(Báo Quảng Ngãi)- Ở đầu cầu Trà Khúc, bên bờ bắc có một địa danh ngày xưa, gọi là Quán Cơm. Tôi hỏi nhà báo Trần Đăng, quê Sơn Tịnh, anh cũng xác định là Quán Cơm xưa nằm ngay ngã ba đường cái quan (Quốc lộ 1 bây giờ) và con đường đất nhỏ dẫn xuống Tịnh Khê - Sơn Mỹ.
[links()]
Cái Quán Cơm ấy, chắc hẳn đã có từ xa xưa lắm, cái thời giao thương đường thủy rất thịnh hành ở Quảng Ngãi, còn trên đường thiên lý (cũng là Quốc lộ 1 bây giờ) thì lại có hệ thống Trạm, là con đường vận chuyển công văn giấy tờ của triều đình và thư từ tới các địa phương trong cả nước. Có thể hình dung, các Trạm là nơi “giao liên” đổi ngựa, đổi cả người trên “con đường bưu chính” nghìn dặm. Vì thế, hệ thống Trạm thời nhà Nguyễn phải được tính toán để hai Trạm liền kề cách nhau một cung đường nhất định, tùy thuộc điều kiện địa lý, tùy cả những nơi có dân cư tương đối. Tôi nghĩ, chính hệ thống Trạm từ thời nhà Nguyễn đã là gợi ý tuyệt vời nhất để sau này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ chúng ta có hệ thống Trạm và Binh trạm trên đường Trường Sơn. Cách vận hành của hệ thống Trạm trên Trường Sơn cơ bản giống như cách vận hành của hệ thống Trạm trên đường thiên lý ngày xưa.
Bến sông bờ bắc cầu Trà Khúc (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: PV |
Tôi còn nhớ, theo lời kể của thầy má tôi, thì sau Cách mạng Tháng Tám, tôi được sinh ra ở nhà thương Quảng Ngãi, nhưng sau bảy ngày nằm nhà thương, má con tôi được về quê trên con đò dọc chèo từ bến Tam Thương (sông Trà Khúc) về ngay trước cửa nhà tôi ở bến sông Thoa. Lại nữa, đầu những năm 1950, khi Pháp lăm le đổ bộ lên Quảng Ngãi, thế là gia đình tôi và gia đình ông Nguyễn Trí (đại biểu Quốc hội) lại được xuống con đò dọc chèo từ bến sông Thoa trước nhà tôi lên đập bến Thóc, qua sông Vệ rồi lên tận Nghĩa Hành. Đi tản cư bằng đò dọc, theo đường sông, nói thật, là rất thú vị. Tôi lúc ấy còn nhỏ, biết gì đâu, được “di biến động dân cư” như thế, coi như được đi du lịch bằng đường sông, cảm thấy thoải mái lắm luôn.
Trở về với Quán Cơm bên sông Trà Khúc. Quán ấy bán cơm cho khách bộ hành trên đường cái quan, lại bán cơm cho khách ghe bầu chở hàng từ cửa Sa Kỳ ngược lên miền núi, rồi lại chở hàng từ miền ngược về lại đồng bằng. “Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên” mà. Khi ghe bầu tới bến sông (bây giờ là nơi tọa lạc của khách sạn Mỹ Trà), khách thương hồ sẽ ghé Quán Cơm ăn trưa hay ăn chiều gì đó, trước khi nhổ neo tiếp tục lên đường.
Khi về già trở lại quê Cầu Đập, thầy tôi hay kể chuyện xưa. Ông kể, hồi kháng chiến chống Pháp, ông cùng chú thư ký là chú Trọng, hai anh em mỗi người một xe đạp đi công tác tới tất cả các huyện, xã trong tỉnh. Có lần, mới 4 giờ sáng, hai anh em đạp xe qua cầu Trà Khúc thì thầy tôi lên cơn sốt rét, không thể tiếp tục đi, đành ghé lại Quán Cơm. Ghé quán không phải để ăn cơm, mà để nghỉ tạm cho qua cơn sốt. Nhưng lúc ấy còn sớm quá, quán chưa mở cửa, hai anh em phải ngồi bệt trước cửa quán để... thở. Chủ quán nghe ngoài cửa lục đục, ra mở cửa thì thấy hai ông cán bộ đang bị sốt rét hành. Chủ quán vội mời hai ông vào quán, nổi lửa cho hơ, nấu nước cho uống, nấu cháo cho ăn, hai ông nghỉ ngơi một lúc, cơn sốt tạm lui, lại xin phép lên đường. Mỗi người một xe đạp lại rong ruổi trên đường thiên lý.
Quán Cơm là thế. Còn các Trạm “quân bưu” thì thế nào nhỉ?
Tôi đã từng vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ, đi bộ mất gần 4 tháng, nên tôi hình dung các Trạm giao liên ngày xưa chắc cũng hơi giống các Trạm giao liên trên Trường Sơn, chỉ khác một đàng là núi non phải cuốc bộ, một đàng là Quốc lộ ngựa chạy nước kiệu được. Trên Trường Sơn thì giao liên đi bộ thồ hàng, còn các Trạm của triều đình thì giao liên đi ngựa, cũng chở công văn giấy tờ, chở cả trái cây tiến Vua, chạy tiếp sức từ trạm này sang trạm khác, qua mỗi trạm lại thay người thay ngựa, cứ thế tới đích cuối cùng, mà trái cây vẫn còn tươi, công văn giấy tờ không hề mất mát. Chỉ thắc mắc một điều, không biết mỗi Trạm hồi xưa chỉ có ngựa phi đường xa, hay có cả xe ngựa để chở được nhiều hàng?
Chính từ hệ thống Trạm rất nổi tiếng ấy, mà sau này vẫn còn lại tên “Trạm” in dấu ở nhiều khu dân cư dọc đường số 1. Tại Quảng Ngãi cũng có một số tên “Trạm” còn lại tới bây giờ, như chợ Trạm, rồi dốc Trạm, rải rác trên đường thiên lý.
Còn ghe bầu, một đặc sản vô cùng đáng nhớ ở miền Trung, đặc biệt là ở Quảng Ngãi, là phương tiện giao thương đường thủy “có thương hiệu” đã nghìn năm. Ghe bầu chuyên chở đủ thứ hàng của Quảng Ngãi tới mọi nơi trong nước. Tới cả nhiều hải cảng quốc tế như Hồng Kông và xa hơn. Nhớ có lần, Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Ngãi (nay là Sở VH-TT&DL) mời được nhà dân tộc học tầm cỡ thế giới là Georges Condominas (1921, Hải Phòng - 2011, Paris) về nói chuyện về dân tộc học. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín trên thế giới trong các lĩnh vực dân tộc học và nhân chủng học. Trong câu chuyện ông Condominas nói hôm ấy, tôi nhớ ông bảo rằng, ngay từ thế kỷ thứ VI, Quảng Ngãi đã có những đoàn ghe bầu chở các sản vật Quảng Ngãi như quế Trà Bồng, kỳ nam, trầm hương và hồ tiêu, sau này thêm đường phèn, đường phổi, trực chỉ Hồng Kông, thậm chí sang cả vùng Trung Á, nơi tiêu thụ kỳ nam, trầm hương, quế chi và hồ tiêu nhiều nhất. Giao thương Quảng Ngãi có truyền Quán cơm, ghe bầu và ngựa trạm
thống đi sớm và đi xa tới như vậy trên bản đồ đường thủy thế giới, chứ đâu phải chuyện thường.
Nói thêm, ông Condominas sở dĩ có tình cảm với Quảng Ngãi, vì hồi Pháp thuộc, cha của ông từng là trung úy trưởng đồn lính khố xanh ở Trà Bồng. Cha ông lại là nhà dân tộc học và nhân chủng học, tuy nghiệp dư nhưng những tài liệu và hiện vật ông sưu tầm được lại hết sức phong phú. Tiếc thay, khi Nhật đảo chính Pháp, toàn bộ tài liệu và hiện vật ấy người Nhật đã cho tàu thủy chở cả về nước họ, ông Condominas chưa truy tìm lại được.
Như thế, cả Quán Cơm, ghe bầu và Trạm giao liên bây giờ chỉ còn cái tên, những cái tên từng rất nổi tiếng. Thật đáng tiếc. Nếu bây giờ có họa sĩ nào hứng thú với lịch sử sưu tầm và vẽ lại những bức tranh về Quán Cơm, ghe bầu và ngựa Trạm, tôi tin chắc những tác phẩm này không chỉ rất thu hút, mà còn làm sống lại cả một thời oanh liệt của Quảng Ngãi ngày xưa. Mong lắm thay!
Thanh Thảo