Ngôi nhà cổ hiếm có ở Quảng Ngãi

08:02, 19/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Làng An Điềm ở xã Bình Chương (Bình Sơn) là một vùng đất nổi tiếng thời xa xưa, nay vẫn rất đặc biệt bởi tập trung nhiều di tích, kiến trúc độc đáo. Một trong những công trình nổi bật là nhà thờ họ Võ, đây là ngôi nhà cổ hiếm có trên đất Quảng Ngãi.
[links()]
Tồn tại hơn 300 năm, nhà thờ họ Võ ở xóm 8, thôn An Điềm, xã Bình Chương là công trình kiến trúc cổ còn tương đối nguyên vẹn, mang đậm những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, đặc trưng trong hệ thống nhà cổ truyền thống ở Quảng Ngãi.
 
Độc đáo kiến trúc cổ xưa
 
Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của nghệ thuật kiến trúc cổ xưa khi đến tham quan nhà thờ dòng họ Võ ở An Điềm. Ông Võ Đức Chinh (57 tuổi), người trông coi nhà thờ, cho biết: "Nhà thờ được xây dựng cách đây hàng trăm năm, là tài sản quý giá của cha ông, là nơi để giáo dục con cháu về lòng biết ơn và nhớ về cội nguồn". Nhà thờ có diện tích khoảng 200m2. Ban đầu nhà thờ là nhà ở của ông Võ Phước An và bà Trương Thị Tới (con trai trưởng thủy tổ Võ Mậu Công) được dựng lên khi cùng cha di cư vào đất này khai hoang lập làng và được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất là năm 2010. 
Án thờ được chạm trổ tinh xảo.  ẢNH: PV
Án thờ được chạm trổ tinh xảo. ẢNH: PV
Toàn bộ kiến trúc nhà thờ được tạo dựng kết cấu truyền thống với 20 chân cột chia thành ba gian bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương, tường được xây bằng chất liệu vôi vữa tam hợp. Toàn bộ khung gỗ đến các hiện vật được lưu giữ tại nhà thờ được chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ, công phu như vì kèo, bao vọng, án thờ, khám thờ, liễn đối, đồ thờ tự (bình phong, tam sơn, bộ tam sự, bình hoa, kính chiếu yêu, khay...). Mặt kèo chạm khắc chủ đề con dơi, mắt dơi lộ to, râu dài uốn cong, cánh dang rộng. Bao vọng được chạm lộng chủ đề long phụng, triền chi dây lá, tứ thời (tùng, cúc, trúc, mai). Khám thờ gồm khám chính thờ thần chủ thủy tổ Võ Mậu Công, hai khám thờ hai bên thờ hậu hiền, các con cháu trong tộc họ Võ. 
 
Các khám thờ được xây bằng gạch, vôi vữa tam hợp, trang trí đắp nổi, trang trí vẽ màu tinh tế gồm các đồ án lưỡng long tranh châu, long vân, hổ phù, con dơi, hoa đào, chim phụng, bờm lửa tung bay, triền chi hoa dây, các câu đối bằng chữ Hán Nôm ca ngợi công danh hiển hách của thủy tổ, dòng họ. Án thờ được làm bằng gỗ, sơn son thiếp vàng, bốn mặt chạm lộng các hoa văn mang chủ đề rùa đội hạc vờn mây, lưỡng long tranh châu, triền chi hoa lá. Bình phong, tam sơn, khay, kính chiếu yêu, liễn đối bằng chữ Hán Nôm được cẩn xà cừ chủ đề hoa dây. Bộ tam sự, bình hoa được đúc bằng chất liệu đồng trang trí các chủ đề long, lân, hổ phù, hoa mai. Tất cả các đồ án trang trí nêu trên thể hiện sự chúc phúc, ước muốn bình an trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, ý nghĩa truyền nối thế hệ, phúc lai viên mãn.
 
Thông qua các nguồn sử liệu, kiến trúc, kỹ thuật chế tác đồ gỗ và đồ thờ tự có thể nhận định, nhà thờ họ Võ có niên đại giai đoạn cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. đây là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, độc đáo hiếm có ở Quảng Ngãi. Qua đây cho thấy, nghề chạm khắc gỗ truyền thống đạt đỉnh cao trình độ kỹ thuật, giá trị thẩm mỹ và óc sáng tạo của người nghệ nhân lúc bấy giờ.
 
Nhớ về nguồn cội
 
Anh Võ Đức Chinh cho biết: Hằng năm, vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch dòng họ tổ chức lễ giỗ Tổ. Con cháu trong dòng họ ở khắp mọi miền trong cả nước tụ họp về nhà thờ. Dịp này gia phả của dòng họ được lấy ra xem, lịch sử dòng họ được nhắc đến nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với bậc tiền nhân, đồng thời nhắc nhở con cháu tiếp nối truyền thống tự hào của dòng họ.
 
Theo truyền ngôn của người dân trong làng, vào thế kỷ XVII, thủy tổ Võ Mậu Công từ vùng đất Nhị Hà (Hà Nội) cùng ba người con Võ Phước An, Võ Phước Miên (Minh), Võ Phước Triều (Ngọc) cùng vào An Điềm và các vùng lân cận khai hoang, lập đất (Ngọc Trì, Tân Phước, Bình Minh, Trà Bình), sinh cơ lập nghiệp đến nay đã được 12 đời kế tiếp nhau. Nhớ ơn những người tạo dựng ra vùng đất đang ở và được mọi người trong vùng suy phục, nhân dân lấy tên các ông đặt tên làng An Điềm, Ngọc Trì, Tân Phước.
 
Dòng họ Võ là một dòng họ có truyền thống hiếu học, giàu lòng yêu nước. Thủy tổ Võ Mậu Công từng đậu kỳ thi Hội thời Hậu Lê, sau đó được bổ dụng làm quan ở các tỉnh Quảng Bình, Hải Dương. Đời thứ 7, các bà Võ Thị Kiều (vợ ông Đàm Thanh), Võ Thị Đệ (vợ ông Đoàn Như Thiện) là những nữ kiệt anh tài, những nhà yêu nước tích cực trong phong trào Cần Vương (1885-1888), phong trào Duy Tân (1908-1916). Đời thứ 9, nhà cách mạng Võ Đức Tần (tức Võ Tần) là Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Bình Sơn năm 1954, Bí thư xã Bình Chương(4.1948 - 6.1951), nhà yêu nước Võ Thuận (Bí thư xã Bình Chương (6.1951 - 6.1952)... Thế hệ tiếp nối thế hệ khẳng định tộc họ Võ đã sản sinh những người con tài năng, đức độ, hiếu học, giàu lòng yêu nước thương dân.
 
DI HÀ-P.LÝ
 
 
 

.