(Báo Quảng Ngãi)- Truyền thanh (TT) dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đang là hướng đi mới, được tỉnh đưa vào đề án phát triển thời gian tới. Đây là giải pháp giúp hiện đại hóa hệ thống TT cơ sở; khắc phục tình trạng lạc hậu, xuống cấp của đài TT cơ sở lâu nay.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hạ tầng không còn đáp ứng yêu cầu
Đài TT huyện, đài TT tại các xã, thị trấn là kênh thông tin quan trọng, đưa nhiều thông tin hữu ích về cơ sở nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu và tiếp sóng, phát lại các chương trình của đài phát thanh truyền hình tỉnh. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm thực hiện giãn cách xã hội, phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, đài TT cơ sở đã khẳng định được vai trò của mình, trong truyền tải những thông tin liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, về những giải pháp phòng, chống dịch... đến tận thôn, xóm, khu dân cư. Dù mang lại nhiều tiện ích, nhưng hạ tầng của hệ thống TT cơ sở đang dần trở nên lạc hậu hoặc hư hỏng, xuống cấp khiến công tác đưa thông tin về cơ sở gặp nhiều khó khăn.
Với công nghệ phát thanh không dây, đòi hỏi nhân viên kỹ thuật đài phải trực tại chỗ để điều khiển tắt - mở và hiệu chỉnh âm thanh. |
Hiện tại, trong số 172 đài TT cơ sở đang hoạt động tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, còn 18 đài TT đến nay vẫn sử dụng công nghệ truyền thanh có dây. Đây là hệ thống truyền thanh sử dụng tăng âm và hệ thống dây dẫn đến các cụm loa phát thanh, được xây dựng và tồn tại hơn 30 năm nay nên công nghệ đã lạc hậu, chất lượng âm thanh kém và không đồng đều trên toàn tuyến.
“Truyền thanh có dây sử dụng dây dẫn đến các cụm loa, nên mỗi khi đường dây bị hư hỏng, chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để kiểm tra thủ công toàn hệ thống, mới xác định được đoạn bị hư. Mặt khác, dây điện, dây viễn thông ngày càng nhiều và chằng chịt; chồng chéo vào hệ thống dây dẫn khiến công tác kiểm tra, sửa chữa ngày càng khó khăn”, anh Trần Văn Truyền, cán bộ phụ trách đài TT xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) cho biết.
Không chỉ đài TT có dây lạc hậu về công nghệ, mà ngay cả hạ tầng TT không dây được đầu tư sau này hiện cũng không còn đáp ứng được yêu cầu. Đơn cử như về tần số hoạt động của đài TT cơ sở, dù theo quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh- truyền hình đến năm 2020, Chính phủ quy định đài TT cơ sở chỉ sử dụng băng tần FM 54-68MHz, nhưng toàn tỉnh có đến 63 đài TT cơ sở sử dụng công nghệ cũ, với băng tần FM 87 - 108MHz. Hoạt động trong băng tần không còn phù hợp với quy định, nhưng vì kinh phí thay mới trang thiết bị từ 150 - 350 triệu đồng, nên hầu hết các địa phương đều chưa thể đổi mới công nghệ phù hợp.
Hướng đến “truyền thanh thông minh”
Trước thực trạng hạ tầng TT cơ sở ngày càng lạc hậu, trong khi CNTT và mạng Internet ngày càng phát triển, thì việc xây dựng đài TT cơ sở dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT hay còn gọi là “truyền thanh thông minh” đang là lựa chọn tối ưu.
“Truyền thanh cơ sở dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT là giải pháp mới, nằm trong Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 135, ngày 20.1.2020. Đây là đài TT sử dụng phương thức truyền dẫn, phát sóng bằng hạ tầng viễn thông, Internet, với nhiều giải pháp công nghệ hiện đại như: Không cần có máy phát sóng; quản lý, vận hành tập trung thông qua website quản trị đơn giản, quản lý thiết bị đầu cuối qua ứng dụng trên bản đồ, có khả năng cho phép nhiều hệ thống khác dùng chung hệ thống truyền thanh cơ sở thông qua việc phân quyền, phân cấp bằng phần mềm quản trị... Loại hình TT cơ sở mới này đang được gần 30 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai”, Phó Giám đốc Sở TT&TT Trần Cao Tánh cho biết.
Theo Trưởng phòng Dịch vụ kỹ thuật Công ty Dịch vụ MobiFone khu vực 3 Đoàn Quốc Cường, với truyền thanh sử dụng ứng dụng CNTT và viễn thông, cán bộ kỹ thuật có thể điều khiển phát, tắt - mở, lập lịch cho các đài tự động phát một cách dễ dàng thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh. Việc quản lý đài, nội dung thông tin phát tại đài có thể phân cấp quản lý rõ ràng từ tỉnh xuống tận thôn, xóm, khu dân cư. Ngoài ra, giải pháp này còn giúp chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói, dịch tự động tiếng Việt sang tiếng dân tộc thiểu số và giúp cán bộ kỹ thuật ngồi một chỗ để kiểm tra, kiểm soát hiện trạng cơ sở vật chất, thay vì phải đến tận nơi để kiểm tra như đài TT có dây và không dây trước đây.
Mục tiêu năm 2025
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 56 triển khai thực hiện Quyết định 135 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT. Theo đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ chuyển đổi đài TT có dây và không dây hư hỏng, xuống cấp sang truyền thanh ứng dụng CNTT và viễn thông. Các đài TT cơ sở không đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh, khi thiết lập mới phải triển khai hệ thống TT cơ sở ứng dụng CNTT, viễn thông phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng viễn thông của địa phương.
|
Bài, ảnh: Ý THU