Chàng trai lưu giữ hồn quê Việt

02:11, 10/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với niềm đam mê sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, anh Lê Mỹ Dặm (29 tuổi), quê xã Đức Thắng (Mộ Đức) đã làm ra những sản phẩm mô hình cây xanh, tiểu cảnh tả thực đặc trưng của làng quê Việt Nam.
 
Theo đuổi đam mê 
 
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành xây dựng, anh Lê Mỹ Dặm có nhiều năm làm việc cho các công ty mô hình kiến trúc. Công việc chủ yếu của anh là mô phỏng những cây xanh trong mô hình. Trong quá trình làm việc, nhận thấy cây xanh mô phỏng có hình dạng đại trà, không có hồn, thiếu sự đầu tư, nên anh Dặm đã tự mày mò để có thể tả những cây xanh trong mô hình một cách chân thực.
 
Anh Lê Mỹ Dặm miệt mài theo đuổi đam mê sáng tạo mô hình cây tả thực.   Ảnh: HẢI CHÂU
Anh Lê Mỹ Dặm miệt mài theo đuổi đam mê sáng tạo mô hình cây tả thực. Ảnh: HẢI CHÂU
Năm 2017, anh Dặm quyết định nghỉ việc để theo đuổi đam mê của riêng mình. “Tôi hay hoài niệm về những khung cảnh làng quê bình dị, về những ký ức cùng đám bạn trèo cây, chăn bò, cắt cỏ... nên tôi đã chế tác lại mô hình cây xanh, tiểu cảnh làng quê như nỗi niềm của người con xa xứ”, anh Dặm bộc bạch.
 
Hành trình chinh phục đam mê của anh Dặm không hề dễ dàng. Anh chọn công việc phụ hồ để có tiền trang trải cuộc sống, tối đến lại bắt tay vào sáng tạo mô hình cây tả thực. Cứ như vậy, anh Dặm đã cho ra đời rất nhiều mô hình gắn liền với thiên nhiên,  từ những hàng dừa, hàng tre, bụi chuối, cây cà phê... cho đến những tiểu cảnh làng quê hoàn chỉnh. Trung bình mỗi sản phẩm, anh Dặm làm trong khoảng thời gian từ 1- 2 tuần.  Với loại cây có nhiều chi tiết thì thời gian thực hiện càng lâu.
 
Truyền đi thông điệp bảo vệ thiên nhiên
 
Để có được mô hình cây xanh như ngoài đời thực, trước khi làm, anh Dặm đi thực tế để nghiên cứu cấu tạo, bộ phận của cây. Anh Dặm cho biết, các chi tiết, tỷ lệ phải chuẩn, chỉ cần có một sai sót nhỏ thì sản phẩm sẽ trở nên không có hồn. Điều quan trọng nhất khi làm mô hình thu nhỏ là phải duy trì được mạch cảm xúc và sử dụng những chất liệu từ chính những mẫu cây thật, mới có thể đem đến linh hồn cho chính mỗi tác phẩm.
 
Sản phẩm mô hình cây tả thực của anh Lê Mỹ Dặm mang đậm dấu ấn làng quê Việt Nam. Ảnh: HẢI CHÂU
Sản phẩm mô hình cây tả thực của anh Lê Mỹ Dặm mang đậm dấu ấn làng quê Việt Nam. Ảnh: HẢI CHÂU
Anh Dặm chia sẻ, tôi sử dụng vật liệu tự nhiên, các đồ dùng tái chế lại để làm mô hình cây, với mong muốn lan tỏa thông điệp yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường và mong mọi người hãy gìn giữ nét đẹp thiên nhiên của làng quê, đất nước Việt Nam. Chẳng hạn như thân tre thì đào gốc rễ về sơn màu tạo hiệu ứng; cây chuối thì sử dụng bẹ chuối khô để làm thân; cây cà phê thì xay mịn hạt để tạo màu... Ngoài ra, giấy ăn, đũa ăn, mùn cưa, xơ dừa bỏ đi cũng được tận dụng để sáng tạo làm vườn cây mini.
 
Theo anh Dặm, số tiền làm ra một mô hình cây tả thực không nhiều, nhưng giá trị nhất là ở tâm huyết và chất xám. Chỉ có những người yêu thích thiên nhiên, yêu thích thú chơi cây mô hình mới sẵn sàng chờ đợi để sở hữu chúng. Chính vì thế, để sản phẩm của mình có thể chinh phục được nhiều người và có thể sống được với đam mê của mình, chàng trai này vẫn không ngừng cố gắng từng ngày. “Đam mê không phải là thứ có thể tìm kiếm, mà phải nỗ lực mới đạt được. Do vậy, dẫu con đường dẫn tới thành công sẽ còn nhiều chông gai và khó khăn, nhưng tôi không bao giờ từ bỏ đam mê của mình. Vậy nên, nếu các bạn trẻ tìm cho mình được niềm yêu thích thì đừng ngại gì mà không theo đuổi, hãy đánh thức nó để làm cho đời đẹp hơn”, anh Dặm bày tỏ.
 
HẢI CHÂU
 
 
 

.