Đọc "Dòng lữ thứ" của Hoàng Thân

10:11, 10/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Là Bác sĩ chuyên khoa  II Tim mạch, nhưng Hoàng Thân (tên khai sinh là Trịnh Quang Thân) lại rất có duyên với thi ca. Năm 2019, bác sĩ, thi sĩ Hoàng Thân đã ra mắt bạn đọc tập thứ 3: Dòng lữ thứ, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

 

Tác giả Hoàng Thân là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Ngãi. Trước “Dòng lữ thứ”, anh đã ra mắt bạn đọc hai tập thơ: “Nguyên màu thời gian” (2016) và “Miên khúc” (2017).

Thơ Hoàng Thân chẳng xoáy xiết ào ạt, mà riu riu cái tình chân thật, để đi đến sự trù mật của tình người: “Này tôi còn một nụ cười/ Từ vay nhân thế yêu người, yêu tôi” (Tặng người, tặng tôi). Anh đã ngộ ra và đúc rút được từ những triết lý nhân sinh mà cha ông để lại.

Đấy là bể dâu nhân thế, là bất chợt vô thường... Tất cả đều bất khả kháng, làm sao cưỡng nổi: “Và ta về với chính ta/ Nghe lời dâu bể gõ qua đường trần/ Biết là cát bụi phù vân/ Cơ chừng cũng rã bước chân đi về” (Sát na vô thường).

Với tôi, khi đọc thơ anh, dù ở thể loại nào, đề tài nào chăng nữa, thì thơ anh vẫn theo bút pháp gợi nhiều hơn cảm. Cái cảm trong thơ Hoàng Thân cần đến sự chiêm ngẫm, rồi tự thăng hoa cho nỗi lòng rưng rưng xa xót, rồi sẽ sàng như mưa dầm thấm lâu.

Cái gợi trong thơ Hoàng Thân hình như chỉ nêu ra vấn đề, còn người đọc tự tìm hướng đi để chiêm cảm riêng mình. Cuối cùng lại cùng nhau hội tụ đến đích đồng điệu, đồng cảm thi ca.

Đọc “Dòng lữ thứ” tôi bắt gặp những câu thơ thật dung dị mà nội hàm lại mang mang nỗi niềm: “Tôi đứng bên này một dòng sông/ Xanh trong mấy thuở đọng trong lòng/ Đâu bờ, đâu bến, đâu nương bãi/ Đâu những ngày xưa con nước trong?” (Đâu những ngày xưa).

Bên kia dòng sông ấy là gì nhỉ? Phải chăng, là quê hương bản quán, là nguyên sơ nguồn cội của đời người, là nơi ta hình thành nhân cách, nơi cho ta dệt nên những ký ức tuổi thơ. Và nơi tình yêu vụng dại, trinh nguyên chớm nở...

Nói rộng ra, “bên này một dòng sông” là đường biên của từng quãng đời trong hành trình sống của mỗi đời người. Trong từng quãng đời ấy đã chứa đựng biết bao ký ức xanh trong, để bây giờ ngoái lại ta bùi ngùi tiếc nhớ cái "Xanh trong mấy thuở đọng trong lòng".

Bàng bạc trong tập thơ “Dòng lữ thứ” là những triết lý của Phật giáo và triết lý phương Đông. Đó là những phạm trù triết học rất rộng. Cảm nhận nông sâu về những triết thuyết này tùy theo từng người ở mức độ am tường và quan tâm khác nhau. Hoàng Thân thể hiện sự quan tâm bằng những chiêm nghiệm của riêng mình: “Rong chơi cũng một lần thôi/ Đời trăm năm đã định rồi: Hữu- Vô/ Biển thì ắt có sóng xô/ Lớp sau lớp trước cũng vô tới bờ” (Vô vi).

Cặp phạm trù hữu – vô được người đời quan tâm là những phạm trù nền tảng luôn thống nhất hữu cơ với nhau. Trong “hữu” có “vô”. Trong “vô” có “hữu”. Trăm năm của kiếp người không khỏi quy luật tự nhiên ấy. Thế nên: “Đã tri lấy chữ vô thường/ Thì thôi phiền não chớ dường thoảng qua/ Đã tri được chữ ta bà/ Thì thôi hỉ nộ chẳng là thoảng thi” (Vô vi).

Thơ Hoàng Thân luôn có tính khái quát lớn, nhờ anh xuất phát từ sự chân thành. Sự chân thành này luôn thúc giục anh khơi mở những sự chân thành khác. Có thể nói, “Dòng lữ thứ” là tiếng lòng của người thơ giàu trải nghiệm. Một cách nhìn đầy nhân tính, công bằng và đôn hậu, cùng với nỗi nhớ nhung, nuối tiếc qua cảm thức thơ ca.

Đằm sâu trong tập thơ là tấm lòng mà tác giả Hoàng Thân muốn gửi gắm và sẻ chia cùng bạn đọc: “Này tôi còn một nụ cười/ Từ vay nhân thế tặng người, tặng tôi”(Tặng người, tặng tôi).

Bài, ảnh: Bùi Huyền Tương
 

.