Đường về nhà

05:02, 15/02/2021
.
  Truyện ngắn của THIÊN DI
 
(Báo Quảng Ngãi)- Chuyến xe cuối cùng ngày 30 tháng Chạp vừa chầm chậm lăn bánh thì có tiếng đập cửa xe. Bên ngoài, một người đàn ông cao to, làn da đen nhẻm đang cố gắng hét lên điều gì đó. Cửa xe bật mở, người đàn ông vội vã lên xe rồi trầm giọng: “Cảm ơn bác tài, tôi có việc nên đến trễ quá”. Người đàn ông ngồi ở ghế lái nở nụ cười thân thiện: “May cho chú chứ chuyến này là chuyến cuối của năm rồi”.
 
Nhìn dọc trên xe, Vệ  - người đàn ông vừa lên xe chọn một giường nằm gần cửa sổ, sở dĩ anh có thể “chọn”, bởi giường trống còn khá nhiều. Cả xe chỉ có gần chục người khách, dãy giường cuối xe đã có một gia đình chiếm trọn, còn lại mỗi người đều chọn cho mình một chỗ nằm ở rải rác khắp xe.
 
Người đàn bà ở dãy giường giữa quay mặt về phía Vệ bắt chuyện: “Chú cũng zề Kiên Giang hả? Tui cũng zề đó. À mà cả xe này đều zề đó cả mà...”, biết câu hỏi của mình hơi vô duyên, Hai Hồng cười trừ. Hai Hồng là dân miệt biển, ai nhìn chị cũng có thể nhận ra điều đó bởi làn da nâu bóng, chất giọng nằng nặng cùng phong cách đeo vàng đầy mình của những người đàn bà xứ ấy. Vệ khẽ gật đầu rồi ngoảnh mặt ra cửa sổ theo dõi từng vệt sáng đang lướt qua, anh thầm nghĩ: “Trong những ngôi nhà bên ngoài kia, chắc cũng có ai đó đang chờ người ở xa về?”. 
Giọng của Hai Hồng lại vang lên: “Bác tài ơi mấy giờ thì tới chỗ dừng chân? Tui đói bụng quá rồi”. “Dạ, em cũng cùng thắc mắc. Con em nó la đói bụng rồi bác tài ơi”, giọng một phụ nữ cũng vang lên ở phía cuối xe. Cậu bé lơ xe hô to: “Mới lên xe mờ mấy cô ơi. Khoảng 4 tiếng nữa mới tới điểm nghỉ. Cả nhà mình cứ nghỉ ngơi chợp mắt chút rồi tới nơi cháu gọi”. Tiếng Hai Hồng vẫn vang vọng hết cả xe: “Trời quơi, lâu dẫy luôn nê. Tui đói quá trời quá đất rồi”. Từ dưới đuôi xe một cái bóng nhỏ lon ton chạy đi dọc hành lang xe tiến đến chỗ Hai Hồng rồi dúi vào tay người đàn bà một ổ bánh mì ngọt. “Cô ăn đi cô, con cho cô á”, đứa bé chừng 7 tuổi cười với Hai Hồng một cái thật tươi rồi vội vàng quay về phía đuôi xe nơi bố mẹ cô bé đang đợi. Hai Hồng hơi bối rối, chị quay sang nhìn Vệ nói giọng như muốn thanh minh: “Tui đâu có ý giành đồ với trẻ con đâu. Mà con bé trông đáng yêu quá chú nhỉ?”. Rồi không để cho Vệ kịp trả lời, Hai Hồng liếng thoắng liên hồi: “Chú quê ở đây hay ở Kiên Giang? Nãy nghe giọng chú chắc ở trỏng rồi. Về quê ăn Tết phải không? Tui thì ở đây, nhưng mà giờ tui về nhà, vì gia đình tui ở trỏng. Ngộ hông”. Đuổi theo những dông dài trong câu chữ của Hai Hồng, Vệ nghĩ anh có khi còn tóm tắt được cả cuộc đời của chị, nếu có ai đó hỏi anh, mà chắc ai trong xe cũng vậy, vì giọng của Hai Hồng vang thế kia mà.
 
Hai Hồng nay đã chừng trên 50 tuổi, chị được sinh ra và lớn lên ở vùng quê biển miền Trung, khi Hai Hồng lên 10 tuổi cả gia đình chị theo tàu của ông nội tiến về miền Nam, rồi chọn vùng biển Tây Nam của Tổ quốc để định cư ở đó. Đến tuổi trưởng thành, không hiểu cơ duyên thế nào lại đưa đẩy chị nên duyên với một người cùng quê. Sống được vài năm nơi đất khách, chồng chị nằng nặc đòi về quê, ba má chị có khuyên bảo sao anh con rể cũng không chịu, thế là hai bề từ mặt nhau. “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, nên tui theo chồng tui chớ. Hồi xưa cũng về nhà đôi lần. Còn mấy năm gần đây tui hông có về trỏng nữa vì ba má tui chết hết trơn rồi. Trong đó còn hai ông anh lớn thôi, tui theo chồng về đây cũng coi như về quê, nên Tết nhứt cũng ngại zô lắm. Bữa thằng cháu nó gọi kêu anh hai tui bịnh nặng, nên thôi đợt này tui zề đó thăm xem sao, sẵn tiện ra Tết mấy ngày cũng là ngày giỗ của má tui nữa... Vậy đó, lằng nhằng chú hể?”, Hai Hồng chốt bằng một câu hỏi mà Vệ không nghĩ mình có thể trả lời lại.
 
Người nằm giường bên cạnh Hai Hồng bỗng trở mình rồi đằng hắng một tiếng: “Bà bớt nói lại dùm tui, ai mướn bà mà nhiều chuyện dẫy”. Hai Hồng liếc mắt về bên đó, rồi lại quay sang Vệ: “Ôi dào, kệ ổng đi chú. Mấy cái cha dân biển được cái to mồm chớ làm gì được tui, tui thích thì tui kể, zậy đó”. Hai Hồng nói với Vệ, nhưng người đàn ông kia lại khẽ hừ giọng rồi lại trở mình quay lưng lại. “Còn chú, sao lại lưu lạc tới tận ngoài đây?”. Vệ ậm ừ cho qua chuyện rồi khẽ nhắm mắt. Chừng như biết ý, Hai Hồng cũng im lặng. Cả không gian xe lại chìm trong không khí tĩnh mịch, chỉ có tiếng động cơ vang lên đều đều, lâu lâu tiếng còi xe lại vang lên, nhưng lại vắng tiếng người.
 
Vệ lại chìm trong suy tư theo những vệt đèn ngoài ô cửa xe. “Mình về đó có ai chào đón không? Đã gần 3 năm rồi, có ai còn nhớ thằng Vệ này không? Hay chỉ nhớ thằng nghiện con vợ chồng ông Đốc. Mình về ba má mừng hay sẽ đuổi mình đi như trước đây?”. Cánh tay Vệ vô thức ôm siết chiếc ba lô đặt trên ngực, đâu đó lẫn trong xấp quần áo là phong thư mà má đã gửi cho anh lúc anh còn ở trại cai nghiện. Lá thư mà anh chỉ mới được Mỹ - người giáo dưỡng anh những ngày anh ở trại tìm đến gửi cho anh vào trưa nay khi anh đang lấm lem vệt dầu máy ở xưởng cơ khí - chỗ làm mà anh nghĩ mình sẽ ở lại vào dịp Tết này, rồi chẳng kịp tắm rửa anh đã vội vã chạy đi để kịp lên chuyến xe cuối.
 
***
 
Xe dừng ở một quán cơm dành cho xe đường dài ở một vùng ngoại ô thành phố. Vệ đang lơ mơ thì được gọi dậy bởi một người đi ngang giường. Duy - chàng thanh niên với chiếc áo hoodie rộng với mũ trùm kín đầu, tay ôm khư khư một chiếc hộp thiếc có ghi chữ NGOẠI thật to trên nắp hộp nối gót Vệ xuống xe. Cậu trai trẻ cũng ghé vào ghế đá đặt ngoài hiên quán khi thấy Vệ đang ngồi nhả những vòng tròn trắng vào bầu trời đêm. Hai người thanh niên yên lặng tận hưởng không khí mát lành của đêm giao thừa đang đến rất gần. Cô bé con khi nãy từ đâu bỗng đứng trước mặt Duy rồi chỉ vào chiếc hộp: “Này là bảo vật của anh ạ? Trong đó nhiều châu báu lắm phải không anh?”. Duy phì cười vì câu hỏi, nhưng anh bỗng nghiêm mặt rồi bảo: “Đúng, nó là bảo vật của anh, nhưng trong đó không đựng châu báu”. “Thế anh có thể cho em xem được không ạ?”, cô bé hỏi. 
 
Từ đâu vợ chồng Hai Hồng cũng sà xuống bên cạnh ghế đá: “Cô cũng tò mò, cháu đựng gì trong đó mà cứ ôm khư khư thế?”. Duy nhìn một vòng xung quanh bàn, anh dường như không thể chối từ những ánh mắt đang trông đợi mình. Duy vừa mở nắp hộp, vừa bảo: “Thực ra những thứ này đối với em thì quý, chứ với mọi người thì cũng chẳng có gì đâu ạ”. Trong hộp có vài tấm ảnh đã ố màu, còn có cả những tấm ảnh trắng đen, là ảnh cưới của một đôi vợ chồng ngày xưa, ảnh đứa bé con cởi trần nằm sấp trên bàn ngóc đầu lên cười, ảnh gia đình ngồi sum vầy bên mâm cơm, ảnh một đôi vợ chồng già đang ôm một đứa trẻ với nụ cười hạnh phúc... và một tờ giấy chỉ ghi vỏn vẹn vài chữ nguệch ngoạc “Ngoại nhớ thằng chó cún của ngoại”. “Ngoại em gửi về hôm trước, mẹ em làm dâu ngoài này. 
 
Lâu lắm rồi nhà em không sắp xếp được để về ăn Tết với ngoại. Năm nay, em học lớp 12 rồi, mẹ bảo em thanh niên rồi, nên cho em về quê thăm ngoại một mình”, Duy nhoẻn cười, nụ cười mang niềm hạnh phúc ngập tràn đang hướng về nơi có ông bà mình ở đó. Mẹ của cô bé vòng tay ôm lấy con gái rồi khẽ bảo: “Chị cũng là người ở trong đó nè. Cứ cách năm chồng chị lại đưa chị với bé con về thăm nhà, ăn Tết với ông bà. Cha mẹ chị sau này chắc cũng giống như ông bà ngoại của em, cũng mong ngóng bé con về thăm lắm đây”.
 
“Ở đâu có gia đình mình ở đó là quê hương. Gia đình ăn Tết cùng nhau thì ở đâu cũng vui, phải không bà con?”, Hai Hồng phát biểu, không hẹn mà cả bàn cùng gật đầu. “Bà cũng triết lý dữ heng. Mà bà nói cũng đúng đó chớ, nên năm nay tui mới cùng bà về nhà đây thôi. Không trách gì tui nữa nghen”, chồng Hai Hồng vỗ vai chị rồi vội vàng đứng dậy lách vào nhà. “Ổng dị đó mọi người”, Hai Hồng chữa thẹn cho phút tâm sự trước bàn dân thiên hạ của chồng mình rồi cũng vội vàng nối gót chồng.
 
Bàn ăn được dọn ra trong tiếng đì đùng của pháo hoa vang vọng trên không trung. Khác với vẻ xa lạ trên xe, giờ đây mọi người dường như xích lại gần nhau hơn, ai đó nâng ly nước hô to: “Chúc mọi người năm mới thắng lợi mới”...
 
***
 
Ánh bình minh đang lên vào ngày đầu tiên của năm mới. Hàng cây chạy lùa về phía sau. Những cội mai vàng trước sân mấy ngôi nhà hai bên đường đang trổ hoa lung linh trong nắng gió. Vệ đang trở về sau bao nhiêu cuộc trở về bằng giấc mơ, bằng nỗi nhớ ngắt quãng chập chờn, giữa lúc mùa xuân đang tràn về trên từng nhành cây, ngọn cỏ. Vệ biết, về chuyến này anh sẽ đón Tết ở nơi này, trong vòng tay của những người thân yêu. Chắc chắn là sẽ như vậy. Ai cũng sẽ như vậy!
 
Trên xe, bản nhạc vang lên hòa cùng tiếng lòng của hành khách: “Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu nắng mưa gần xa/ Thất bát, vang danh/ Nhà vẫn luôn chờ ta/ Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu có muôn trùng qua/ Vật đổi, sao dời/ Nhà vẫn luôn là nhà”.../.
 

.