Cơn mưa đầu mùa

07:08, 18/08/2019
.
 *Truyện ngắn của LI LAM

(Báo Quảng Ngãi)- Mấy nay ông Châu cứ đứng ngồi không yên. Chiều tối, sau khi nghe bản tin thời tiết ông lại bồn chồn đi ra, đi vào. Thằng Thủy lụi cụi bê mâm cơm đặt lên tấm phản nhỏ trước nhà, bật bóng đèn vàng tù mù rồi hắng giọng: “Mời bố vào ăn cơm ạ!”. Ông Châu vứt vội điếu thuốc vừa châm, ngồi xếp bằng trên tấm phản rồi thở dài. “Bố cứ phiên phiến thôi. Lo quá lại hóa khổ đấy. Con đâu có đòi hỏi gì nhiều đâu nào”, thằng con đưa mắt nhìn ông.

Thật, thằng con trai nhỏ không đòi hỏi gì ở ông. Chẳng qua là ông đang tự đòi hỏi ở chính mình mà thôi. Ông Châu thầm nghĩ. Rồi cả bà Mân, đi bán con bò từ chiều mà đến giờ này vẫn chưa thấy về. Và vội chén cơm, ông lại châm thuốc, rồi ra đầu ngõ đứng chờ vợ.

Thằng Thủy dọn dẹp mâm bát xong đâu đấy rồi vào buồng cầm tập hồ sơ giấu vào cái ba lô đã sờn màu. Nó xin ông đi uống cà phê cùng đám bạn cấp III để mừng tốt nghiệp. Xin là xin thế, nhưng tối nay mục đích chính của nó là lên nhà ông anh họ ở làng bên có tí việc mà không tiện nói với ông Châu.

Thủy vừa nhận kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, chiều lòng ông Châu nó đăng ký nguyện vọng vào trường Luật. Tuần trước nó cũng đã nhận giấy báo trúng tuyển. Cầm tờ giấy báo, thằng Thủy đứng thần ra trước cửa. Nhìn thấy bố mẹ lưng áo đẫm mồ hôi vẫn cặm cụi làm việc, nó nắm chặt nắm tay rồi quay đầu vào nhà với một quyết tâm lạ lùng...

Nhà ông Châu bốn đời làm nông. Mấy đời bám lấy đất đai, ruộng đồng mà kinh tế không khá lên được. Ông quyết tâm cho hai đứa con ăn học thành tài. Con Hạnh, thằng Thủy tuy là con nhà nông, nhưng được cái học hành giỏi giang, chăm chỉ. Những tấm giấy khen của bọn nhỏ khiến ông nở mày nở mặt với xóm làng. Quyết chí cho chúng vào đại học, vợ chồng ông Châu bán ruộng lúa, dọn lên vùng đồi này trồng tiêu đã hơn chục năm nay.

Mấy năm đầu, hạt tiêu có giá cao, hơn hai trăm gốc tiêu đem lại thu nhập khá cho gia đình. Nhưng từ khi đứa con gái lớn vào đại học, giá tiêu giảm dần, thời tiết cũng bắt đầu khô hạn. Vùng đất đồi của gia đình ông trở nên thiếu nước trầm trọng, đám tiêu còi cọc hẳn. Rồi 3 năm trước, ông chặt hơn trăm gốc tiêu đổi sang trồng cây thanh long. Vườn thanh long chỉ vừa thu hoạch được mùa quả bói thì lại gặp hạn, cây thanh long được tiếng chịu hạn tốt vẫn không vượt qua nổi mùa nắng nóng trên vùng đất cằn cỗi, những bông thanh long vừa trổ lại vội héo nụ dưới cơn nắng gắt.

Hơn tháng nay, ông Châu thuê thợ đào giếng quanh vườn, nhưng hy vọng bao nhiêu lại thất vọng bấy nhiêu. Giếng đào hơn 30m vẫn không có nước. Lấp đến cái thứ 4 thì thằng Thủy nhận giấy báo trúng tuyển đại học. Mùa hè này, con Hạnh tốt nghiệp đại học, thằng Thủy lại chuẩn bị bước vào giảng đường...

Sáng nay, bà Mân ra vườn vặt bớt đám hoa thanh long đã héo quắt trên cây, rồi hì hụi nổ máy bơm chút nước còn sót lại từ cái giếng dưới chân đồi. Lấy tay đỡ phiến lá đang ngả vàng, bà hỏi ông Châu đứng cách đó không xa: “Tôi đi bán nốt con bò nhé? Ông ở nhà kêu thợ đến đào chỗ cuối vườn xem sao, chỗ ấy thấp nhất, biết đâu...”, bà bỏ dở câu nói, sợ nhỡ đâu nói trước lại bước không qua.
 
 ***
Vài ngày sau, trời chuyển ì ầm. Thủy bảo: “Chắc sắp mưa rồi đấy bố ạ!”. Ông Châu lắc đầu: “Bao nhiêu lần chuyển trời mà có lấy giọt nước nào đâu. Không hy vọng gì”.

Sau bữa cơm trưa, thằng Thủy bảo bố mẹ nó ngồi nán lại một chút. Cầm cốc trà đá con trai vừa rót mời, ông Châu đùa: “Con có chuyện gì trọng đại hả? Đậu đại học Luật rồi lại cảnh vẻ đấy phỏng?”. Thằng Thủy ghé mình ngồi lên tấm phản rồi trầm giọng: “Con nói chuyện này, bố mẹ đừng giận...”, nói vậy nhưng nó cứ ậm ờ.

Bà Mân gắt: “Thế mày có nói nhanh để cho bố mẹ còn nghỉ tí rồi ra vườn không thì bảo. Cây cối nó chết khô cả ra đấy rồi lấy đâu ra tiền cho chúng mày đi học?”. Nghe mẹ nói, thằng Thủy có vẻ quyết tâm hơn, nó hắng giọng rồi nói: “Con xin phép bố mẹ cho con đi học nghề ạ. Con không thích học luật đâu. Bố mẹ cũng biết là con thích nấu ăn mà. Con đã tìm hiểu trường nghề ở dưới tỉnh rồi. Họ đào tạo chi phí thấp, ra là có việc luôn, lại đúng nghề con thích nữa. Một mình chị hai học đại học được rồi”.

Thằng Thủy vừa dứt câu thì tiếng lộp độp trên mái tôn ngày càng to hơn. Những hạt nước bạc, to mẩy tuôn xối xả trắng trời. Khuôn mặt ông Châu lúc này không biết là vui hay buồn. Mặc cho mưa quất vào mặt rát rạt, nhưng ông vẫn lao ra vườn, đám đất khô cong nay được thấm no nước mềm ra dưới tay cuốc của ông, rãnh nước được khơi thông dẫn về từng gốc cây trong vườn. Cả khu vườn như bừng lên sức sống mới. Đám thợ cuối vườn cũng đang hò reo gì đấy, hình như đã tìm thấy mạch nước rồi...

Đứng dưới cơn mưa đang ngày một lớn, ông Châu nghĩ, thằng Thủy sinh vào mùa mưa. Ông đặt nó tên Thủy vì nghĩ nước chính là thứ quý giá nhất đối với người nông dân như ông. Mặc dù vẫn chưa chấp nhận ý định của con, nhưng ông Châu rất vui bởi thằng con trai đã trưởng thành, suy nghĩ của nó chính là nguồn nước tưới mát cả tâm hồn ông như cơn mưa đầu mùa này vậy!


.