Để di sản văn hóa trường tồn

09:02, 14/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dành tâm huyết cả đời để giữ gìn, phổ biến, trao truyền cho lớp trẻ, nhiều nghệ nhân Quảng Ngãi là nhịp cầu nối làm cho di sản văn hóa của dân tộc luôn có sức sống và trường tồn.
[links()]
Đó là ba nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Trịnh Công Sơn ở TP.Quảng Ngãi và Hồ Ngọc An, Hồ Văn Đường ở huyện vùng cao Trà Bồng, những người đã được Hội đồng cấp tỉnh chọn đề nghị trung ương xét phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”.
 
Lưu giữ và lan tỏa văn hóa Cor
 
Nghệ nhân ưu tú Hồ Ngọc An ở thôn 2, xã Trà Thủy được ví như “bảo tàng sống” về văn hóa truyền thống của dân tộc Cor. Ông am hiểu rất nhiều lễ hội và sử dụng thành thục nhiều loại nhạc cụ, biết chỉnh chiêng, đánh chiêng... Theo lời ông An, nghệ thuật cồng chiêng của đồng bào Cor như đã thấm vào máu thịt của ông. Bởi từ khi còn nhỏ đã được cha là NNƯT Hồ Ngọc Hoàng dạy đánh chiêng, nên ông khá am tường và ở tuổi thanh niên, ông An đã trở thành một trong những nghệ nhân đánh chiêng nức tiếng của cả vùng.   
Nghệ nhân ưu tú Trịnh Công Sơn ở tuổi  66 vẫn miệt mài sáng tác bài chòi.           ẢNH: TRÍ PHONG
Nghệ nhân ưu tú Trịnh Công Sơn ở tuổi 66 vẫn miệt mài sáng tác bài chòi. ẢNH: TRÍ PHONG
“Đấu chiêng thể hiện sức mạnh trường tồn và ý chí quật khởi của người Cor. Nó sinh động và có tính cạnh tranh về sự thể hiện những tiết điệu trong âm nhạc có một không hai của riêng đồng bào Cor”, ông An bày tỏ. Để lan tỏa nghệ thuật này trong cộng đồng, nhiều năm qua nghệ sĩ người Cor này đã nỗ lực truyền dạy lại cho thanh thiếu niên trong làng để tham gia biểu diễn ở các lễ hội quan trọng.
 
Không chỉ đánh chiêng giỏi, ông An còn hiểu rõ các nghi thức lễ của đồng bào Cor. Từ năm 1995 đến nay, ông  là người chủ trì các lễ hội hiến trâu và chỉ dạy cách tổ chức lễ hội ở các xã trong huyện.
 
Gần 30 năm gắn bó với công việc bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa Cor, ông An đã truyền dạy cách tổ chức các lễ hội văn hóa, cách đánh chiêng, đấu chiêng, chơi đàn brook... của dân tộc Cor cho hơn 40 thôn và 7 xã, với hàng trăm học trò. Hiện vợ và các con của ông đều tham gia đội văn nghệ, đội chiêng của địa phương, góp phần phát huy bản sắc văn hóa Cor trên vùng đất quế.
 
Với NNƯT Hồ Văn Đường ở xã Sơn Trà, ông rất am tường về nghệ thuật làm cây nêu và bộ gu của người Cor. Ông Đường từng tham gia nhiều hội thi, biểu diễn và gặt hái thành công như: Giải A - biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống, giải C về trình diễn giới thiệu nghi lễ dựng cây nêu tại Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao du lịch các dân tộc Việt Nam tại Quảng Nam năm 2017. Ngoài ra, ông còn tham gia và đoạt nhiều giải thưởng tại các hội thi văn hóa, lễ hội các dân tộc... Hiện ông là một trong những người nắm giữ và truyền dạy di sản văn hóa độc đáo này cho lớp trẻ ở Trà Bồng. 
Ông Hồ Văn Đường đang triển khai nghi thức trong lễ hội của đồng bào Cor bên cây Nêu.  ẢNH: TRÍ PHONG
Ông Hồ Văn Đường đang triển khai nghi thức trong lễ hội của đồng bào Cor bên cây Nêu. ẢNH: TRÍ PHONG

Theo ông Đường, trong các lễ hội của người Cor, nhất là lễ ăn trâu, mừng lúa mới... cây nêu là vật không thể thiếu. Trụ nêu thường làm bằng cây chò chỉ  - biểu trưng cho tính cao thượng và ngay thẳng của người Cor. Cây nêu cao từ 2 -  4m, tùy theo từng lễ hội.

Trụ nêu thường khắc họa các hoa văn rất công phu và độc đáo. Thân cây nêu treo những bộ gu bằng gỗ, có vẽ hoặc điêu khắc những hình ảnh, họa tiết mang yếu tố tâm linh. Đây là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tạo hình và hội họa dân gian đặc sắc của đồng bào Cor. “Cùng với bộ gu, cây nêu là cầu nối tinh thần của người Cor với thần linh”, ông Đường cho hay.

Khơi gợi ngọn lửa đam mê bài chòi
 
Gần trọn cuộc đời NNƯT Trịnh Công Sơn đã giữ gìn và trao truyền nghệ thuật bài chòi cho lớp trẻ. Sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là nghệ sĩ hát hố (đối đáp), nên “máu” văn hóa văn nghệ ảnh hưởng đến Trịnh Công Sơn từ bé. 
Nghệ nhân ưu tú Hồ Ngọc An (thứ hai từ phải sang) đang chỉ dạy đấu chiêng cho thanh niên người Cor.                          ẢNH: TRÍ PHONG
Nghệ nhân ưu tú Hồ Ngọc An (thứ hai từ phải sang) đang chỉ dạy đấu chiêng cho thanh niên người Cor. ẢNH: TRÍ PHONG
Từ khi còn nhỏ, cậu bé Sơn đã tham gia sôi nổi vào các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Sau giải phóng, ông đầu quân cho Đoàn Văn công Quảng Ngãi, sau đó gia nhập Đoàn Ca kịch Nghĩa Bình. Trong sự nghiệp của mình, NNƯT Trịnh Công Sơn đã sáng tác, dàn dựng nhiều chương trình văn nghệ quần chúng bằng chất liệu dân ca bài chòi và các loại hình dân gian khác như cải lương, dân ca kịch, biểu diễn ở khắp mọi miền đất nước. 
 
Để giảng dạy, trao truyền các loại hình nghệ thuật dân gian, năm 2013, ông Sơn đã thành lập “Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật Bài chòi - Hát hố Quảng Ngãi”. Từ khi thành lập đến nay, trung tâm ngoài công lập này là nơi khơi gợi ngọn lửa đam mê bài chòi, hát hố cho nhiều người. Và để gìn giữ, trao truyền di sản quý báu này, không chỉ giảng dạy bài chòi trong trường học ở Quảng Ngãi, mà năm 2019 - 2020, NNƯT Trịnh Công Sơn còn tham gia giảng dạy tại 12 trường tiểu học và THCS tại Đà Nẵng nhằm đưa di sản nghệ thuật bài chòi đến với lớp trẻ Đà thành. Tính đến nay, ông đã trực tiếp giảng dạy cho hơn 1.000 học trò và kỳ vọng đó là những nhân tố sẽ tiếp nối phát huy di sản văn hóa của dân tộc, để lưu truyền cho thế hệ mai sau...
 
TRÍ PHONG
 
 
 
 

.