(Báo Quảng Ngãi)- Xuất thân từ người lính nên các tác giả trường ca sau năm 1975 đã phản ánh rất thành công đời sống, tâm tư, tình cảm, tư tưởng của người lính trong và sau chiến tranh. Trường ca đã phản ánh người lính ở nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt là chất bi ca trong từng số phận cụ thể, nhằm làm toát lên tinh thần chính mang tính sử thi bi hùng. Thanh Thảo - nhà thơ thuộc thế hệ thơ chống Mỹ viết nhiều trường ca nhất trong thơ ca Việt Nam (14 trường ca) là một tiêu biểu.
Vượt lên cái “cũ mèm” của những “tráng ca” về người lính thường gặp, Thanh Thảo đã tìm nẻo đi riêng cho thơ mình bằng cách nói thật hết, phơi trần hết những “cái - trần - trụi - lính” từ hành động đến nghĩ suy: “thế hệ chúng tôi không chỉ sống bằng kỷ niệm/ không dựa dẫm những hào quang có sẵn” (Một người lính nói về thế hệ mình). Cần lưu ý, đây là những câu thơ Thanh Thảo viết vào thời điểm năm 1972. Và cứ thế, ông vẫn đi trọn và làm trọn những bài thơ, những trường ca “kiểu lính”. Những số phận bi hùng được Thanh Thảo khắc họa khá đa dạng. Từ những người “nghĩa quân Cần Giuộc” thời kỳ đầu chống Pháp: “họ lấm láp sình lầy bước vào thơ Đồ Chiểu” (Những nghĩa sĩ Cần Giuộc).
(Báo Quảng Ngãi)- Xuất thân từ người lính nên các tác giả trường ca sau năm 1975 đã phản ánh rất thành công đời sống, tâm tư, tình cảm, tư tưởng của người lính trong và sau chiến tranh. Trường ca đã phản ánh người lính ở nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt là chất bi ca trong từng số phận cụ thể, nhằm làm toát lên tinh thần chính mang tính sử thi bi hùng. Thanh Thảo - nhà thơ thuộc thế hệ thơ chống Mỹ viết nhiều trường ca nhất trong thơ ca Việt Nam (14 trường ca) là một tiêu biểu. |
Tập trung cao nhất vẫn là những người lính Trường Sơn đánh Mỹ. Cũng là cuộc chia tay như bao cuộc chia tay để những đứa con thân yêu lên đường vào Nam đánh giặc, nhưng gắn cuộc chia tay cụ thể ở cái đêm cuối cùng của tình mẹ con; gắn tuổi trẻ với cuộc đời, gắn cuộc đời với chiếc áo mẹ trao cho, khiến những dòng chia tay này chứa bên trong một sức mạnh nghệ thuật ghê gớm.
Từ chuyện cỏn con của “chiếc áo” hôm người lính chia tay, Thanh Thảo đã khái quát được bản chất ác liệt, bi tráng của một giai đoạn lịch sử lớn, chứa chất bên trong cả âm vang của một thời đại lớn bằng câu thơ khái quát đến nao lòng: “những năm - một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời”. Cuộc đời “chiếc áo” vốn đã quá “ngắn” theo cái nhịp thơ hối hả: “dính chặt vào thân - bạc màu - ngắn nhanh - rồi rách”, vậy mà “sống lâu hơn một cuộc đời” của người mặc nó, thì rõ ràng Thanh Thảo đã lột tả hết được sức khốc liệt của một cuộc chiến tranh mang tầm thời đại. Họ đã ra đi, chiến đấu “không tiếc đời mình”, điều này thật dễ tìm gặp trong trường ca và thơ chống Mỹ nói chung, nhưng cái cách nói “không tiếc” của Thanh Thảo vẫn cứ lạ lẫm mà sâu sắc: Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc/ cỏ sắc mà ấm quá phải không em? (Những người đi tới biển).
Đó là anh Sáu Như “người xã đội trưởng không bằng cấp/ ngay tên mình anh viết cũng chẳng xuôi”, là anh Tư Tròn “có thể bất thần leo tuốt ngọn trâm/ mắt bao hết cuộc càn của giặc”, là anh Ba Tốt - người thương binh “dấu chân gỗ tròn hằn trên đất phù sa/ những con dấu lặng”, là Tám Hùng “màu mắt đen dồn hết cho ánh sáng”, còn là... “bao nhiêu các anh các chị”- “những người tôi quen biết/ những người tôi chưa một lần gặp mặt/ mỗi cuộc đời như quyển sách mở ra/ không tài nào ta đọc xong trang chót” (Những người đi tới biển)... Cái “bi”, cái “hùng” đầy chất lính cứ đan xen, quyện chặt lấy nhau trong trường ca Thanh Thảo.
Người lính sau chiến tranh trở về với đời sống hòa bình vẫn chưa thật sự được nghỉ ngơi đúng nghĩa, họ lại tiếp tục lên đường đến những vùng đất hoang vu khai phá để dựng xây đất nước. Trường ca viết về thời bình đã giảm nhiều chất sử thi hùng tráng, nhưng lại trăn trở lo toan những vấn đề của giai đoạn lịch sử mới. Đó là đời thường của những đồng đội thương binh đem sức lực còn lại của mình góp phần mang lại cho đời niềm vui cùng những ước mơ: Người bạn tôi đã mất một cánh tay/ vùi trong lòng địa đạo/ mà địa đạo cũng không tìm thấy nữa/ đã mười năm.../ anh bây giờ thành một giáo viên/ lên lớp cho các em về quả đất tròn/ quả đất không phút giây ngừng nghỉ (Trẻ con ở Sơn Mỹ)...
Người lính hiện lên trong trường ca Thanh Thảo với rất nhiều số phận khác nhau. Chất lý tưởng được thể hiện một cách rõ nét hơn, sâu sắc hơn trên nền tảng của những mất mát, hy sinh mà người lính tự mình nhận lãnh trước nhân dân, trước lịch sử. Nó mang “tính cách đặc trưng thế hệ” với độ lắng của những suy nghĩ, trăn trở; không mang những nét tính cách chung chung về hình tượng người chiến sĩ cách mạng, hay người chiến sĩ giải phóng như ta thường gặp trong thơ chống Mỹ. Tài năng của Thanh Thảo sớm được khẳng định chính là bởi sự mới lạ này.
TS.MAI BÁ ẤN