đến Tết Thượng nguyên (rằm tháng Giêng).
Việc dựng nêu, không chỉ thể hiện một tập tục xưa cũ, với hàm ý xua quỷ trừ tà vốn từ Biển Đông vào quấy nhiễu, mà với người dân Lý Sơn, cây nêu còn thể hiện ước nguyện về một cuộc sống yên bình, về sự sinh sôi nảy nở, là sự tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai phá đất đai, bảo vệ xóm làng trong hơn 400 năm qua, tính từ năm 1604, như nội dung tài liệu Hán Nôm mà chúng tôi tìm thấy tại nhà thờ họ Dương làng An Hải, đề ngày 28 tháng 4 năm Hoằng Định thứ 4.
Bắt đầu từ buổi sáng 24 tháng Chạp, hàng trăm cây nêu vươn lên trời cao, phấp phới cờ ngũ sắc, cờ Tổ quốc, gợi nhớ về truyền thống cắm mốc, dựng bia chủ quyền trên vùng biển đảo của nhiều thế hệ người dân trên đất đảo thân yêu này.
NGUYỄN ĐĂNG VŨ