Một đời nặng lòng với bài chòi

10:08, 24/08/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Bài chòi đã giúp cho cuộc sống của hai mẹ con bà Phạm Thị Lượng, 51 tuổi, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức từ chỗ côi cút mà vui tươi, lạc quan hơn trước những ngã rẽ của cuộc đời. Cả một đời nặng lòng với bài chòi, bà Lượng luôn mong muốn có những thế hệ "hậu duệ" kế thừa, trong đó con gái của mình.
"Sợi dây rốn" kết nối tâm hồn
 
Trong ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con bà Lượng luôn ngân vang các làn điệu bài chòi bất kể lúc nào mà cả hai cảm thấy thật sự yêu thích. Mẹ hát, con nghe. Con hát, mẹ nghe. Có trường đoạn cả mẹ và con kết hợp với nhau thật ưng ý. 
 
Họ quây quần bên nhau, lấy phòng khách, hiên nhà làm sân khấu. Cả hai góp ý cho nhau như hai người bạn, cùng đồng hành trong cuộc sống, có chung niềm đam mê với loại hình nghệ thuật bài chòi truyền thống.
 
"Nhà chỉ có hai mẹ con côi cút, tựa vào nhau mà sống. Hằng ngày, cứ lúc nào rảnh lại hát hò cho vui. Nói chung cứ ngứa cổ là hát. Quen rồi nên ngày nào không hát lại thấy đói như không ăn cơm", bà Lượng nói.
 
Theo bà Lượng, hát bài chòi thường xuyên là để vừa luyện thanh vì bây giờ tuổi cao nên độ luyến láy không bằng trước. Mặt khác, bà cũng muốn truyền dạy lại cho con gái, muốn rèn nó sau này dù làm nghề gì, công việc gì cũng phải biết lấy bài chòi là vốn sống tinh thần của mình.
 
Mẹ con bà Lượng cùng hát bài chòi trong sinh hoạt hằng ngày.
Mẹ con bà Lượng cùng hát bài chòi trong sinh hoạt hằng ngày.
 
“Đan võng cũng hát, nấu cơm cũng hát. Bài chòi đã dìu hai mẹ con em đi qua năm tháng hỉ, nộ, ái, ố, san sẻ những niềm vui, nỗi buồn của hai mẹ con. Ngôi nhà tuy nhỏ nhưng chan chứa giá trị tinh thần"- bé Phan Huyền Vy, 20 tuổi, con gái bà Lượng nói thêm sau lời của mẹ. 
 
Tiếng hô bài chòi, nhịp gõ phách vang lên, vọng sang những mái nhà của xóm nhỏ. Bà con, chòm xóm tấm tắc, khen ngợi. Những lúc như thế, họ đều dừng hẳn công việc, rủ nhau đến nhà bà để nghe bài chòi. Ai cũng muốn được hát bài chòi như mẹ con bà nhưng chẳng hề dễ dàng chút nào. Bởi để hát được bài chòi, bà đã rèn giũa và không ngừng học hỏi gần cả cuộc đời.
 
Trước đây, như bao làng quê khác, huyện Mộ Đức được biết đến là làng quê trù phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân trong những năm tháng gian khó nhất.
 
Cũng từ mảnh đất này đã sinh ra biết bao thế hệ tài năng bậc nhất. NSUT Phạm Hữu Ích- từng là diễn viên bài chòi nổi tiếng ở Đoàn dân ca kịch tỉnh Thuận Hải (Bình Thuận và Ninh Thuận ngày nay), cùng thời với NSND Lệ Thi là một điển hình.
 
Nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng của tỉnh Thuận Hải, tỉnh Nghĩa Bình khi xưa cũng đã kinh qua sự rèn giũa của bà. Người nghệ sĩ tài năng này cũng chính là cô ruột của bà Lượng.
 
"Từ bé tôi đã được tắm mình trong các câu hò, điệu hát đối đáp, giao duyên, dân ca bài chòi. Tôi đã yêu bài chòi đến độ xin cha mẹ chuyển vào ở hẳn với cô ruột để được theo đuổi niềm đam mê và kiên trì tập luyện trong những năm tháng ở đây", bà nói. 
 
Bà Lượng tham gia hô, hát bài chòi trong các dịp huyện Mộ Đức tổ chức.
Bà Lượng tham gia hô, hát bài chòi trong các dịp huyện Mộ Đức tổ chức.
 
Tất cả các điệu, các điển tích liên quan đến bài chòi bà đều thuộc lòng và có thể biến tấu uyển chuyển trong các sân khấu. Sau một thời gian dài gắn bó "tầm sư học đạo" nơi phương xa, năm 2001, bà Lượng trở về Quảng Ngãi. 
 
Trong một lần đại diện cho xã nhà tham gia hội diễn Liên hoan nghệ thuật quần chúng huyện Mộ Đức, bằng chất giọng mượt mà, truyền cảm của bà chinh phục toàn bộ khán giả, BGK và giành giải cao nhất, lọt vào tầm ngắm của huyện. Sau đó, bà trở thành CTV đắc lực của ngành văn hóa huyện Mộ Đức, được bà con yêu mến và có cơ hội biểu diễn thường xuyên hơn. 
 
Bài chòi là “báu vật”
 
Tính đến nay, thời gian bà gắn bó với ngành đã tròn 20 năm, dù không phải là cán bộ, diễn viên chính thức. Ít ra, với vị trí cộng tác viên, bà cũng có cái nơi để thỏa sức vùng vẫy với niềm đam mê, được truyền dạy lại cho các thế hệ mai sau. Miệt mài cống hiến, tên tuổi của bà vẫn được nhiều người nhắc đến trong lĩnh vực bài chòi.
 
Trong các lần huyện Mộ Đức tổ chức đưa bài chòi đến với cộng đồng tại các hội chợ ẩm thực, bà là một nghệ nhân đắc lực phối hợp các nhà quản lý để sáng tác, dàn dựng cho chương trình biểu diễn hô, hát bài chòi và có được sự đón nhận đông đảo từ công chúng. Trong các dịp như thế này, bà luôn ân cần truyền lại những gì mình hiểu biết cho các thế hệ trẻ.
 
Ở cái tuổi không phải "xưa nay hiếm", cũng không còn quá trẻ, bà Lượng tỏ ra tiếc nuối. Bà cho rằng: "Bài chòi là “báu vật”. Tôi vẫn chưa có nhiều cơ hội để phục vụ hết mình khi mà lúc mình đang ở giai đoạn sung sức nhất thì bài chòi lại tụt dốc. Giờ đây, bài chòi hồi sinh là điều may mắn. Nghệ nhân có thêm nhiều cơ hội để hội tụ, biểu diễn, luyện tập, không còn sống trong sự xót xa, tiếc nuối. Càng vui mừng hơn khi Mộ Đức xem việc phục hồi bài chòi luôn là điều ưu tiên lĩnh vực hoạt động văn hóa của huyện nhà".
 
Cả một đời gắn với nghề hô hát bài chòi, bà vui mừng khi bài chòi đã trở lại, được quan tâm, vinh danh trong thời gian gần đây. Bà cho hay, bà chưa từng nghĩ có ngày bài chòi vươn ra khỏi làng quê, được thế giới biết đến, vinh danh. Dù trước đó, không ít lần bà cảm thấy luyến tiếc và phải chấp nhận một thực tế, theo thời gian loại hình nghệ thuật này sẽ vĩnh viễn mất đi.
 
Bé Vy tham gia biểu diễn bài chòi.
Bé Vy tham gia biểu diễn bài chòi.
 
Bé Vy, con gái của bà dù còn trẻ tuổi nhưng đã dần cảm thụ được bài chòi. Trước đam mê mãnh liệt của mẹ, em đã không ngại khó để tìm tòi, học hỏi từ sự truyền đạt của mẹ và những nghệ nhân bài chòi.
 
"Bài chòi lúc đầu muốn hát được rất khó. Nhưng khi hát được thì rất thích thú. Học xong lớp dân ca bài chòi do huyện Mộ Đức tổ chức, em bị cuốn hút theo các làn điệu hò Quảng, xàng xê... lúc vui tươi, lúc sâu lắng. Em luôn ý thức giữ lấy niềm đam mê của hai mẹ con", My nói.
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn, bà Lượng là một trong những "hạt ngọc" của loại hình nghệ thuật bài chòi ở địa phương. Bà có khả năng tự sáng tác lời, tự hô, hát rất hay. Đó là nguồn tư liệu quý để khai thác, phục vụ bảo tồn bà chòi. Gần đây nhất, bà vinh dự được UBND tỉnh trao tặng bằng khen vì đã có thành tích tham gia xây dựng hồ sơ trình UNESSCO công nhận Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu- Trần Tươi
 

.