Chuyện về những "nhà báo nghiệp dư

09:06, 20/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)-”Chưa từng học qua các lớp đào tạo về báo chí, cũng không làm việc tại cơ quan báo chí, nhưng nhiều nhà báo nghiệp dư vẫn miệt mài “đi và viết”. Bởi với họ, góp sức phản ánh hiện thực cuộc sống là trách nhiệm với chính mình và cộng đồng.
Người thầy giáo 40 năm đeo đuổi nghề báo
 
Bước sang tuổi 65, thầy giáo về hưu Trần Cao Duyên, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) vẫn thường xuyên cầm máy ảnh, điện thoại thông minh cùng giấy bút đi rong ruổi khắp nơi để lấy tư liệu viết bài. Đam mê viết báo, nên không phải đến khi về hưu, lúc tay thôi cầm phấn, ông Trần Cao Duyên mới chuyển qua viết lách, mà nghề báo “bén duyên” với ông đến nay đã 40 năm ròng. 
 
Tác giả Trần Cao Duyên thường rong ruổi khắp ngóc ngách của làng quê để lấy tư liệu viết báo.
Tác giả Trần Cao Duyên thường rong ruổi khắp ngóc ngách của làng quê để lấy tư liệu viết báo.
 
Để có tư liệu viết bài, sau mỗi giờ đứng lớp, thầy giáo “đa năng” Trần Cao Duyên lại rong ruổi theo các tàu đánh bắt gần bờ của ngư dân Phổ Thạnh, lặn lội đến các ruộng muối của diêm dân... để lấy tin, rồi viết gửi cộng tác với các báo, tạp chí. Hoặc đơn giản, đó là những câu chuyện, nhân vật mà ông “lượm lặt” được từ cuộc sống hằng ngày, là những vấn đề xã hội gây bức xúc mà ông chứng kiến...
 
Những bài viết của tác giả Trần Cao Duyên đăng trên Báo Quảng Ngãi, Báo Thanh Niên... như: “Dấu xưa trong lòng cát”, “Học sinh thời... đưa đón”, “Gò Cỏ - làng du lịch cổ”... người đọc luôn nhìn thấy chính thói quen đi nhiều và dấn thân vào thực tế cuộc sống đã giúp tác phẩm báo chí của ông luôn mộc mạc, giàu sự trải nghiệm và dễ đi vào lòng người.
 
Từ những phản ánh hiện thực cuộc sống bằng tin, bài của ông, đã có nhiều vấn đề “nổi cộm” được chính quyền địa phương “cầu thị” và chấn chỉnh. Ngòi bút của người thầy từng dạy Văn này đã khiến bạn đọc xúc động và ủng hộ gần 40 triệu đồng cho một “măng non” không may mắc bệnh ung thư máu ở làng chài Phổ Thạnh..
.
“Những kỷ niệm nghề ấy chính là động lực, là điều thôi thúc tôi tiếp tục đi và viết, tiếp tục làm người thư ký của thời đại, phản ánh đời sống của người dân ở làng chài quê hương”, tác giả Trần Cao Duyên chia sẻ. 
 
Nuôi dưỡng “lửa nghề” bằng những chuyến đi
 
Người đọc báo Quảng Ngãi thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện cái tên Bùi Văn Tạo với những bài viết, câu chuyện bình luận khá sâu sắc về đời sống xã hội. Từ những bài luận bàn đáng suy ngẫm về lãng phí tài sản công, cần tạo dấu ấn văn hóa cho từng cổng làng, cổng chào, “đâu là nguồn nhân sự cho chi bộ cơ sở”... đến những bài viết mang dấu ấn các địa phương như: “Xuôi về ngã tư Ba La”, “Sông Phước Giang vẫn chảy qua những miền quê”...
 
Ít ai biết rằng, tác giả Bùi Văn Tạo (1954) là một thầy giáo về hưu, chưa từng học qua trường lớp về báo chí. Sinh sống tại xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), nhưng để có các tư liệu viết bài, ông đã thực hiện rất nhiều chuyến đi, khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Ở mỗi vùng đất mà mình đi qua, tác giả Bùi Văn Tạo đều tỉ mỉ lắng nghe, quan sát và ghi chép về hiện thực cuộc sống của người dân để rồi lấy đó làm tư liệu cho những bài viết của mình.
 
“Tay ngang làm báo, nên tôi không phải là người nắm rõ những quy chuẩn, quy tắc viết báo. Song, tất cả những bài viết mà tôi thực hiện, đều chắt lọc từ “vốn sống”, từ những điều mắt thấy, tai nghe. Với tôi, điều quan trọng nhất để có thể viết báo, là phải đi và phải lắng nghe, đồng cảm”, tác giả Bùi Văn Tạo trải lòng.
 
Bài, ảnh: Đông Yên
 
 
 

.