(Báo Quảng Ngãi)- Trong mỗi đời người ai cũng có một hoặc vài kỷ vật thiêng liêng. Với sơn nữ Ca Dong ở miền Tây Quảng Ngãi, kring-ning chính là kỷ vật thiêng liêng gắn bó với họ suốt cả cuộc đời, reo vang trong những mùa lễ hội.
Thiêng liêng một kỷ vật
Để chế tác một chiếc kring-ning, người mẹ Ca Dong phải chuẩn bị một chùm lục lạc, vài chuỗi cườm đủ các sắc màu và những chiếc vòng bằng bạc. Khi đứa con gái chào đời, người cha sẽ vào rừng đốn một cây trảy già mang về, rồi lặng lẽ ngồi bên mép nhà sàn chọn ra một đoạn không tì vết, bằng chừng một gang tay, để làm quà tặng cho con. Người mẹ sẽ phụ buộc vào những dây côôk rừng màu thẫm đen và những vòng bạc vào vết khứa sẵn trên khúc cây tròn. Một chùm lục lạc hơn hai mươi chiếc, nhỏ như ngón tay, cùng những chuỗi cườm rực rỡ sắc màu sẽ được đính vào ống trảy. Thêm mấy chùm chỉ đỏ, chỉ trắng, chỉ vàng, xen lẫn trong chuỗi lục lạc. Đó là chiếc kring-ning, kỷ vật cho con gái. Mỗi cô con gái chào đời đều có một chiếc kring-ning do cha mẹ trao tặng.
Kring-ning là kỷ vật thiêng của sơn nữ Ca Dong. Ảnh: Đăng Vũ |
Reo cùng hồn lúa
Khi tiếng sấm đầu mùa vang lên, người mẹ Ca Dong cùng con gái rung chiếc kring-ring gọi hồn những hạt lúa giống thức dậy, gọi hồn nông cụ lên rẫy lên nương. Trên khoảnh đất nhỏ đã được người đàn ông dọn sạch, làm các nghi lễ với thần rừng, rồi chọc lỗ, người mẹ sẽ trỉa những hạt lúa đầu tiên. Tiếng kring-ning reo bên thắt lưng như trộn chung với những hạt lúa pơ - tăm vào đất. Lúc những hạt lúa ở khoảnh đất thiêng nhú mầm, một khoảnh đất lớn hơn sẽ tiếp tục được trỉa hạt. Bên triền đất đỏ màu mỡ ủ đầy lá cây rừng, lúa lớn lên, sinh sôi, trĩu hạt, no tròn cả tiếng kring-ning trong trẻo và lời nguyện cầu vụ mùa tươi tốt.
Lễ gieo hạt có tiếng kring-ning reo vang cùng hồn lúa từ chòi lên rẫy, lễ thu hoạch cũng có tiếng kring-ning reo vang từ rẫy về làng. Để đi tuốt những bông lúa pơ-tăm, tức những hạt lúa thiêng trỉa đầu tiên trên rẫy, người mẹ sẽ cùng con gái mặc bộ váy áo truyền thống, mang gùi và những vòng cườm đẹp nhất, rồi mắc vào vriek tăh (thắt lưng) chiếc kring-ning. Lên đến khoảnh lúa thiêng, người mẹ sẽ rung chiếc kring-ning để đánh thức hồn lúa ngủ yên trong rẫy, báo tin cho hồn lúa biết chuẩn bị về chòi.
Để cho “hồn lúa không đau”, người mẹ cùng con gái sẽ nhẹ nhàng tuốt những bông lúa pơ-tăm bằng tay. Khi chiếc gùi đã đầy lúa mới, nhịp điệu kring-ning sẽ theo bước chân thoăn thoắt của mẹ và con gái về làng. Người Ca Dong bảo rằng, tiếng lục lạc trên chiếc kring-ning sẽ giúp hồn lúa theo về mà không bị lạc đường, những bộ váy áo rực rỡ sắc màu sẽ làm hồn lúa hài lòng mà cố theo dự lễ hội mùa cơm mới; đưa con gái cùng đi rước hồn lúa về chòi cũng là lúc để người mẹ trao truyền cho con gái một mỹ tục truyền thống của người Ca Dong, để con cái biết đến công ơn của bậc sinh thành có công khai phá núi rừng và trỉa hạt. Nếu trên đường gặp trời rét buốt, người mẹ sẽ dùng thuốc lá bột có chứa sẵn trong ống kring-ning quệt một ít trên môi. Người mẹ cũng sẽ dạy con điều đó, để con còn biết sử dụng khi tiết trời giá lạnh.
Kring-ning và những mùa lễ hội
Sơn nữ Ca Dong với chiếc kring-ning bên thắt lưng. Ảnh: Đăng Vũ |
Dẫu kring-ning chỉ nhỏ bé dưới thắt lưng sơn nữ, nhưng kring-ning như chứa đựng tất cả âm thanh, sắc màu của người Ca Dong, chứa đựng một sự trao truyền âm thầm nhưng bền bỉ về một nền văn hóa đề cao người phụ nữ, một nền văn hóa do người mẹ giữa đại ngàn nắm giữ.
Tiến sĩ
NGUYỄN ĐĂNG VŨ