Quan Chiếu vương, dấu ấn một thời khai mở

08:09, 01/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Hằng năm, đến ngày lệ giỗ ông Quang Chiếu 20 tháng 7 âm lịch thì trời mưa”. Từ lời nói truyền miệng qua nhiều thế hệ của cư dân cả một vùng rộng lớn ở phía đông TP.Quảng Ngãi, chúng tôi tìm về dấu tích lịch sử và công lao của một vị tướng thời khai mở xứ Đàng Trong.
[links()]
 
Ông Quang Chiếu dân gian thường gọi chính là Quang Chiếu vương Mai Đình Dõng. Mai Đình Dõng là tên ông, còn Quan Chiếu vương là tước phong. Năm 1568, sau khi Trấn Quốc công Bùi Tá Hán mất, ông Nguyễn Bá Quýnh được Trịnh Kiểm tâu với vua Lê giao thay thế trấn giữ vùng đất Quảng Nam một thời gian ngắn rồi được điều về cai quản xứ Nghệ An và giao toàn bộ vùng đất Thuận Quảng (Thuận Hóa và Quảng Nam) cho Nguyễn Hoàng cai quản luôn. Ông Mai Đình Dõng là phó tướng của chúa tiên Nguyễn Hoàng, được giao trách nhiệm trấn nhậm vùng đất Quảng Nam xưa (Quảng Nam hiện nay đến bắc Phú Yên) từ năm 1571 đến 1602. Ông có một người con trai là Mai Đình Hùng còn gọi là Mai Cương từng giúp ông rồi kế nghiệp sau khi ông mất. Tên tuổi và công lao ông gắn liền với cổ thành Xuân Quang.
 
Gian thờ Quan Chiếu vương, ở thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: BÙI VĂN TẠO
Gian thờ Quan Chiếu vương, ở thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: BÙI VĂN TẠO
Cổ thành Xuân Quang tọa lạc tại thôn Bình Tây giáp với thôn Bình Đông, thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi). Trong Đại Nam nhất thống chí có ghi “Thành ở thôn Xuân Quang, huyện Chương Nghĩa, đắp bằng đất, cao chừng 5 thước, đông tây 53 trượng, năm bắc 92 trượng...”. Lùi lại thời xưa cách đây khoảng 450 năm để tìm hiểu, Quảng Ngãi có hai con sông lớn nối liền từ biển đến rừng núi cùng chảy ra cửa Đại Cổ Lũy, đó là sông Trà Khúc và sông Vệ. Vị trí xây dựng thành Xuân Quang nằm giữa khu vực đồng bằng của hai dòng sông lớn này, gần cửa Đại xung yếu và cách xa rừng núi. Ông Mai Đình Dõng không sử dụng thành Châu Sa vì thành này của người Chăm, lại cách phía bắc sông Trà Khúc một khoảng xa. Xây dựng thành Xuân Quang thì thành Bàn Cờ, lũy Cổ Lũy, thành Châu Sa, núi Long Phụng... trở thành vệ thành và đài quan sát mặt đông, còn phía tây thì cả vùng đất bằng phẳng bao la, nhiều làng mạc, khi cần thì có thể phối hợp dụng binh thủy bộ, lên nguồn xuống biển, ra Bắc, vào Nam thuận lợi. Đây cũng là nơi đặt sở, lỵ thời ông trấn nhậm. Với sự sáng tạo, ông Quang Chiếu đã chỉ huy đắp xong thành trong thời gian ngắn.
 
Trong khoảng hơn 30 năm (1571 - 1602), ông trấn nhậm vùng đất Quảng Nam xưa bao gồm từ Quảng Nam ngày nay tới bắc Phú Yên, sau khi ông mất chúa tiên Nguyễn Hoàng cho dời sở lỵ về Thanh Chiêm thuộc Quảng Nam ngày nay. Dù vậy, người dân khu vực thành Xuân Quang vẫn đời nối đời thờ cúng ông và coi ông là nhân vật hiển linh. Họ truyền rằng gặp năm hạn hán, ngày giỗ Quan Chiếu thì trời mưa, hoặc ông gánh đất bằng đôi mờm bò đắp xong thành chỉ... trong một đêm. Vùng Đồng Thành dấu tích lấy đất đắp thành, phần trũng là đồng ruộng còn thành đất cứ cao dần.
 
Sau này thành đất Xuân Quang hoang phế theo năm tháng, dấu tích còn lại không nhiều, nhưng làng Xuân Quang rộng lớn thì tồn tại một thời gian khá dài nay gồm các thôn Bình Tây, Bình Đông, Xuân An, Kim Thạch xã Nghĩa Hà. Cấm Xuân Quang nằm ở khu vực Bình Đông giáp Bình Tây. Ngày xưa cấm rộng chừng 3 mẫu Trung bộ, cây cối um tùm, giữa cấm là miếu thờ ông Quan Chiếu, hằng năm làng Xuân Quang cúng ông vào ngày 20 tháng 7 âm lịch, đông đúc dân làng, chức sắc kỳ hào làng Xuân Quang và các làng lân cận đến hầu dự. Thời phong kiến làng xã cấm nghiêm ngặt không cho dân chặt phá cây cối. Nhưng dần về sau có lúc buông lỏng, cây bị chặt phá dần, dân làm nhà gần cấm. Rồi chính thức thời 21 năm vì sợ quân Giải phóng đào hầm bí mật ẩn nấp nên chính quyền Mỹ ngụy đã cho triệt phá hết cây cối, miếu ông Quang Chiếu thời chiến tranh cũng tiêu điều.
 
Tuy thời gian và sự đổi thay rất nhiều, nhưng với uy danh của ông, hằng năm người dân trong vùng vẫn dành tình cảm quý trọng, quyên góp tiền để tổ chức giỗ ông một cách tôn nghiêm. Bằng các nguồn đóng góp, hiện nay người dân đã xây dựng lại miếu thờ Quang Chiếu vương theo kiểu ngôi đền nhỏ, cử người trông coi hương khói hằng ngày. Chánh điện ba gian, tiền điện bên trong một gian với sắc phong thần ông, vị tướng có công giữ an cho dân thời chúa tiên Nguyễn Hoàng khai mở xứ Đàng Trong. Mong rằng, nơi đây được trùng tu thành một di tích văn hóa!
 
Bùi Văn Tạo
 
 
 

.